Ông Nguyễn Công Chung, Tổng bếp trưởng khách sạn Sheraton (Hà Nội) cho rằng, hàu là loài nhuyễn thể có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến nhiều món ăn ngon như: hàu bỏ lò, hàu chiên trứng, hàu nấu canh, cháo hàu và cả hàu ăn sống.
Ông Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách khoa), cho rằng, thành phần chính của lốp xe là cao su. Có nhiều loại cao su như cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp hoặc cao su tái chế.
Nếu là cao su tái chế sẽ chứa nhiều độc tố do tồn dư từ các phế thải cao su và một phần được hình thành trong quá trình tái chế.
Chưa kể, trong quá trình làm tăng độ bền của lốp xe, người ta thường dùng bột lưu huỳnh để lưu hóa, lúc này sản sinh ra các chất độc tố như Captax, Altax, Thiuram…
Đặc biệt, để bảo vệ lốp xe, nhà sản xuất có thể trộn một lượng lớn carbon và các chất độn công nghiệp.
“Nếu ngâm trong nước lâu ngày lốp sẽ phân hủy tạo ra các chất lưu huỳnh, carbon đen và các chất độc trên gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh.
Nếu hàu nuôi trong điều kiện này cũng có nguy cơ chứa độc tố”, ông Tùng nói. Những chất trên đều thuộc danh mục hóa học cấm không được sử dụng trong thực phẩm.
“Nếu nhiễm độc cấp tính các chất như lưu huỳnh ban đầu chỉ đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi nhưng nếu chất này tích tụ lâu ngày sẽ gây giảm thị lực, phá hủy hệ tiêu hóa, hệ thần kinh”, ông Tùng nhấn mạnh.
TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, cần kiểm nghiệm hàu nuôi ở trong môi trường lốp xe cũ mới xác định được loài này có chứa độc tố hay không.
Khi người dân nuôi trồng một lượng lớn, cơ quan chức năng cần lấy mẫu kiểm nghiệm để người tiêu dùng yên tâm.