Các thùng dầu ở Faridabad, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Ấn Độ bắt đầu cuộc đua để mua được dầu với giá ưu đãi từ Nga trong bối cảnh các khách hàng truyền thống tẩy chay các mặt hàng năng lượng của Nga. Điều này buộc Nga phải đưa ra thêm các khoản chiết khấu nhằm giải tỏa lượng dầu tồn đọng. Ấn Độ hiện vẫn đang nhập khẩu dầu của Nga bất chấp áp lực từ các nước phương Tây yêu cầu nước này dừng làm ăn với Nga để siết chặt vòng vây kinh tế nhằm vào Moscow.
Hiện Ấn Độ đã vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ hai của dầu thô Nga sau Trung Quốc. Dầu mỏ của Nga chiếm 12% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, so với mức chưa tới 1% vào thời điểm trước chiến tranh. Trong tháng 7, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 2 của Ấn Độ, đẩy Saudi Arabia xuống vị trí thứ 3.
Tính về giá trị, trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 7, nhập khẩu năng lượng từ Nga đã tăng hơn 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, từ 1,3 tỷ USD lên 11,2 tỷ USD.
Giá cả của mặt hàng năng lượng này là yếu tố khiến Ấn Độ quyết tâm làm bạn hàng của Nga bất chấp áp lực của phương Tây. Nước này nhập khẩu tới 83% nhu cầu nhiên liệu của nền kinh tế. Điều này đẩy Ấn Độ vào tình thế rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc giá trên thị trường toàn cầu.
Giá trị nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng gấp đôi lên 119 tỷ USD trong năm tài chính 2021- 2022, chất thêm gánh nặng cho ngân sách và đe dọa kìm hãm sự phục hồi hậu đại dịch. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, việc nhập khẩu dầu thô của Nga là một phần trong các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ nước này. Nhiều nước khác cũng đang áp dụng cách làm này.
Đây không phải là lần đầu Ấn Độ hưởng lợi lớn nhờ tranh thủ mua được dầu thô với giá tốt. Hồi năm 2020, khi giá dầu thô toàn cầu rơi xuống mức thấp chưa từng có do hệ quả của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ gần như đóng băng, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định mua dầu để lấp đầu các kho dự trữ chiến lược. Theo các số liệu vào năm đó, nước này đã hưởng lợi khoảng 250 tỷ rupee (tương đương 3,3 tỷ USD) khi giá dầu tăng trở lại./.