Ăn từ đầu mùa đến giỡ cả chục cái chứ chưa hẳn ai cũng biết bánh trung thu từ đâu ra

Trân Trân |

Bánh trung thu là món quà trăng rằm mê đắm mọi trẻ nhỏ nhưng không phải ai cũng biết đến sự tích của nó.

Chỉ ngày mai thôi là trẻ em sẽ nô nức rước đèn chào đón Tết trung thu, nhà nhà phá cỗ thưởng trà, ăn bánh quây quần bên nhau.

Và “bánh trung thu” là món ngon không thể vắng mặt trong ngày trăng tròn này.

Ắt hẳn mỗi chúng ta đều đã được nếm qua vị ngọt ngào, béo bùi, thơm ngon từ phong vị bánh trung thu đem lại, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, sự tích của chiếc bánh này.

Cùng khám phá sự ra đời của “bánh trung thu” để dành làm chuyện kể cho các bé nhân ngày rằm nhé

Nguồn gốc bánh trung thu theo quan niệm dân gian

Tết trung thu có từ rất lâu đời, có nhiều tài liệu cho thấy rằng, trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của người Việt.

Thời điểm rằm tháng 8 hàng năm là giai đoạn người nông dân đã gặt hái xong, lúa thóc đầy kho dưới tiết trời mùa thu ấm áp dễ chịu, trăng sáng rọi chiếu nhân gian, họ tổ chức đêm hội trăng rằm với các hình thức như phá cỗ, rước đèn, múa lân và cùng cất lên những bài ca câu hát cảm ơn trời đất đã cho họ một vụ mùa bội thu.

Ăn từ đầu mùa đến giỡ cả chục cái chứ chưa hẳn ai cũng biết bánh trung thu từ đâu ra - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Và chiếc bánh trung thu như một món ăn biểu tượng để dâng lên trời đất nhằm cám ơn thời tiết ôn hòa giúp mùa màng bội thu.

Nhân bánh gồm nhiều nguyên liệu hòa quyện tượng trưng cho đất được bao bọc bởi vỏ bột bên ngoài tượng trưng cho trời hay còn được ví như lớp nhân chính là con người đang được lớp vỏ ngoài là mẹ thiên nhiên bao bọc, qua đó con người thể hiện tình cảm với thiên nhiên nồng hậu đã cho họ lương thực cũng như việc làm và nơi cư trú.

Chiếc bánh bé nhỏ nhưng thể hiện tình cảm sâu sắc, thể hiện tinh hoa của trời đất, công phu của bàn tay con người sáng tạo.

Từ đó, cứ mỗi năm, đến dịp rằm tháng tám, người người nhà nhà lại nô nức làm bánh trung thu như một truyền thống quen thuộc, và sự kết hợp nguyên liệu độc đáo qua các thời kì tạo nên chiếc bánh trung thu đầy màu sắc như hôm nay.

Bánh trung thu theo cổ tích dân gian

Có rất nhiều sự tích xa xưa về ngày trung thu, nhưng có lẽ sự tích gần gũi nhất cũng như lí giải được cả nguồn gốc của trung thu cũng như bánh trung thu đó là sự tích về chị Hằng và chú Cuội.

Ngày xửa ngày xưa, trên trời có một nàng tiên nữ tên là Hằng Nga, nàng rất xinh đẹp và chăm chỉ cai quản cung trăng đẹp sáng lung linh.

Hằng Nga rất yêu trẻ con nên mơ ước của nàng là được ghé xuống trần gian chơi đùa cùng các em nhưng do quy định của tiên giới không cho phép.

Ăn từ đầu mùa đến giỡ cả chục cái chứ chưa hẳn ai cũng biết bánh trung thu từ đâu ra - Ảnh 2.

(Ảnh: Internet)

Vào năm nọ, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào ngày rằm tháng 8 – là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm, người nào làm được loại bánh ngon nhất, đẹp nhất và lạ mắt nhất sẽ được trọng thưởng bất kỳ điều gì mình muốn.

Hằng Nga vô cùng thích thú, háo hức tham gia cuộc thi ngay. Và nàng quyết định ghé trần gian để tìm ra công thức bánh ngon nhất, lạ nhất.

Vô tình, Hằng Nga gặp ngay anh Cuội – một chàng trai chuyên gia nói dóc, cứ mỗi tối Cuội lại tụ hợp các em nhỏ dưới gốc cây đa đầu làng mà kể chuyện tầm phào.

Ngoài tài “nói dóc”, Cuội rất giỏi nấu nướng, cậu thường tự tay làm bánh cho bọn trẻ trong làng ăn nên các bé rất yêu quý Cuội.

Hằng Nga biết vậy rất vui mừng và ngỏ ý nhờ Cuội cùng nàng làm ra loại bánh mới, thế là Cuội đưa ra một sáng kiến là cứ bỏ tất cả mọi nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên, nào là trứng, hạt dưa, thịt, mè, hạt sen, lạp xưởng…

Kì lạ thay, những chiếc bánh ra lò thơm phưng phức, các em nhỏ ăn vào đều khen rất ngon, khiến Hằng Nga cùng Cuội vô cùng ngạc nhiên pha lẫn thích thú.

Đã đến thời hạn trở về thiên đình, Hằng Nga đem những chiếc bánh chưa đặt tên thật ngon lên thiên đình dự thi và chia tay những người nhỏ đáng yêu nơi trần gian, từ biệt chàng Cuội nói dóc nhưng tài năng và tốt bụng.

Ăn từ đầu mùa đến giỡ cả chục cái chứ chưa hẳn ai cũng biết bánh trung thu từ đâu ra - Ảnh 3.

(Ảnh: Internet)

Thế nhưng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa nàng, nên đã nắm chặt lấy tay nàng và Cuội cùng cây đa đầu làng đều bị kéo theo lên cung trăng.

Leo lên cây đa chàng có thể nhìn thấy bọn trẻ đang vui đùa dưới trần gian. Có đôi lúc nhớ nhà, nhớ các em, Cuội chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.

Về phần Hằng Nga, món bánh độc đáo của nàng đã giành giải nhất, được Ngọc Hoàng đặt tên là “bánh Trung Thu” và ban cho nàng một điều ước.

Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuồng trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ.

Điều ước được chấp nhận và Ngọc Hoàng đặt tên cho ngày rằm tháng 8 là “Tết Trung Thu” – dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

Từ đó, cứ mỗi độ Tết Trung Thu, chị Hằng và chú Cuội lại được xuống trần gian để mang niềm vui cho các em, món bánh Trung Thu từ đó cũng trở thành món ăn đặc sắc không thể thiếu trong ngày này.

Từ đó về sau, cứ đến ngày Rằm tháng Tám, là lúc trăng sáng và tròn nhất, người ta lại tổ chức rước đèn, múa rồng múa lân dưới ánh trăng để kỷ niệm ngày chú Cuội, chị Hằng và đàn Thỏ xuống mặt đất vui chơi.

Bánh Trung thu làm thành hình mặt trăng để tưởng nhớ cuộc liên hoan vui vẻ dưới trăng buổi tối mà trẻ con quen gọi là Tết Trung Thu.

Dù là truyện cổ tích hay một món bánh truyền thống để cúng trời đất thì “bánh trung thu” vẫn mãi luôn là một biểu tượng của Rằm tháng tám, của Tết trung thu, là ước mơ và niềm vui của hàng triệu đứa trẻ trên khắp đất nước Việt Nam này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại