Ấn Độ đang “đợi câu trả lời của Mỹ” về “mini” FTA

Phan Tùng |

Ấn Độ được cho là đang đợi câu trả lời của Mỹ về đề xuất ký kết thỏa thuận song phương ở quy mô nhỏ nhằm giải quyết những tranh cãi về thương mại.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng ký với Liên minh châu Âu (EU) một thỏa thuận có tính chất tương tự, và đây là cơ sở để New Delhi trông đợi vào “bản thu hoạch sớm” của một FTA song phương toàn diện hơn.

Các quan chức của Bộ Công thương Ấn Độ đã xác nhận rằng nước này và Mỹ có thể sẽ ký một gói thỏa thuận thương mại quy mô nhỏ; tạo cơ sở để hai bên đàm phán một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ở quy mô toàn diện hơn trong tương lai. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận hiện tại giữa hai nước tiến triển rất chậm chạp. Mỹ chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào liên quan tới hạn chót, cũng như phản hồi về các đề xuất chính.

Ngoài ra, các yêu cầu đột xuất của phía Mỹ như điều khoản liên quan tới việc thu mua các sản phẩm bơ sữa từ Mỹ và chính sách dữ liệu cá nhân cởi mở hơn khiến tiến trình đàm phán bị kéo dài.

Trước đó, Mỹ và EU đã ký kết một thỏa thuận quy mô nhỏ có giá trị khoảng 200 triệu USD. Thỏa thuận với EU giúp giải quyết được đầu ra cho mặt hàng hải sản của Mỹ, khi nông dân Mỹ có thể xuất khẩu tôm hùm vào thị trường EU với thuế suất 0%. Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng cam kết giảm đáng kể thuế với nhiều sản phẩm của EU. Trong khi đó, Ấn Độ đã đề xuất một phương án tương tự với Mỹ từ năm ngoái.

Đánh giá về sự trì hoãn của phía Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng các quyết sách về thương mại trở nên nhạy cảm khi mà cuộc bầu cử tại Mỹ đang tới gần.

“Cho dù các đề xuất đã được cân nhắc kỹ, và nhẹ hơn nhiều, tổng thể gói đề xuất có thể lớn hơn, với những lợi ích dành cho hai nước là đáng kể”, một chuyên gia phân tích thương mại tại Washington DC đánh giá. Nhà phân tích này còn cho biết, trước tháng 11 tới, sẽ khó có cơ hội để chính quyền Mỹ hiện tại để mắt tới các gói đề xuất Ấn Độ đưa ra về quy định lưu trữ dữ liệu tại địa phương, cũng như thuế suất với các mặt hàng nông sản của Mỹ - một trong những yêu cầu của các ngành sản xuất tại Mỹ.

Yếu tố bầu cử chi phối

Hồi tháng 7, sau cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal và bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, xuất hiện nhiều hy vọng rằng thỏa thuận này đã ở rất gần. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ bác bỏ thông tin trên, cho biết chỉ đánh giá về gói thỏa thuận sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc vào tháng 11.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác lại khẳng định rằng, Nhà Trắng có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình đánh giá trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đứng trước áp lực phải “lấy lòng” cộng đồng người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Đặc biệt, đội ngũ tranh cử của ông Trump đang phải hành động gấp khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã chọn Thượng nghĩ sỹ Kamala Harris – một người gốc Ấn làm liên danh tranh cử.

Vướng mắc cơ bản giữa Ấn Độ và Mỹ hiện liên quan tới yêu cầu của hai bên với hàng hóa của nhau. Ấn Độ yêu cầu việc giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình với các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của Mỹ, chính sách thương mại với các sản phẩm y tế, và việc cắt giảm hạn chế về giá cả với các mặt hàng công nghệ xuất xứ từ Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng rất cứng rắn với Ấn Độ liên quan tới việc New Delhi áp thuế kỹ thuật số với các công ty của Washington.

Về phần mình, Mỹ cũng đánh tiếng sẽ để ngỏ khả năng khôi phục các điều khoản theo Quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) cho Ấn Độ nếu nhận được “các đề xuất tương xứng”. Đây được coi là yêu cầu trọng yếu của New Delhi trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tổng giá trị mà Ấn Độ nhận được thông qua GSP lên tới 260 triệu USD vào năm 2018. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ được hưởng ưu đãi nhờ GSP chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng hàng hóa của nước này vào thị trường Mỹ trong giai đoạn này, đứng ở mức 51,4 tỷ USD./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại