Với TikTok, thuật toán đề xuất là sản phẩm cốt lõi để nắm bắt tâm lý người dùng.
Dễ gây nghiện nhờ thuật toán đề xuất
Có thể nói, TikTok là ứng dụng thành công nhất đến thời điểm hiện tại. Xuất hiện vào năm 2017 từ ứng dụng chia sẻ video Douyin của Trung Quốc, chỉ 3 năm sau, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới, thậm chí vượt qua cả Google nếu xét về số lượt tên miền web được truy cập.
Nhiều người vẫn cho rằng TikTok thành công nhờ định hướng video ngắn nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Mấu chốt trong thành công của Tiktok không phải là video ngắn mà thực chất nằm ở thuật toán đề xuất nội dung.
Với TikTok, thuật toán đề xuất là sản phẩm cốt lõi. Không phải liệt kê sở thích, việc duy nhất bạn cần làm là ngồi xem video, nhấn like nếu thích hoặc lướt qua nếu không ưa. Hành động này sẽ được TikTok ghi nhớ, từ đó tự tạo thói quen xem và điều chỉnh nội dung hiển thị cho phù hợp (có khi thông qua nét mặt của bạn).
Nội dung hiển thị trên phần “Dành cho bạn” của Tiktok hướng tới việc cá nhân hóa như Facebook nhưng không cần phải follow ai, cũng không cần phải thả tim ai mà chỉ cần lướt xem, Tiktok sẽ nhanh chóng ghi nhận những dữ liệu xem của người sử dụng để đề xuất nội dung.
Tháng 9/2022, một số nhà khoa học tại Bytedance đã đăng tải một nghiên cứu khoa học và theo đó, họ nói về cách tạo ra thuật toán đề xuất dựa trên hành vi của người dùng theo thời gian thực. Chưa hết, họ còn đưa ra cách hệ thống làm việc và lý do tại sao nó nhanh, chính xác, và luôn cập nhật thay đổi theo người dùng.
Nói một cách cụ thể, thuật toán này được sử dụng cho các sản phẩm của Bytedance bao gồm cả Tiktok và Toutiao, những nền tảng mạng xã hội nội dung được cá nhân hóa một cách sâu sắc. Kết quả đạt được chính là thời gian giữ chân người dùng trở nên vô cùng ấn tượng.
Wall Street Journals cũng đã nghiên cứu cách thuật toán của TikTok hoạt động bằng cách tạo ra 100 tài khoản giả. Họ nhận ra rằng các video được TikTok giới thiệu phụ thuộc nhiều vào thời gian bạn dành ra để xem một nội dung cụ thể. Ngoài ra, khi càng lướt nhiều, các video ít phổ biến với nội dung ngách sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Lệ thuộc mạng ảo, bỏ bê cuộc sống thực
Bloomberg đưa tin, theo các chuyên gia, có bằng chứng cho thấy việc xem những nội dung như vậy có thể gây ra bệnh tâm thần hàng loạt. Câu chuyện về những cô gái trẻ khỏe mạnh xem clip về những người mắc bệnh Tourette bất ngờ xuất hiện các triệu chứng tương tự là ví dụ điển hình.
Chuyên gia cũng cho rằng, mối nguy hiểm lớn nhất của ứng dụng không nằm ở nội dung cụ thể nào mà ở bản chất gây nghiện của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng nghiện điện thoại thông minh, sự co rút chất xám của não và “chứng mất trí do kỹ thuật số” (thuật ngữ ám chỉ chứng lo âu, trầm cảm và suy giảm trí nhớ).
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về ảnh hưởng của TikTok đối với giới trẻ, PGS.TS. chuyên gia Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, TikTok là mạng xã hội mà tỉ lệ người dùng ngày càng cao, do phù hợp với tâm lý giới trẻ.
Trên nền tảng này, người sản xuất nội dung không được đào tạo về sáng tạo nội dung, về các chuẩn mực đạo đức cũng như hiểu biết về quy chuẩn văn hoá ứng xử trên không gian mạng, họ chỉ cố gắng phát triển kênh của họ để duy trì view, độ hiện diện trên nền tảng này, do vậy nó càng chuyển sang là nhảm nhí. Ví dụ xây dựng những kênh phim drama, khai thác những khía cạnh mang tính chất cấm kị (tình dục, ngoại tình, bạo lực, hoặc những tình huống thể hiện những tâm lý xấu xí của con người…).
Cùng với thuật toán lan truyền của TikTok, giới trẻ tiếp cận nhiều với những video như vậy đến mức không phân biệt được đâu là thực tế, đâu là diễn, trên thực tế những câu chuyện đó không được phổ biến như vậy. Từ những video độc hại đó, họ dần thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi nhẹ việc học hành, nó cũng như cách thức "ru ngủ" ý chí của mọi người không cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp; cách nhìn về thế giới xung quanh trở nên méo mó. Người xem dần bị lệ thuộc vào mạng xã hội ảo mà bỏ bê cuộc sống đời thực, không cố gắng phát triển bản thân.
Theo ông Trần Thành Nam, sản phẩm trên không gian mạng giống như thực phẩm đưa ra thị trường, thực phẩm trước khi được ra thị trường cần được đảm bảo công tác tiền kiểm để đảm bảo nó không gây hại cho sức khoẻ cộng đồng. Tuy được kiểm soát gắt gao nhưng vẫn có lỗ hổng, Tiktok lại là dạng “thực phẩm” cho não, liên quan đến thế giới quan, quan điểm, giá trị nhìn nhận của mọi người, thì cần phải có bộ sàng lọc, tiền kiểm nghiêm ngặt trước khi phổ biến.
Vì vậy, nếu xử lí muộn có thể gây “ung thư” về mặt tư tưởng, ảnh hưởng đến các thế hệ sau, sẽ ngày càng trở nên thực dụng, xa rời những giá trị tích cực, mà chỉ chìm đắm vào những cái tiêu cực, nhục dục mà họ được tiếp xúc từ những video "độc hại" trên mạng.
Chuyên gia Tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, đối với người trẻ, việc sử dụng TikTok để giải trí, làm việc,.. không xấu, nhưng cần cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, cần hạn chế, chọn lọc thông tin tiếp cận.
"Cần trang bị kĩ năng sống an toàn trên mạng cũng như năng lực tư duy phản biện, những chương trình phổ biến của nhà nước nâng cao năng lực nhận thức trong việc sử dụng không gian mạng an toàn", ông Nam chia sẻ.