Ẩn họa từ 'ngôi mộ' chất thải hạt nhân

Lê Du |

Giữa những hàng dừa xanh cùng làn nước trong vắt trên Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương nổi bật một 'ngôi mộ' mái vòm bằng bê tông khổng lồ.

Được gọi là Runit Dome, công trình chôn chất thải phóng xạ này đang ẩn chứa những mối nguy hiểm đối với cư dân trong hiện tại, cả tương lai.

Những vụ thử trên hòn đảo nhỏ

Câu chuyện về Runit Dome bắt đầu từ những năm 1940, khi Mỹ xác định Quần đảo Marshall là địa điểm thích hợp để thử vũ khí hạt nhân. Tính toán này dựa trên dân số thưa thớt của đảo quốc, khoảng cách với các quốc gia và tuyến đường vận chuyển khác.

Năm 1946, Mỹ thả quả bom hạt nhân đầu tiên xuống quần đảo. Trong 5 năm tiếp theo, thêm 8 quả nữa được kích nổ gần Enewetak và Bikini, hai đảo san hô vòng thuộc Quần đảo Marshall.

Năm 1952, Chính phủ Mỹ bắt đầu thử nghiệm vũ khí với quy mô lớn hơn. Theo Los Angeles Times, trong vòng 4 năm sau đó, họ đã thả 25 quả bom hạt nhân, trong đó quả bom có tên Castle Bravo, được cho là mạnh gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Tốc độ của các vụ kích nổ hạt nhân tăng nhanh vào cuối những năm 1950, khi các nhà chức trách Mỹ lo lắng về lệnh cấm thử nghiệm trên mặt đất. Chỉ riêng trong năm 1958, có đến 33 quả bom đã được thả xuống Marshall.

Tuy nhiên ngay cả sau khi Hiệp ước cấm thử nghiệm có giới hạn được ký kết vào năm 1963, Mỹ vẫn tiếp tục thử nghiệm vũ khí trên đảo quốc nhỏ bé nhưng không phải bom hạt nhân. Bắt đầu từ năm 1968, họ đã thử nghiệm hàng chục loại vũ khí sinh học khác nhau.

Đến những năm 1970, nước Mỹ không còn nhu cầu thử nghiệm vũ khí trên Quần đảo Marshall nữa. Thế nhưng, trước đó hàng chục năm, các vụ nổ đã tàn phá cảnh quan xinh đẹp và đáng ngại nhất là hàng tấn chất thải phóng xạ tồn tại trên đảo.

Thu dọn chất thải phóng xạ

Năm 1972, Mỹ giao trả Đảo san hô Enewetak sau khi cư dân ở đây đe dọa hành động pháp lý, đồng thời cũng đồng ý làm sạch đảo nhưng nhanh chóng gặp nhiều vấn đề nan giải.

Có đến gần 90 nghìn mét khối chất phóng xạ trên đảo. Đặc biệt, Runit từng là nơi diễn ra 11 vụ thử hạt nhân dẫn đến sự ô nhiễm cao gây độc hại đối với con người.

Trước tình hình này, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (Bộ Năng lượng ngày nay) và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra kế hoạch thu gom các mảnh vụn phóng xạ từ khắp Đảo san hô vòng Enewetak và vùi nó xuống miệng núi lửa Runit. Do Quốc hội từ chối trả tiền cho các nhà thầu tư nhân nên Chính phủ Mỹ phải điều quân đội thực hiện công việc này.

Ẩn họa từ ngôi mộ chất thải hạt nhân - Ảnh 1.

Vụ thử quả bom Castle Bravo - mạnh gấp 1.000 lần quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật.

Từ năm 1977 đến năm 1980, khoảng 4.000 quân nhân đã xúc đất cùng các mảnh vụn bị ô nhiễm tương đương diện tích 35 bể bơi Olympic cho vào miệng núi lửa, sau đó bít kín bằng một lớp bê tông dày 45cm, trải dài 110m, rồi bao phủ toàn bộ bằng một mái vòm chắc chắn. Mặc dù một số biện pháp an toàn đã được đặt ra, nhưng hầu hết đều nhanh chóng bị bỏ qua.

Các quân nhân làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm. “Bụi đó (chứa plutonium) giống như phấn rôm trẻ em bao phủ chúng tôi”, Paul Laird, người lái máy ủi trong quá trình xây dựng Runit Dome, kể lại với The New York Times , “Nhưng chúng tôi thậm chí không có mặt nạ giấy chống bụi. Sĩ quan chỉ huy nói đã đặt mua mặt nạ nhưng việc giao hàng bị chậm trễ, vì vậy hãy sử dụng áo phông để che mặt”.

Laird và hàng trăm quân nhân khác xây dựng công trình Runit Dome, sau đó bị ung thư, mắc các vấn đề về xương, thậm chí con cái của họ mang dị tật. Trong khi đó, Runit Dome cũng là mối đe dọa đối với người dân đảo quốc Marshall, những người đã tái định cư ở phần phía Nam của Đảo san hô vòng Enewetak, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu có nguy cơ làm hỏng công trình, gây rò rỉ từ bên trong.

Hiểm họa tiềm tàng

Nerje Joseph là một đứa trẻ trên Đảo san hô Rongelap khi vụ nổ Castle Bravo diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1954. Cô còn nhớ ngày có “hai mặt trời” và bụi phóng xạ hạt nhân trút xuống nhà cô như thế nào. Mặc dù Mỹ đã sơ tán Joseph cùng những người khác hai ngày sau đó, nhưng nhiều người đã gặp vấn đề về sức khỏe sau này trong cuộc sống.

Vụ thử hạt nhân trên Quần đảo Marshall đã lấy mất quá khứ của Joseph nhưng nó cũng đe dọa tương lai của cư dân. Runit Dome chứa mảnh vụn phóng xạ và các chuyên gia lo ngại rằng một cơn bão lớn do biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho mái vòm. Lúc đó, những gì bên trong nó có thể đổ vào Thái Bình Dương.

“Runit Dome tiêu biểu cho sự kết hợp bi thảm giữa thử nghiệm hạt nhân và biến đổi khí hậu”, Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Sabin về Luật Biến đổi Khí hậu tại Đại học Columbia, nói với The Guardian, “Đó là kết quả từ các vụ thử hạt nhân của Mỹ và việc để lại một lượng lớn plutonium”.

Năm 2019, Mỹ tuyên bố có ý định gia hạn thỏa thuận với Quần đảo Marshall nhằm cung cấp viện trợ để đổi lấy các đặc quyền quân sự trên lãnh thổ này. Nhưng Runit Dome tiếp tục là một vết thương hở.

“Đây là những vấn đề sinh tử đối với chúng tôi”, Jack Ading, Thượng nghị sĩ người Marshall ở Đảo san hô vòng Enewetak nói với Los Angeles Times, “Chúng tôi không thể chỉ dựa vào sự đảm bảo từ một nguồn. Chúng tôi cần sự đánh giá của các chuyên gia trung lập từ cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi không biết khi nào bãi thải Runit Dome sẽ bị nứt và rò rỉ... Chúng tôi không biết về biến đổi khí hậu. Chúng tôi không phải là nhà khoa học hạt nhân có thể xác minh độc lập những gì người Mỹ nói với chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người dân đảo muốn trở về một cách an toàn”.

Quần đảo Marshall tên chính thức là Cộng hòa Quần đảo Marshall, nằm gần Xích đạo trên Thái Bình Dương, có diện tích 181,3 km², dân số 60.528 người (theo số liệu năm 2023 của Liên Hợp Quốc), thủ đô là Majuro. Quần đảo bao gồm 29 đảo san hô vòng và 5 hòn đảo biệt lập, trong đó 24 là nơi có dân sinh sống.

Theo Allthatsinteresting

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại