Theo hãng tin Reuters, chính quyền New Delhi đang cố gắng thúc đẩy nhanh hơn thỏa thuận với Mỹ để mua máy bay không người lái Predator cho hoạt động giám sát quân sự. Đây là là một trong nhiều dự án quốc phòng và hạt nhân mà hai bên đang ráo riết theo đuổi trong những tháng cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Barack Obama.
Mỹ đã qua mặt Nga
Đơn hàng đặt mua của Ấn Độ 22 chiếc Predator "Người bảo vệ" đưa ra trong tháng 6 vừa qua hiện đang trong giai đoạn đàm phán gấp rút. Các quan chức chính phủ tại New Delhi cho biết hai bên hy vọng đạt được những tiến triển để chỉ còn cần xử lý vấn đề giấy tờ trước thời điểm Tổng thống Obama rời nhiệm sở.
"Cuộc đàm phán đang tiến triển tốt. Mục đích là phải hoàn thành tiến trình chính trong vài tháng tới", một quan chức Ấn Độ giấu tên nhìn nhận.
Theo Reuters, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tạo dựng các mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Barack Obama, vốn cũng nằm trong chính sách đối ngoại xoay trục từ Trung Đông sang châu Á của ông Obama.
Thực sự Mỹ đã đánh bật được Nga khỏi vị trí nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. New Delhi cũng đang ở giai đoạn thống nhất được hợp đồng mua lò phản ứng hạt nhân trị giá hàng tỉ USD từ Mỹ.
Đổi lại, Washington cũng đã thống nhất cho New Delhi quyền tiếp cận công nghệ quân sự cao cấp của Mỹ, chẳng hạn hệ thống mới cho phép máy bay xuất kích từ tàu sân bay, và thuyết phục các nước khác cho Ấn Độ được làm thành viên trong Chế độ công nghệ điều khiển tên lửa, để từ đó mở đường cho việc bán máy bay Predator (không khí tài) cho Ấn Độ.
Giới chức quân sự của Ấn Độ cũng đã yêu cầu mua loại máy bay Predator có tranh bị vũ khí để giúp tiêu diệt những phần tử phiến quân vũ trang chống Ấn Độ trú đóng ở Pakistan nhưng các đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã ngăn chặn thương vụ này.
Để hoàn tất các thương vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter của Mỹ, người đã viếng thăm Ấn Độ vào tháng 4 vừa qua, dự kiến sẽ thực hiện thêm một chuyến đi Ấn Độ vào cuối năm nay.
"Chính quyền Washington đang muốn đạt được càng nhiều càng tốt từ các chuyến đi. Họ tin rằng vào thời điểm này đang có được 'địa lợi và nhân hòa' từ chính quyền hai nước, để từ đó có thể củng cố và thể chế hóa các tiến triển đã đạt được", ông Jeff Smith - Giám đốc Chương trình an ninh khu vực châu Á của Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ - bình luận.
Mối lo Donald Trump
Chính sách đối ngoại của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump luôn là "nước Mỹ trên hết" nên đã gây ra lắm câu hỏi ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác về chính sách xoay trục sang châu Á mà ông Obama hết lòng thực hiện.
Ông Trump không ít lần nhắc nhở các đồng minh thân thuộc của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, phải tự lo chuyện quốc phòng hoặc chia sẻ kinh phí với Mỹ về chuyện này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 3 năm nay trên nhật báo New York Times, ông Trum còn dọa (nếu thắng cử) có thể rút quân Mỹ từ các căn cứ ở Nhật Bản, và nêu ý tưởng để cho Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
"Đó là điều rất đáng quan ngại bởi có thể dẫn đến việc Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò 'đàn anh' ở châu Á sớm hơn dự kiến", ông Dhruva Jaishankar, chuyên gia về quan hệ Ấn Độ-Mỹ của Viện Brookings Ấn Độ, nhận định.
Tuy nhiên, ông Walid Phares, cố vấn của ông Trump và cũng là một học giả Mỹ chuyên về Hồi giáo cực đoan và chống khủng bố, cho rằng Ấn Độ không cần phải lo lắng.
"Với Ấn Độ, đó là hợp tác chống khủng bố đang tốt đẹp và cả hai nước đều đã bị nạn tấn công khủng bố trong thành thị. Bấy nhiêu cũng đủ để duy trì hợp tác", ông Phares giải thích.
Một trợ lý người Ấn Độ cũng tiết lộ chính phủ của Thủ tướng Modi đã thiết lập một nhóm nghiên cứu gồm sáu thành viên trong tháng 7 vừa qua để tìm kiếm cách hợp tác với ông Trump, nếu ông ấy thắng cử sắp tới.
Cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ, dẫn đầu bởi nhóm "Những người bạn Ấn kiều của đảng Bharatiya Janata (BJP)" của thủ tướng Modi, cũng đã mở chiến dịch vận động với cả hai ứng viên tổng thống Mỹ hiện tại.
Một thành viên của nhóm này thừa nhận qua hệ hiện tại với ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ tốt hơn.
Với ông Trump thì phía Ấn Độ còn rất lo lắng. Ông Manoj Ladwa, nhà phân tích chính trị làm việc tại London và từng là giám đốc truyền thông cho chiến dịch tranh cử năm 2014 của ông Modi, cho biết ứng viên Trump đã gửi đi thông điệp mâu thuẫn đối với Ấn Độ.
"Một mặt, ông ấy nói coi trọng quan hệ kinh doanh với Ấn Độ, nhưng sau đó lại đề cập đến những trung tâm thuê ngoài kiểu Ấn Độ, và cho rằng kiểu cạnh tranh đối tác này là làm hại cho công ăn việc làm tại Mỹ", ông Ladwa dẫn chứng.
Ông Manoj Ladwa, nhà phân tích chính trị làm việc tại London
Mục tiêu chiến lược
Trọng tâm của sự hợp tác quân sự giữa hai nước chính là việc Mỹ sẽ giúp cho Ấn Độ phát triển tàu sân bay lớn nhất.
Washington đã cung cấp cho New Delhi công nghệ điều khiển máy bay chiến đấu xuất kích từ các tàu sân bay, để từ đó có thể cho phép lực lượng hải quân Ấn Độ đi tắt đón đầu về công nghệ trong lĩnh vực này.
Tháng 6 vừa qua, Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận về trao đổi thông tin bí mật phát triển tàu sân bay với Ấn Độ - một ưu tiên chỉ dành cho đồng minh không thỏa ước như Ấn Độ.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ cũng thừa nhận với Reuters: "Họ đã bắt đầu giúp đỡ trong việc đóng mới tàu sân bay bản địa đầu tiên của chúng tôi, về cấp giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng. Thách thức trước mắt là duy trì đà quan hệ tốt đẹp này trong thập niên kế tiếp".
Trong tháng 8 vừa qua, chính quyền thủ tướng Modi cũng đã ký kết một thỏa thuận hậu cần cho phép mỗi nước có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Đây là thỏa thuận có được sau 10 năm đàm phán.
Ngoài ra hiện trên bàn làm việc còn hai thỏa thuận quốc phòng khác giữa hai nước, một liên quan việc đảm bảo an toàn truyền thông và một liên quan việc chia sẻ dữ liệu không gian mà Washington đã thúc đẩy.
Ông Jeff Smith - Giám đốc Chương trình an ninh khu vực châu Á của Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ - dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc của Mỹ nói vui: "Thủ tướng Modi đã cho thấy ông ấy sẽ không ngần ngại chơi xấu và bóp cổ ai đó để mọi chuyện trơn tru".