Ấn Độ vừa tuyên bố họ sẽ bảo đảm sự “cô lập hoàn toàn” đối với Pakistan sau khi xảy ra một vụ tấn công tự sát hôm 14/2/2019 khiến 46 binh sĩ thiệt mạng ở khu vực Kashmir mà Ấn Độ kiểm soát. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại khu vực tranh chấp này trong nhiều thập kỷ qua.
Bộ trưởng Liên bang của Ấn Độ, Arun Jaitley, cho hay Ấn Độ sẽ thực hiện “mọi bước đi ngoại giao cần thiết” để cắt đứt Pakistan khỏi cộng đồng quốc tế.
Ấn Độ tố cáo Pakistan đã không thể ngăn chặn được nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed thực hiện cuộc tấn công nói trên.
Đánh bom đẫm máu
Kẻ đánh bom sử dụng một chiếc xe ô tô con chở đầy thuốc nổ để đâm thẳng vào đoàn xe chở các lực lượng an ninh Ấn Độ trên đường quốc lộ Srinagar-Jammu được bảo vệ gắt gao, ở địa điểm cách thủ phủ của bang Jammu và Kashmir 20km. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã lên án vụ tấn công này.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất của phiến quân nhằm vào lực lượng Ấn Độ ở Kashmir kể từ khi xảy ra phong trào nổi dậy chống lại quyền quản lý của Ấn Độ ở khu vực này vào năm 1989. Đã có ít nhất 10 vụ tấn công tự sát từ năm 1989 và cuộc tấn công lần này là vụ thứ 2 sử dụng xe ô tô con.
Trước vụ tấn công vào hôm 14/2, vụ đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng an ninh Ấn Độ ở Kashmir là vào năm 2002. Khi ấy, các phiến quân đã giết chết ít nhất 31 người tại một căn cứ lục quân ở Kaluchak gần Jammu, với đa phần nạn nhân là dân thường và người thân của các quân nhân.
Trong một vụ tấn công khác vào năm 2016 ở Uri, ít nhất 19 binh sĩ Ấn Độ đã tử vong. New Delhi quy trách nhiệm về vụ này cho nhà nước Pakistan nhưng Pakistan đã phủ nhận.
Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh với nhau và một cuộc xung đột có giới hạn, kể từ khi hai nước độc lập khỏi Anh Quốc vào năm 1947. Hầu hết các cuộc chiến tranh và xung đột này đều liên quan tới Kashmir. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng Kashmir đông người Hồi giáo nhưng chỉ kiểm soát được một phần trong số đó.
Ấn Độ chĩa mũi nhọn chỉ trích vào Pakistan
Cả thủ lĩnh phe đối lập Ấn Độ Rahul Gandhi và hai cựu thủ hiến của bang Jammu và Kashmir đều lên án vụ đánh bom ở Kashmir.
Ấn Độ cho hay, nhóm Jaish-e-Mohammad (đứng đằng sau vụ tấn công này) từ lâu đã có căn cứ ở trong vùng Pakistan. Ấn Độ tố nước láng giềng Nam Á là đã không chịu trấn áp nhóm vũ trang đó.
Bộ trưởng Ấn Độ Jaitley nêu rõ quyết tâm của Ấn Độ trong việc quy trách nhiệm cho Pakistan khi ông phát biểu trước báo giới sau khi dự một cuộc họp an ninh vào hôm 15/2.
Ông Jaitley xác nhận rằng Ấn Độ sẽ thu hồi quy chế tối huệ quốc đối với Pakistan - ưu đãi thương mại này được trao hồi năm 1996.
Ấn Độ đã kêu gọi quốc tế trừng phạt nhóm Jaish-e-Mohammad và tuyên bố họ muốn đưa thủ lĩnh của nhóm này, Masood Azhar, vào danh sách của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các phần tử khủng bố. Ấn Độ cố gắng làm điều này vài lần nhưng Trung Quốc (một đồng minh của Pakistan, đồng thời là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) đã dùng quyền phủ quyết để chặn lại các nỗ lực đó.
Ấn Độ cũng yêu cầu dẫn độ nhân vật Masood Azhar từ Pakistan song Islamabad từ chối với lý do thiếu bằng chứng.
Cơn thịnh nộ của Thủ tướng Ấn Độ
Người đứng đầu chính phủ Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, những kẻ đứng đằng sau cuộc tấn công ở Kashmir hôm 14/2 sẽ phải trả một giá đắt.
Hôm 15/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi đi lời cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào các nhóm khủng bố. Ông khẳng định “máu của người dân đang sôi trào”.
Ông Modi phát biểu tại thủ đô New Delhi: “Tôi muốn nói với các tổ chức khủng bố và những phần tử ủng hộ chúng rằng chúng đã phạm một sai lầm lớn. Chúng sẽ phải trả một giá rất đắt về điều này. Tôi cam đoan với quốc gia rằng các lực lượng đứng đằng sau vụ tấn công này, thủ phạm của vụ tấn công này – chúng nhất định sẽ bị trừng phạt vì các hành động của chúng”.
Trên mạng xã hội, Thủ tướng Ấn Độ Modi gọi vụ tấn công là hèn hạ. Ông kêu gọi ủng hộ các binh sĩ Ấn Độ ở bang Jammu và Kashmir.
Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị khủng bố cao trên lãnh thổ Pakistan VOV.VN - Trước tình hình này, để duy trì quan hệ song phương mạnh mẽ với Trung Quốc, Pakistan chịu sức ép phải áp dụng các chiến lược chống khủng bố hiệu quả.
Ông Modi viết như sau: “Cuộc tấn công các nhân viên lực lượng CRPF ở Pulwama là đáng khinh miệt. Tôi cực lực lên án cuộc tấn công hèn hạ này. Sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ an ninh của chúng ta sẽ không vô ích. Toàn bộ đất nước sẽ sát cánh kề vai với gia đình các liệt sĩ. Chúc cho các anh em bị thương mau chóng hồi phục”.
Ông Modi cũng nhắc lại lời cảnh báo của mình với Pakistan, rằng Ấn Độ sẽ không bị chia rẽ.
Thủ tướng Modi nói: “Nếu họ (Pakistan) nghĩ rằng những thứ họ làm, những âm mưu mà họ ấp ủ... sẽ thành công trong việc gây bất ổn cho Ấn Độ thì họ nên từ bỏ giấc mộng đó. Họ sẽ không bao giờ đạt được điều đó”.
Thủ tướng Modi có quan điểm cứng rắn hơn với chủ nghĩa khủng bố ở bang Jammu và Kashmir kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây gần 5 năm. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, năm 2018 có tới 253 phần tử khủng bố bị các lực lượng an ninh Ấn Độ tiêu diệt – con số này tăng gấp hơn 2 lần con số của năm 2015.
Năm 2001 Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa tổ chức Jaish-e-Mohammed nói trên vào danh sách khủng bố. Nhưng vào năm 2017 tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã phủ quyết nỗ lực đưa thủ lĩnh Jaish-e-Mohammed là Masood Azhar vào danh sách khủng bố quốc tế.
Theo Liên Hợp Quốc, Azhar thành lập tổ chức Jaish-e-Mohammed với sự hậu thuẫn của trùm khủng bố Osama bin Lden, lực lượng Taliban và vài tổ chức cực đoan khác. Nhóm Jaish-e-Mohammed tham gia nhiều vụ tấn công ở Ấn Độ, bao gồm vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ ở New Delhi vào năm 2001 (khiến 9 người chết) và trụ sở cơ quan lập pháp của bang Jammu và Kashmir (làm ít nhất 31 người thiệt mạng)./.