Một trận chiến quan trọng trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á vừa nổ ra giữa một bên là ông lớn tới từ Mỹ, cha đẻ của nhiều website mua sắm trên internet, Amazon và một bên là đối thủ nặng ký tới từ Trung Quốc, Alibaba. Cả hai đều có quy mô rất lớn tại quê nhà, cực nhiều tiền và đều đang tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế.
Alibaba, thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, đã tiến những bước dài vào thị trường Đông Nam Á, trong khi Amazon thì đang tạo ra thế gọng kìm vây quanh khu vực “béo bở” này và dự kiến là sẽ “tung đòn” ngay trong đầu năm sau.
Đây không phải là lần đầu tiên hai ông lớn này chạm trán nhau. Alibaba đã mở một cuộc tấn công khi thách thức Amazon ngay tại thị trường Mỹ, giống như cách Amazon đã làm đối với Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Và cả hai giờ đây đang tiếp tục đương đầu với nhau trên chiến trường Ần Độ.
Vậy hai công ty sẽ chiến nhau như thế nào?
Đòn thế khác nhau
Mặc dù cả hai công ty đều nổi tiếng với tư cách là những ông lớn trong thị trường thương mại điện tử, nhưng mô hình kinh doanh của 2 bên lại không hề giống nhau.
Amazon, dưới sự dẫn dắt của CEO Jeff Bezos, bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng và lưu giữ hàng hóa trên mạng lưới kho bãi của mình.
Hình ảnh một kho hàng của Amazon
Trong khi đó, mô hình kinh doanh của Alibaba giống như một chợ điện tử. Trang bán hàng lớn nhất của công ty, Taobao, cung cấp nền tảng cho người bán và người mua trao đổi hàng hóa, tượng tự như eBay. Trang web này không lấy hoa hồng từ người bán nhưng muốn xếp hạng ở vị trí cao hơn trên website, người bán phải trả một khoản phí nhất định.
Công ty cũng sở hữu Tmall, nơi những người bán buôn trên toàn thế giới có thể giao thương, mua hàng từ các đại lý Trung Quốc. Alibaba cũng không sở hữu nhà kho nào vì thế việc mở rộng quy mô đơn giản hơn.
Trong vòng vài năm trở lại đây, Amazon đã chuyển hướng sang việc mở các chợ điện tử, nơi công ty có thể kiếm phần trăm từ doanh số. Nhiều người bán có thể lưu giữ hàng hóa tại các kho của Amazon để vận chuyển nhanh chóng tới tay người dùng.
Cả hai công ty đều nắm giữ phần trăm doanh số rất lớn tại quê nhà, cụ thể là Alibaba giữ 80% doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc còn Amazon chiếm 60% tại Mỹ. Bước tiếp theo của cả hai gã khổng lồ này là: chinh phạt thế giới.
Đó là lý do vì sao hai công ty này tìm cách mở rộng ra bên ngoài phạm vi lãnh thổ quê nhà và thậm chí là lần cả sang sân của đối thủ. Alibaba mở dịch vụ điện toán đám mây để cạnh tranh với Amazon Web Service (AWS).
Còn về phần mình, Amazon tung dịch vụ vận chuyển hàng Amazon Prime kèm theo dịch vụ stream nhạc và video trực tuyến ngay trên đất Trung Quốc. Sau đó chiến trường được chuyển tới Ấn Độ, nơi Amazon cạnh tranh khốc liệt với hai công ty thương mại điện tử được Alibaba “chống lưng” là Paytm và Snapdeal cũng như một đối thủ quan trọng khác là Flipkart.
Khó khăn lớn
Hai đối thủ này sẽ sớm quyết đấu với nhau tại khu vực Đông Nam Á, thị trường với hơn 600 triệu người dùng tiềm năng. Mặc dù mua sắm trực tuyến chỉ chiếm 5% thị phần bán lẻ tại khu vực, thế nhưng con số này sẽ tăng lên nhiều lần với sự tăng lên của tỉ lệ người dùng smartphone và tầng lớp trung lưu.
Nhưng đây chắc chắn sẽ không phải là một đấu trường đơn giản. Đông Nam Á rất đa dạng và manh mún với mỗi quốc gia lại có những đặc tính riêng. Điều này yêu cầu rất nhiều điều chỉnh để phù hợp với văn hóa địa phương cũng như phải sử dụng rất nhiều chiến lược marketing khác nhau.
Các quy định về nhập khẩu của từng quốc gia cũng có sự khác biệt, tỉ lệ tham nhũng còn cao và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến việc vận chuyển và giao hàng bị chậm và tốn kém. Việc giao hàng lại càng khó khăn hơn khi phải đi qua hàng ngàn hòn đảo như ở Indonexia và Philippines, thế nhưng đây cũng là khu vực rất đông dân.
Dẫu khó khăn là vậy nhưng chẳng khiến CEO Alibaba, Jack Ma ngã lòng. Ông đã lựa chọn được một cách hoàn hào nhất để bước vào Đông Nam Á: mua lại.
Thông qua cánh tay tài chính Ant Financial, công ty quản lý ứng dụng ví điện tử Alipay, Alibaba đầu tư và M-Daq của Singapore. M-Daq là công ty vừa tung một sản phẩm ngoại hối dành cho thương mại điện tử có thể giúp việc giao dịch xuyên biên giới đỡ tốt kém hơn nhiều.
Cách đây một tháng, Alibaba đầu tư tiếp vào một startup thanh toán của Thái Lan với tên gọi Ascend Money. Công ty này không chỉ hoạt động tại Thái Lan mà còn tại Philippines, Indonesia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Alibaba cũng thâu tóm Singpost vì một lý do hiển nhiên là gã khổng lồ Singapore này giàu kinh nghiệm vận chuyển hàng hóa xuyên châu Á. Về phương diện bán hàng, Alibaba đã âm thầm xây dựng một đế chế bằng cách mua lại số cổ phần đủ để nắm quyền điều khiển Lazada của Rocket Internet và sau đó là đồng ý với một thỏa thuận mua lại cửa hàng thực phẩm trực tuyến Redmart.
Lazada, hay còn được gọi là Amazon của Đông Nam Á, đứng đầu trong cả 6 thị trường mà hãng hoạt động, trong khi đó Redmart lại rất mạnh về kho vận. Năm trong tay những công ty trong nước, công ty Trung Quốc này có thêm lợi thế sân nhà.
Amazon được cho là cũng vung tiền để bước vào Đông Nam Á với nỗ lực mua lại Redmart hồi đầu năm nay. Thế nhưng cuộc đàm phán giữa hai bên đã không đem lại kết quả như mong đợi.
Trước đó theo nguồn tin của TechCrunch, công ty này cuối cùng cũng đã bước một chân vào thị trường Đông Nam Á bằng cách tấn công Singapore, một thị trường nơi “khách hàng chi nhiều hơn và có văn hóa tiêu dùng gần giống với các thị trường châu Âu hơn”.
Ngoài ra, trang này còn chia sẻ rằng Amazon cũng đã âm thầm mua lại nhiều tài sản, bao gồm các xe tải đông lạnh và tuyển thêm nhân viên. Nếu đúng là như vậy thì cuộc chinh phạt Đông Nam Á của Amazon đã phải bắt đầu từ con số 0.
Việc mua lại những chiếc xe tải đông lạnh ám chỉ rằng Amazon sẽ khởi đầu cuộc chiến bằng AmazonFresh, một dịch vụ cung cấp thực phẩm tiêu dùng và nhóm hàng này sẽ được lựa chọn là quân cờ đầu tiên trong cuộc đấu với Alibaba.
Tiền đầy túi
Cả hai công ty đều đang làm ăn rất phát đạt. Trong quý 3/2016, doanh thu của Alibaba đạt 5,1 tỷ USD và lợi nhuận đạt 1,1 tỷ USD. Với doanh thu 32,7 tỷ USD cùng kỳ, dường như Amazon đã bỏ xa Alibaba.
Thế nhưng dù doanh thu lớn như vậy, Amazon chỉ thu về khoản lợi nhuận thực 252 triệu USD. Điều đó đồng nghĩa với việc 6 quý liền Amazon làm ăn không có lãi. Chấp nhận làm ăn không có lãi trong nhiều năm, Amazon đang chơi một cuộc chơi dài hạn, tập trung vào việc tăng thị phần thay vì lợi nhuận và tái đầu tư số tiền kiếm về.
Mặc dù Amazon có thể kiếm tiền từ các cửa hàng, dịch vụ Prime hay AWS, Alibaba lại có điểm mạnh là sự đa dạng, khả năng kiếm tiền từ quảng cáo, tiền hoa hồng và tiền đầu tư. Điều này giúp Alibaba không gặp phải các rủi ro khi nền kinh tế bị chao đảo cũng như cung cấp cho công ty này thêm nhiều sức mạnh trong cuộc đấu tại Đông Nam Á.
Xét về tổng thể, Alibaba đang "trên cơ" Amazon ở thị trường Đông Nam Á nhờ những mối liên kết và đầu tư. Thế nhưng Amazon không phải là một kẻ dễ chơi. Cả hai đều sở hữu kinh nghiệm sâu sắc về thương mại điện tử và hậu cần, quy mô lớn cũng như túi tiền đầy, đây chắc chắn sẽ là một trận chiến “đẫm máu”.
Nến bạn có đọc bài viết: “Alibaba và Amazon: Chiến tranh lạnh trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á”, bạn sẽ nhận thấy khi hai “con voi” này đánh nhau, rất nhiều những công ty nhỏ lẻ khác ở thị trường địa phương sẽ bị “giẫm chết” theo.
Điều này sẽ gây ra một hệ lụy phức tạp nếu không được khắc phục triệt để. Những doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vốn không thể có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm ngang ngửa Amazon và Alibaba nên làm gì để trụ lại giữa thị trường khắc nghiệt này?