Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên Sao Mai Điểm Hẹn 2004, Tùng Dương đã là một hiện tượng âm nhạc "độc đắc" tại Việt Nam, thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng.
Không chạy theo thị hiếu để hát các dòng nhạc đang được ưa chuộng, hơn 12 năm qua, Tùng Dương vẫn miệt mài đi con đường "độc đạo" để làm nên những kì tích riêng cho bản thân mình. Chính những kì tích đó của Tùng Dương khiến công chúng dù yêu hay ghét, nhưng vẫn nể phục anh.
Quãng giọng rộng lớn với những nốt cao vút bay
Là một tenor 2 với đặc trưng giọng dày, ấm, có độ full nên Tùng Dương bẩm sinh vốn không có lợi thế về quãng giọng như các tenor 1 (Bùi Anh Tuấn, Bằng Kiều, Trung Quân Idol, Đông Hùng…). Cách đây nhiều năm, Tùng Dương chỉ hát được giọng thật tới A4 và giả thanh tới E5.
Tuy nhiên, vì cũng là fan của các diva lớn nên Tùng Dương luôn nỗ lực luyện tập để mở rộng quãng giọng của mình. Thời gian gần đây, Tùng Dương đã lên giọng thật tới B4 và duy trì giả thanh tới C6 (một nốt khá cao).
Tùng Dương chia sẻ: "Chính bản thân tôi cũng bất ngờ vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân để hát tới những nốt nhạc này".
Tùng Dương duy trì giả thanh C6
Tùng Dương belt giọng thật tới B4
Về quãng trầm, chúng tôi đã liên lạc với Tùng Dương và được biết, anh có thể xuống tới A2 (một nốt rất trầm) khi ca hát. Ngoài ra, Tùng Dương còn có thể hát thoải mái và hỗ trợ tốt trên quãng 3 (từ C3 tới A#3).
Như vậy, quãng giọng của Tùng Dương hiện nay là 3 quãng tám 2 nốt (từ A2 tới C6) và có triển vọng tiếp tục mở rộng. Đây là quãng giọng khá rộng so với mặt bằng chung của các nam ca sĩ nhạc nhẹ tại Việt Nam.
Đặc biệt, chưa có nam ca sĩ Bolero nào đạt tới quãng giọng này trong ca hát.
Giọng mộc hiếm thấy của một "bông hồng lai"
Ở Việt Nam, chủ yếu các giọng nam cao là tenor 1 nên bản thân giọng tenor 2 của Tùng Dương đã ít thấy hơn. Nó đặc trưng bởi độ dày, màu giọng tối và nặng, phát triển mạnh ở âm khu trung trầm do lai giữa nam cao và nam trung.
Nhiều người thường nhầm lẫn rằng Tùng Dương là giọng nam trung (baritone). Tuy nhiên, anh lại có thể dễ dàng vượt passagio (quãng chuyển) để lên những note cao, với âm sắc sáng hơn nam trung thông thường (như Tuấn Ngọc).
Như vậy, có thể thấy, Tùng Dương "ôm trọn" lợi thế của cả nam cao lẫn nam trung do sở hữu loại giọng lai đặc biệt này. Anh có thể hát tốt quãng trầm, trung với màu giọng dày, tối, nhưng cũng vươn tới quãng cao sáng đẹp.
Xét về ngũ cung, thời gian đầu đi hát, Tùng Dương là giọng kim, nên cũng như bao nam cao khác, giọng anh khá sáng, hơi chói do có tính kim khí.
Tùng Dương thời còn là giọng kim
Tuy nhiên, những năm gần đây, anh chuyển sang giọng mộc – một loại giọng hiếm gặp hơn. Đặc trưng của loại giọng này là có độ xốp và đậm tính airy voice (âm hơi). Một trong những diva nổi tiếng sở hữu giọng mộc là Mariah Carey.
Quá trình chuyển hóa sang giọng mộc khiến Tùng Dương không còn hát được những note cao đanh, sắc như trước đây. Tuy nhiên, thay vào đó là một giọng hát ấm áp, ngọt ngào, mềm mại và đầy đặn hơn, thích hợp để thể hiện những bản tình ca sâu lắng.
Đó là lí do vì sao trong nhiều năm gần đây, Tùng Dương hát tình ca và nhạc xưa rất hay. Mỗi khi anh hát đều có airy voice tỏa ra như hơi thở, nghe nồng nàn, da diết và đằm thắm hơn nhiều.
Tùng Dương thời kì chuyển sang giọng mộc
Điều đáng nói là Tùng Dương không lợi dụng airy voice để rên rỉ Ballad mà sử dụng nó để tạo nên chất nhạc dân gian đương đại riêng của mình khi hát Pop. Những tiếng thở luôn được chêm xen như lời thủ thỉ, tâm tình vào các ca khúc của anh, mà vẫn hòa quyện với nhạc tính.
Airy voice được Tùng Dương kiểm soát rất tốt trên quãng trầm. Chẳng hạn như trong ca khúc Chút nắng vàng bay, chữ "nụ hoa" được anh thả airy trên quãng trầm G3 rất liêu trai.
Ca khúc Chút nắng vàng bay của Tùng Dương
Kĩ thuật luyến láy đầy ngẫu hứng của một người không hát Bolero
Tùng Dương không thể luyến láy mùi mẫn theo kiểu Bolero, nhưng anh lại có thể luyến láy chạy nốt ngẫu hứng đậm tính R&B.
Ai tìm hiểu về dòng nhạc Gospel/R&B cũng đều biết melisma/run/riff (gọi đơn giản theo tiếng Việt là kĩ thuật luyến láy, chạy nốt trong ca hát của người da màu). Chúng không chỉ là kĩ thuật, mà còn là thứ nghệ thuật ca hát gắn liền với tên tuổi của những diva lớn như Whitney Houston, Mariah Carey, Aretha Franklin, Toni Braxton, Lisa Fischer, Beyonce… tạo nên trường phái riêng trong âm nhạc.
Ngày nay, melisma/run/riff đã phổ biến trên toàn thế giới, ở nhiều dòng nhạc khác nhau, được đông đảo nghệ sĩ sử dụng.
Âm nhạc Việt Nam, vốn đi sau thế giới khá lâu, nên không nhiều ca sĩ ý thức được việc sử dụng melisma/run/riff trong ca hát và biến nó thành nghệ thuật. Rất may mắn khi chúng ta có Tùng Dương, người đã tự ý thức và ăn sâu nó vào máu, để đưa vào âm nhạc một cách tinh tế.
Ca khúc Chút nắng vàng bay của Tùng Dương là một điển hình về việc áp dụng luyến láy và chạy nốt vào ca hát một cách tinh tế, biến nó thành nghệ thuật công phu.
Có thể thấy, trong ca khúc này, Tùng Dương sử dụng rất nhiều melisma/run/riff, từ thấp tới cao, giọng ngực tới giả thanh, luyến láy liên tục ở cả những đoạn phiêu ngẫu hứng lẫn nhả chữ. Nhưng rõ ràng người nghe không hề thấy mệt, ngán mà vẫn cảm nhận được một sự du dương, nhẹ nhàng, thoang thoảng không khí đồng quê đâu đây.
Ngoài ca khúc Chút nắng vàng bay, Tùng Dương còn áp dụng melisma vào rất nhiều bài hát khác của mình. Thậm chí, anh còn dám dùng kĩ thuật Tây phương này cho tượng đài nhạc Trịnh – vốn đóng đinh với tính mộc mạc, ít phức tạp.
Chẳng hạn, trong một lần trình diễn ca khúc Xin cho tôi vừa qua, Tùng Dương đã mạo hiểm sử dụng luyến láy.
Tùng Dương hát Xin cho tôi
Ở hai lần hát chữ "rồi từ đâu", Tùng Dương chạy vocal runs rất khớp nhịp nhạc đang dồn lên, lại kết hợp với độc chiêu cộng minh tích hợp hai vị trí, từ xoang mặt chạy lên đỉnh trán, tạo nên thứ âm thanh vang rền đầy sử thi và thể hiện một sự cảm nhạc chắc chắn.
Đây là kĩ thuật khó, phải rèn luyện rất lâu. Tiếp đó, anh thực hiện run/riff trên giả thanh và "lên đồng" đầy bão tố.
Từ các đoạn cộng hưởng vocal runs và luyến láy run/riff này, người nghe thấy đâu đó một bóng dáng Whitney Houston đang hát nhạc Trịnh, bởi chỉ Whitney mới có lối hát R&B sử thi, ngẫu hứng, lên đồng thế này.
Như vậy, Tùng Dương có lẽ là nam ca sĩ sử dụng melisma/run/riff tốt nhất Việt Nam từ trước tới nay. Đây là thành quả của việc học hỏi từ các nghệ sĩ quốc tế, chứ không chỉ dựa vào kiến thức trường lớp.
Thành quả này cũng chính là câu trả lời cho việc Tùng Dương phát ngôn "già trẻ, lớn bé đổ xô hát Bolero là sự thụt lùi". Trong quan điểm của mình, anh cho rằng, khi cứ quanh quẩn với các dòng nhạc cũ thì khó lòng học hỏi, tiếp thu cái mới trong ca hát để sáng tạo vào nhạc Việt.
Khả năng cộng hưởng âm thanh như sấm rền
Một trong những khả năng nổi trội của Tùng Dương là cộng hưởng âm thanh để tạo độ vang cho giọng hát.
Có thể nói, rất ít nam ca sĩ nhạc nhẹ ngày nay đạt tới độ vang lớn như anh. Đây là kết quả của việc học hành bài bản thanh nhạc chính thống trên trường lớp và tự đúc kết từ các diva như Thanh Lam, Whitney Houston.
Nếu ai tiếp xúc với Tùng Dương sẽ thấy giọng bẩm sinh của anh không quá to mà vừa phải, mềm ấm. Thế nhưng, khi vươn lên nốt cao, Tùng Dương có thể đạt mức âm lượng lớn và cộng hưởng vang dội, nổi trên dàn nhạc và các ca sĩ khác.
Cách hỗ trợ vang của Tùng Dương là lấy hơi từ đan điền, tập trung thật nhiều phần tử khí vào cơ hoành để phóng lên xoang mặt, cộng hưởng âm thanh tại vùng mặt nạ (mask), nói ngắn gọn là vang mặt (mask resonance).
Nghe thì đơn giản, nhưng để có được cơ hoành chắc khỏe và đẩy được vị trí âm thanh chính xác như vậy cần mất khá nhiều năm.
Không những vậy, dù là giọng tenor 2, bị hạn chế về quãng cao hơn tenor 1 (như Thanh Bùi, Bằng Kiều, Bùi Anh Tuấn...), Tùng Dương vẫn có thể nhả chữ trên quãng treo liên tục như cách anh làm để nhả A4 ở các âm tiết đóng "em", "hôn", "chia" trong màn song ca Chia tay hoàng hôn cùng Thanh Lam.
Tùng Dương mixed voice tới A4 cộng hưởng
Đặc biệt, âm "em" dù được nhả rất nhanh nhưng vẫn kèm được vibrato tần số cao, đóng mà vẫn cộng hưởng.
Điều đáng nói là, dù nhả chữ nhanh liên tục trên quãng treo, nhưng Tùng Dương hát rất chính xác, không bị cao thanh quản, dính cổ (throaty) hay nasal (giọng mũi), strain (căng thẳng), vẫn khá mở cổ và vang dội. Điều này cho thấy kĩ thuật nền của anh phải vững từ quãng trung rồi mới đẩy lên cao.
Tùng Dương hát vang dội cả sân khấu
Tùng Dương cho biết, ở quãng trung, anh chọn cách cộng hưởng âm thanh từ vị trí xoang mặt lên đỉnh trán để tạo độ rền lớn, nổi trên dàn nhạc, nên nghe rất hào sảng, phóng ra rất xa và đậm tính sử thi. Cách hát này rất thích hợp để hát thính phòng với dàn nhạc cổ điển.
Tùng Dương cộng hưởng giọng hát nổi trên dàn nhạc cổ điển
Cách cộng hưởng độ vang của Tùng Dương không thích hợp với Bolero, nhưng lại phù hợp với chuẩn thanh nhạc chung của thế giới, giúp anh tiến xa hơn trên con đường âm nhạc của mình.
Tùng Dương belt G4 cộng hưởng
"Con tắc kè hoa" biến hóa đa dạng
Giọng hát của Tùng Dương tuy không thích hợp với Bolero, nhưng lại đa màu sắc và hát được nhiều dòng nhạc khác nhau. Đây là kết quả của việc rèn luyện, học hỏi lâu dài để nâng cao thẩm mỹ, tư duy âm nhạc của mình và tiếp thu được nhiều cách hát, kĩ thuật hát khác nhau.
Bình thường, Tùng Dương hát tình ca rất ấm áp, trữ tình. Nhưng khi hát dân gian đương đại, anh lại hóa thân một cách ma mị, quái tính đến bất ngờ.
Tùng Dương biến hóa ma mị với dân gian đương đại
Ngược lại, ở Soul/R&B, Tùng Dương trở nên đầy ngẫu hứng với những chuỗi run/riff phức tạp, đầy nhạc tính.
Tùng Dương hát R&B/Soul
Không những thế, Tùng Dương còn có thể bùng nổ đầy mạnh mẽ, rực cháy khi hát Rock. Dù không phải một rocker chính hiệu, nhưng anh vẫn đủ sức "quẩy" tung sân khấu và khiến khán giả phải cuồng loạn theo mình.
Tùng Dương khiến khán giả bùng cháy với Rock
Và dám chơi trội hát Rock với dàn nhạc giao hưởng cổ điển
Với những phẩm chất và năng lực đặc biệt trên, Tùng Dương xứng đáng là một trong những ca sĩ tiên phong hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Anh đã dám dấn thân và làm được những điều không phải ai cũng làm được trong nghệ thuật, khiến toàn thể công chúng cũng như giới chuyên môn nể phục.