Ẩn ý của Đức khi đưa tàu chiến tới Biển Đông sau 2 thập kỷ

An Nhiên |

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Đức đã đưa một tàu chiến đến Biển Đông, trong một động thái được cho là nhằm tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực trước sức ảnh hưởng của Trung Quốc, theo CNN.

Việc đưa tàu chiến tới khu vực được cho là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính phủ bà Merkel. Ảnh: DPA

Việc đưa tàu chiến tới khu vực được cho là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính phủ bà Merkel. Ảnh: DPA

Việc Hải quân Đức điều khinh hạm Bayern (Bavaria) đến hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương được giới chức Đức tuyên bố hôm 2/8, theo đó con tàu sẽ bám sát các tuyến đường thương mại chung.

Khinh hạm Bayern dự kiến ​​sẽ đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12, trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng tới các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002.

Nói về lý do của sứ mệnh này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, các tuyến đường biển có thể đi lại tự do, các giá trị chung được bảo vệ và hoạt động thương mại tuân theo các quy tắc công bằng".

"Đối với các đối tác của chúng tôi tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thực tế là những tuyến đường biển không còn rộng mở và an toàn nữa, và những yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ đang được áp đặt bởi luật "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh", bà Kramp-Karrenbauer nói.

Tuy nhiên, bà Kramp-Karrenbauer khẳng định sứ mệnh không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và lưu ý rằng Đức đã đề nghị đến thăm một bến cảng của Trung Quốc "để duy trì đối thoại".

Song, Reuters dẫn nguồn tin giới chức Đức cho rằng, chuyến đi của tàu Bayern tới Biển Đông nhằm nhấn mạnh rằng Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong khi đó, SCMP nhận định, việc Đức đưa tàu chiến tới khu vực được cho là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel công bố vào tháng 9/2020.

Ngoại trưởng Đức hôm 1/8 từng nêu rõ: "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi sẽ quyết định sự định hình trật tự quốc tế trong tương lai. Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự đó và chịu trách nhiệm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Hồi tháng 4, nhà phân tích cấp cao Helena Legarda thuộc Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc ở Berlin cho rằng, kế hoạch đưa tàu chiến đến Biển Đông của Đức gần như là "động thái mang tính biểu tượng", nhưng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Berlin đang có lập trường hơn và sẵn sàng đối đầu chủ động hơn với những yêu sách về biển của Trung Quốc trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại