Ấn Độ: Ứng viên bị loại khỏi danh sách tranh cử vì nhà không có toilet

Minh Thu |

Chỉ vì ngôi nhà đang sở hữu không có toilet, nữ ứng viên tranh cử vào Quốc hội Ấn Độ đã bị loại khỏi danh sách.

Nữ ứng viên bị loại khỏi danh sách tranh cử vào Quốc hội Ấn Độ vì nhà không có toilet. (Ảnh minh họa)

Nữ ứng viên bị loại khỏi danh sách tranh cử vào Quốc hội Ấn Độ vì nhà không có toilet. (Ảnh minh họa)

Chỉ vì ngôi nhà đang sở hữu không có toilet, nữ ứng viên tranh cử vào Quốc hội Ấn Độ đã bị loại khỏi danh sách.

Hồi năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho triển khai chiến dịch đầy tham vọng mang tên “Làm sạch Ấn Độ” với mục tiêu xây dựng nhà vệ sinh cho mọi gia đình.

Tới ngày 2/10/2019, ông Modi tuyên bố chiến dịch đã đạt được mục tiêu đề ra và Ấn Độ trở thành quốc gia hoàn toàn không còn tình trạng phóng uế bừa bãi.

Đối với một quốc gia vốn đau đầu trước vấn nạn phóng uế bừa bãi ra ngoài môi trường, việc nhà phải có toilet trở thành điều kiện bắt buộc đối với những người muốn làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Điều này được chứng minh qua trường hợp của bà Krina Patel, ứng cử viên ra tranh cử vào Quốc hội tại thành phố Ahmedabad của bang Gujarat. Theo đó, bà Patel bị loại khỏi danh sách tranh cử do ngôi nhà của bà này ở làng Kanbha không có toilet. Sự việc bị đối thủ của bà Patel thuộc đảng Bharatiya Janata tố giác.

Theo hồ sơ tranh cử, bà Patel sở hữu một căn hộ riêng, một chiếc ô tô trị giá 1 triệu rupee (13.748 USD), cùng số vàng trị giá 1,5 triệu rupee (20.623 USD). Song bà Patel thừa nhận với các quan chức thuộc Uỷ ban Bầu cử rằng, ngôi nhà của bà ở làng Kanbha không có nhà tắm.

Đáng nói, quận Ahmedabad chính là nơi Thủ tướng Modi ra thông báo Ấn Độ đã hoàn toàn xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi vào năm 2019.

Chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ” do Thủ tướng Modi khởi xướng là kế hoạch vận động làm sạch môi trường có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại quốc gia này.

Ấn Độ cũng đã điều động 3 triệu nhân viên nhà nước và sinh viên từ nhiều khu vực trên lãnh thổ tới làm việc tại các thành phố, thị trấn và khu vực nông thôn để hiện thực hóa kế hoạch xây nhà vệ sinh cho các hộ gia đình. Trong vòng 60 tháng, Ấn Độ đã xây dựng 110 triệu nhà vệ sinh cho hơn 600 triệu người, theo tuyên bố hồi tháng 10/2019 của Thủ tướng Modi.

Theo ông Harsh Goel, một nhân viên chính phủ làm việc tại bang Punjab và là một nhà vận động tích cực người dân từ bỏ thói quen phóng uế bừa bãi, việc sử dụng nhà vệ sinh thuộc về hành vi ứng xử nhiều hơn so với nhận định đây chỉ là một cơ sở hạ tầng.

“Làm sao một ứng viên ra tranh cử có thể truyền cảm hứng cho người dân và trở thành tấm gương cho người khác, nếu như bản thân bà ấy còn không dùng nhà vệ sinh”, ông Goel bình luận về việc loại bà Patel khỏi danh sách tranh cử.

Tình trạng phóng uế bừa bãi ở Ấn Độ là vấn đề vô cùng nhức nhối. Điều này được thể hiện trong báo cáo vào năm 2017 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo WHO, gần 344 triệu người dân Ấn Độ không thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh.

Mặc dù chính quyền của Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ đã hoàn toàn xóa được nạn phóng uế bừa bãi vào năm 2019, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục chi một số tiền lớn trong ngân sách hàng năm để đạt được mục tiêu đề ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại