Amazon bị phát hiện bán hàng nghìn sản phẩm bị cấm, không an toàn hoặc dán nhãn sai quy định

Bảo Nam |

Báo cáo điều tra của SWJ cho thấy nhiều sản phẩm trong danh sách cấm của liên bang, đặc biệt là các mặt hàng cho trẻ em, vẫn được lén lút bán trên trang thương mại điện tử khổng lồ này.

Chợ điện tử Amazon bán tất cả mọi thứ, từ tã lót cho đến những ngôi nhà lắp ghép, có thể làm hài lòng hàng triệu khách hàng trên khắp thế giới.

Nhưng, trong nỗ lực để cung cấp nhiều loại mặt hàng như vậy, Amazon đã "mở cửa" cho người bán bên thứ ba và đôi khi, những người này đã cung cấp các mặt hàng nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo kết quả của một cuộc điều tra gần đây từ Tạp chí Phố Wall (WSJ), 4.100 mặt hàng đã được tìm thấy, dễ dàng mua trên cửa hàng của Amazon đã "được tuyên bố là không an toàn bởi các cơ quan quản lý liên bang".

"Tồi tệ hơn là trong số 4.100 mặt hàng lẻ đó", báo cáo cho biết, "ít nhất 2.000 thuộc danh sách đồ chơi và thuốc". Tất cả chúng đã bị thiếu nhãn cảnh báo nguy cơ sức khỏe tiêu chuẩn và ít nhất một trong những sản phẩm của trẻ em khi thử nghiệm đã vượt quá tiêu chuẩn chấp nhận đối với hàm lượng chì, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lớn ở người dùng là trẻ em.

Sau khi kết quả cuộc điều tra được công bố, Amazon đã thay đổi hoặc xóa hàng ngàn sản phẩm trong danh sách này.

Amazon bị phát hiện bán hàng nghìn sản phẩm bị cấm, không an toàn hoặc dán nhãn sai quy định - Ảnh 1.

Các mặt hàng được bán trong các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ phải vượt qua các quy định ngặt nghèo của liên bang trước khi tới tay người dùng, trong khi Amazon hoạt động như một nền tảng kỹ thuật số cho người bán trên toàn thế giới.

Cuộc điều tra nhấn mạnh một vấn đề cơ bản với một loạt các nền tảng công nghệ đã nổi lên trong những năm gần đây, bao gồm Amazon cũng như Twitter, Google và YouTube. Đó là việc: Cung cấp một nền tảng mở lớn, có nghĩa là phải kiểm soát một nền tảng rộng lớn và điều đó có thể cực kỳ khó khăn.

Trong trường hợp của Amazon, người bán từ khắp nơi trên thế giới có thể trở thành đối tác dạng bên thứ ba và bán sản phẩm. Việc điều chỉnh một thị trường như vậy là vô cùng khó khăn và việc có tỷ lệ sai sót chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng vấn đề nghiêm trọng ở đây là với quy mô khổng lồ của Amazon, "một số tỷ lệ sai sót" cũng đồng nghĩa với việc bán hàng ngàn sản phẩm vi phạm nằm ngoài quy định.

Báo cáo đã lấy ví dụ trường hợp của Albert Stokes, người đã mua một chiếc mũ bảo hiểm xe máy được chứng nhận của Bộ giao thông trên trang web Amazon. Sau đó, anh đã bị một chiếc xe bán tải đâm vào và tử vong hồi năm 2014. Dòng mũ này đã bị thu hồi vào tháng trước vì không đảm bảo chất lượng, mặc dù nó vẫn có sẵn để bán trên Amazon cho đến thời gian gần đây. Công ty đã bồi thường cho mẹ của Stokes số tiền 5.000 USD, nhưng không thừa nhận lỗi.

Nếu một cửa hàng bán lẻ tiếp tục dự trữ dòng mũ bảo hiểm này, có khả năng nó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng, tương tự như các công ty công nghệ khác, Amazon từ lâu đã dựa vào vị thế của mình như một nền tảng để bảo vệ nó khỏi các hành vi sai trái, khi tuyên bố chỉ tạo điều kiện cho phần lớn các giao dịch thay vì chịu trách nhiệm cá nhân đối với những gì được bán. Mặc dù Amazon luôn kiếm được hoa hồng từ các giao dịch đó.

Về mặt pháp lý, các phán quyết từ cơ quan quản lý từ lâu đã có dấu hiệu ưu ái Amazon. Nhưng thời gian gần đây, dường như "gió đã đổi chiều".

Trong một vụ kiện liên quan đến một khách hàng bị mù mắt do dây xích chó mua trên Amazon bị cáo buộc là bị lỗi, tòa án phúc thẩm đã phán quyết hồi tháng 7 vừa qua rằng công ty có thể phải chịu trách nhiệm về việc bán các sản phẩm có vấn đề. Tuy nhiên vụ kiện vẫn chưa tới hồi kết.

Trong một vụ kiện liên quan đến ván trượt điện được mua qua Amazon bị bắt lửa, khiến hai đứa trẻ phải thoát khỏi ngôi nhà đang cháy bằng cách nhảy từ cửa sổ tầng hai trước khi ngọn lửa phá hủy tất cả mọi thứ, tòa phúc thẩm cũng có phán quyết tương tự. Còn tòa án tối cao bang Ohio trong tuần này cũng đang xem xét vụ kiện liên quan đến cái chết của một thiếu niên, sau khi ăn thực phẩm bổ sung (pre-workout powder), được mua thông qua Amazon.

Amazon bị phát hiện bán hàng nghìn sản phẩm bị cấm, không an toàn hoặc dán nhãn sai quy định - Ảnh 2.

Amazon đã xóa hoặc thay đổi các danh mục sản phẩm vi phạm sau khi báo cáo được đưa ra.

Một đại diện của Amazon sau đó cho biết công ty đã sử dụng các hệ thống tự động hóa để kiểm soát cửa hàng của mình.

"Những công cụ đó đã ngăn chặn 3 tỷ mặt hàng 'đáng ngờ' được bán trong năm 2018", người đại diện nói. "Khi một mối quan tâm xuất hiện, chúng tôi sẽ nhanh chóng bảo vệ khách hàng và làm việc trực tiếp với người bán, thương hiệu và các cơ quan chính phủ".

Ngoài ra, Amazon cũng công bố một phản hồi cho báo cáo trên blog riêng của mình . Phản hồi này mô tả chi tiết cách Amazon xử lý đơn hàng của mình:

"Khi một sản phẩm có sẵn trong cửa hàng của chúng tôi, chúng tôi liên tục quét các danh sách và cập nhật sản phẩm để tìm các sản phẩm có thể gây lo ngại. Cứ sau vài phút, các công cụ của chúng tôi sẽ xem xét hàng trăm triệu sản phẩm, quét hơn 5 tỷ thay đổi hàng ngày trên các trang chi tiết sản phẩm, phân tích hàng chục triệu đánh giá của khách hàng được gửi hàng tuần để tìm ra các dấu hiệu cần quan tâm và điều tra phù hợp. Công cụ của chúng tôi sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy, có nghĩa là thông tin mới được đưa vào công cụ của chúng tôi hàng ngày để chúng có thể học hỏi và liên tục trở nên tốt hơn, trong việc chủ động chặn các sản phẩm đáng ngờ".

Tham khảo WSJ, Gizmodo, Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại