Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,29 tỷ USD, tăng 15,1% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 9,4% so với tháng 8/2022.
Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 839,8 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 6,1% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính vẫn trong xu hướng giảm, do thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi lạm phát và suy thoái ở các nước kéo dài, ảnh hưởng nặng đến sức mua. Do đó, trị giá xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm đáng kể trong 8 tháng đầu năm 2023.
Sự sụt giảm ở thị trường truyền thống buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm kiếm thị trường mới như: Ấn Độ, Trung Đông…, vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 13,8 triệu USD, tăng 334,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Theo Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi các quốc gia ở khu vực này gần như không sản xuất đồ nội thất. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ khai thác trong thời gian tới.
Theo thông lệ hàng năm, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sẽ có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu thay thế nội thất gia tăng để đáp ứng mùa lễ hội.
Cùng với đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU hàng tồn kho đang giảm và nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ tăng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.