Ấn Độ tiến hành thử nghiệm then chốt cho sứ mệnh không gian có người lái

Ngọc Thúy |

Ngày 10/10, Quốc vụ khanh phụ trách Khoa học Công nghệ của Ấn Độ Jitendra Singh cho biết nước này sẽ tiến hành một thí nghiệm mang tính then chốt cho sứ mệnh không gian có người lái đầy tham vọng Gaganyaan vào ngày 21/10, đó là phóng một mô-đun trống vào không gian vũ trụ và đưa nó trở lại Trái Đất.

Ấn Độ tiến hành thử nghiệm then chốt cho sứ mệnh không gian có người lái - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ Vikram (ảnh) của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng ngày 23/8/2023, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử thực hiện sứ mệnh khám phá thành phần đất, đá và khoáng chất ở phần cực Nam của hành tinh này. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thông tin trên được Quốc vụ khanh Jitendra đưa ra tại lễ khen thưởng các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) liên quan đến sứ mệnh Chandrayaan-3, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống bề mặt cực Nam của Mặt Trăng hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Jitendra thông báo cuộc thử nghiệm nói trên sẽ được tiến hành từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở miền Nam Ấn Độ và sẽ xem xét tính hiệu quả của hệ thống thoát hiểm cho phi hành đoàn, vốn có thể được sử dụng để đẩy phi hành gia ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Bước tiếp theo của dự án này sẽ là một chuyến bay thử nghiệm khác mang nữ phi hành gia robot Vyommitra ra ngoài vũ trụ trước khi sứ mệnh có người lái cuối cùng diễn ra.

Dự án đưa người thám hiểm không gian đầu tiên của Ấn Độ dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 90,23 tỷ rupee (1,1 tỷ USD). Sứ mệnh này sẽ liên quan đến việc phóng một tàu vũ trụ cùng với phi hành đoàn gồm ba người lên quỹ đạo 400 km trước khi đưa họ trở lại an toàn trên vùng lãnh hải của Ấn Độ. Mặc dù mốc thời gian chính xác chưa được chia sẻ nhưng sứ mệnh chính dự kiến sẽ được phóng từ sân bay vũ trụ chính của đất nước ở Sriharikota trước cuối năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại