UNCSW là cơ quan thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) - một trong những cơ cấu then chốt trong LHQ.
Ủy ban có vai trò là diễn đàn lớn nhất và có tầm quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực bình đẳng giới, là nơi đề ra các ý tưởng, chiến lược, định hướng về vấn đề bình đẳng giới cho các quốc gia thành viên LHQ. UNCSW được thành lập bởi nghị quyết của ECOSOC ngày 21/6/1946.
Báo Hindustan Times ngày hôm nay (15/9) đưa tin, Ấn Độ và Afghanistan đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu giữa 54 nước thành viên. Ấn Độ và Afghanistan lần lượt giành được số phiếu là 38/54 và 39/54, trở thành hai thành viên thuộc châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhận đực 27 phiếu ủng hộ, thất bại trong nỗ lực giành được tối thiểu 28 phiếu (trên 50%) để đạt được điều kiện cần trong tranh cử.
Đại sứ Ấn Độ tại LHQ TS Tirumurti ngày 14/9 (giờ địa phương) thông báo nước này được bầu làm thành viên UNCSW.
"Ấn Độ đã thắng cử vị trí tại cơ quan thuộc ECOSOC giàu uy tín! Ấn Độ được bầu làm thành viên Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW). Đó là sự ghi nhận kiên định dành cho cam kết của chúng tôi về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chúng tôi cảm ơn các nước thành viên đã dành sự ủng hộ," ông Tirumurti viết trên Twitter.
Kết quả bỏ phiếu bầu hai thành viên châu Á-Thái Bình Dương vào UNCSW, ngày 14/9/2020
Ấn Độ, Afghanistan sẽ là thành viên của UNCSW trong nhiệm kỳ 4 năm 2021-2025, bên cạnh các thành viên được bầu khác gồm Argentina, Áo, Cộng hòa Dominica, Israel, Latvia, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Zambia.
Economic Times (Ấn Độ) cho hay, Ấn Độ đánh bại Trung Quốc trong cuộc chạy đua gay cấn giành ghế vào UNCSW giữa bối cảnh các hoạt động kỷ niệm 25 năm Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 - tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995 - đang được thực hiện ở nhiều nơi trên toàn cầu.
Tờ này cho rằng kết quả bỏ phiếu ở LHQ cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ về thực trạng tại Trung Quốc trong vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus