Người viết bài này từng làm huấn luyện viên đội tuyển của một môn thể thao, cho nên hiểu rõ một vận động viên đi thi đấu không có huấn luyện viên sẽ rất bất lợi. Khi tham gia một giải đấu, vận động viên cần sự tập trung cao độ, ngoài luyện tập dành thời gian để thả lỏng, thư giãn, không mất thì giờ cho những chuyện vặt.
Sự có mặt của huấn luyện viên và đồng đội bên cạnh giúp vận động viên tự tin, ổn định tâm lý thi đấu. Trong từng trận đấu với những đối thủ mạnh-yếu khác nhau, vận động viên sẽ khó phán đoán được tình hình nên có thể phạm sai lầm.
Người chơi cờ trong cuộc thường không sáng nước bằng người ngoài, huấn luyện viên với kinh nghiệm dày dặn, sẽ chỉ ra được đấu pháp hợp lý nhất để giành chiến thắng.
Văn Ngọc Tú đã không có đồng đội vì không có vận động viên được tuyển chọn, nhưng không thể không có huấn luyện viên. Bạn đã gặp bất lợi khi chưa bước vào tranh tài, bất lợi đó không từ đối thủ mang lại mà ngay chính nội bộ tạo nên.
Huấn luyện viên judo bị gạt ra nhưng trong danh sách đoàn có nhiều quan chức, cho dù giàu sức tưởng tượng đến mấy cũng không thể nghĩ ra những quan chức này đi Rio để làm gì. Cái suất du lịch cho các vị đến Brazil không chỉ tốn kém tiền bạc của Nhà nước, mà ảnh hưởng đến chất lượng, thành tích thi đấu của đội tuyển.
Nếu có sự thành tâm yêu mến thể thao và có tấm lòng vì danh dự quốc gia, có lẽ quan chức sẽ không dính phần vào khi tự biết mình chỉ là khách du lịch.
Buồn thay! Liêm sỉ thời nay không phải là điều dễ tìm. Không trách người khai thác tối đa cái chức của mình để tận thu mọi nguồn lợi có thể, chỉ trách những người đồng ý ký quyết định gạt huấn luyện viên, để thay vào đó những quan chức!
Báo chí đã chỉ ra trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam đi thi đấu ở nước ngoài nhiều quan chức đến vô lý. Lần đi Rio năm nay, báo chí còn chỉ đích danh tên tuổi của những người không đáng có mặt. Những lý giải vòng vo không thể che lấp được sự thật.
Thể thao Việt Nam cần có những thay đổi, một trong những cách cần làm ngay là loại bớt mánh khóe ăn bám thể thao.