Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết họ có kế hoạch toàn diện nhằm hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKI để biến chúng thành phiên bản Super 30 "hoàn toàn của Ấn Độ".
Các tiêm kích Su-30MKI sẽ trải qua quá trình nâng cấp quy mô lớn về hệ thống điện tử hàng không và phạm vi vũ khí trên máy bay, đến mức tỷ lệ linh kiện của Ấn Độ trên dòng phi cơ này sẽ lên tới 78%, cổng thông tin Frontier India cho biết.
Theo tiết lộ, phiên bản Su-30MKI hiện đại hóa cho Không quân Ấn Độ sẽ nhận được máy tính trung tâm thế hệ mới, bảng cảm ứng để hiển thị dữ liệu tốt hơn từ các hệ thống trên máy bay và thậm chí cả trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) Virupaaksha do New Delhi sản xuất.
Bên cạnh đó, tiêm kích Su-30MKI cập nhật sẽ có khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không do Ấn Độ sản xuất như tên lửa BrahMos ER với tầm phóng lên tới 500 km, tên lửa hành trình cận âm Nirbhay tầm xa 1.500 km và tên lửa chống radar thuộc dòng Rudram (tùy theo sửa đổi có thể đạt tầm bắn từ 150 km đến 500 km).
Tuy nhiên có một lỗ hổng trong dự án hiện đại hóa quy mô lớn như vậy - Bộ Quốc phòng Ấn Độ không có kế hoạch thay đổi động cơ trên Su-30MKI mà có kế hoạch vẫn sử dụng loại AL-31FP.
Rõ ràng chiếc máy bay sau khi nâng cấp quy mô lớn như vậy sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trước và động cơ cũ khó lòng đáp ứng nổi.
Cần nhấn mạnh, người Nga khi hiện đại hóa những chiếc Su-30SM của mình đã đưa động cơ AL-41F1S lên chúng, "trái tim" nói trên có nhiều ưu điểm hơn hẳn và vốn được sử dụng trên tiêm kích Su-35S.
Tiêm kích Su-30MKI nâng cấp của Ấn Độ cần trang bị động cơ AL-41F1S của Su-35S để phát huy đầy đủ sức mạnh. |