Ẩn số những chuyến đi của ông Duterte

Điển Vy |

“Donald Trump châu Á” - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và những bước đi của ông đang là một dấu hỏi cho giới truyền thông lẫn cả giới quan sát quốc tế.

Dự kiến ông Duterte sẽ thăm Trung Quốc và Nhật Bản trong tháng tới. Đặc biệt là chuyến đi đến Trung Quốc, có thể vào tuần thứ ba tháng 10, sẽ kiểm chứng lập trường đã tuyên bố của ông Duterte về các mối quan hệ chiến lược của Manila.

Định vị lại quan hệ với Mỹ

"Tập trung giải quyết an ninh trong nước, giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ" là bản chất chính sách đối ngoại gần đây của Philippines. Richard Javad Heydarian - chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học De La Salle, Philippines - phát biểu trực tiếp trong một tọa đàm mới đây về Biển Đông tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Theo đó, định hướng chính sách của Philippines sau phán quyết của Tòa trọng tài tập trung vào ba điểm chính: tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, thúc đẩy các nền tảng pháp lý dựa trên phán quyết và tiến đến thiết lập một thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao mà vị học giả này ví von là "Good Cop/Bad Cop" (Chính diện/Phản diện) cho thấy ông Duterte trái ngược với cựu tổng thống Benigno Aquino. Chính phủ trước thường xuyên gây áp lực lên các đồng cấp trong khu vực đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Ngược lại, chính sách ngoại giao đang định hình của ông Duterte được xây dựng nhằm mục đích tái lập tình bằng hữu với Trung Quốc cũng như thu hút vốn đầu tư từ nước này. Trong đó kể cả yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự đang đồn trú ra khỏi đảo Mindanao.

Trước đó, bên cạnh những bước đi ngoại giao cấp cao "xa lánh" với Washington, cuộc gặp gỡ song phương giữa ông Duterte và các nhà lãnh đạo châu Á, đặc biệt là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đã diễn ra êm đềm và ấm cúng.

Quyết định ngừng đa phương hóa tranh chấp Biển Đông của ông Duterte, cũng như việc kêu gọi đối thoại hòa bình và bỏ qua lợi thế từ phán quyết của Tòa trọng tài đã đánh trúng tâm lý của nhiều lãnh đạo ASEAN.

Thực tế, theo Richard Javad Heydarian, nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã mở cờ khi tân tổng thống Philippines lựa chọn lối tiếp cận Trung Quốc thiết thực và mang tính hòa giải hơn, như một đánh đổi là sự ủng hộ ngoại giao trong nhiều phương diện.

Câu hỏi thời gian

Nhiều khả năng sau G20 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách tại khu vực đang tranh chấp, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài.

Trao đổi bên lề một hội thảo về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, GS Herman Kraft (ĐH Diliman, Philippines) nhận định: "Việc Trung Quốc gia cố yêu sách bằng cách đưa nhiều tàu quân sự hơn, cũng như tăng cường hoạt động của lực lượng hải giám xung quanh các khu vực tranh chấp sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách của mình sau phán quyết và đẩy mạnh các hành động trên thực địa, đặc biệt là trước nỗi sợ vô hình rằng Trung Quốc sẽ sớm tiếp tục xây dựng trên bãi cạn Scarborough".

Trước đó, động thái của Tổng thống Duterte đưa ra một thông điệp hỗn hợp. Dù chỉ trích Mỹ ở nhiều khía cạnh, ông Duterte cũng đã khẳng định rõ ràng rằng sẽ không từ bỏ thỏa thuận an ninh hiện hành với Washington, thỏa thuận mang tính chất cốt yếu trong điều kiện quốc phòng của nước này.

Nếu Trung Quốc từ chối những nhượng bộ hữu hình tại Biển Đông, đặc biệt về ngư trường tại Scarborough, chính quyền Duterte sẽ không còn cách nào khác ngoại trừ chọn lựa cách tiếp cận đối đầu để tránh phản ứng chính trị đối nội trong nước.

Đây là lý do chính xác vì sao quan hệ an ninh với Mỹ là điều không thể thiếu đối với Philippines.

Dưới thời ông Duterte, Mỹ có thể không trông chờ vào sự hỗ trợ về chiến lược với ngoại giao như trước đây và hai bên phải thương thuyết với nhau về một trạng thái "bình thường mới" trong quan hệ song phương. Tuy vậy, khi nào trạng thái mới đó hình thành vẫn còn là câu hỏi của thời gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại