Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland

Đạt Lê |

Đó là một loại nhạc cụ cổ xưa bậc nhất trên Trái đất. Âm thanh của nó giống guitar nhưng có phần bay bổng và thanh thoát hơn.

Đàn hạc có mặt ở cả 4 châu lục là Á, Âu, Phi, Mỹ với đặc điểm chung là phần khung cong như dây cung và có rất nhiều dây. Thế nhưng chỉ ở Ireland, người ta mới xem nó là báu vật thực sự. Tiếng đàn hạc đã gảy lên khi trầm, khi bổng cũng như chính lịch sử đầy biến động của miền đất giữa trùng khơi này.

Hai câu chuyện dịu dàng và dữ dội về nguồn gốc đàn hạc

Đàn hạc đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều truyền thuyết của người Ireland. Nó luôn được mô tả là có sức mạnh lay động tâm hồn và cơ thể con người, thế nhưng cụ thể như thế nào thì mỗi tác giả dân gian lại kể khác nhau.

Một trong số thần thoại về nguồn gốc của đàn hạc rất nhẹ nhàng và nữ tính. Đó là về nàng Canola. Sau khi cãi nhau với người yêu, nàng ra khỏi giường và đi dạo trong đêm. Sau đó nàng nghe thấy tiếng nhạc du dương, đưa mình chìm vào giấc ngủ.

Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 1.
Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 2.

Nàng Canola bên cây đàn hạc

Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Canola phát hiện ra người chơi đàn chính là… gió. Gió đã “vô tình” thổi qua… bộ xương khô vĩ đại nhiều tầng lớp của cá voi! Về sau, nàng Canola mô phỏng hình dáng cong cong của bộ xương để chế tạo ra đàn hạc.

Bỏ qua… nàng Canola, nếu bạn muốn nghe một câu chuyện khác kịch tính hơn thì có ngay. Đó là về hai tộc người sở hữu sức mạnh phi phàm ở Ireland ngày xưa: tộc Tuatha De Danaan và tộc Fomorian.

Đứng đầu tộc Tuatha chính là ngài Dagda, được cho là người đầu tiên sở hữu đàn hạc với những âm thanh diệu kỳ. Thế nhưng trong một trận chiến sống còn với người Fomorian - vị thần Bóng tối đã tới đánh cắp đàn hạc của ngài Dagda.

Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 3.

Ngài Dagda

Liền sau đó, có… 2 vị thần khác xuất hiện là thần Ánh sáng Lugh và thần Nghệ thuật Ogma. Họ giành lại đàn hạc và trả về cho ngài Dagda.

Từ sau ngày đó, đàn hạc của ngài Dagda có thể tấu lên 3 âm thanh rất khác nhau. 

Một, âm thanh của sự chua xót khiến người ta khóc đến cạn khô nước mắt. Hai, âm thanh dịu êm đưa ta vào giấc ngủ. Và ba, âm thanh hân hoan khiến tất thảy đều vui sướng.

Cũng chính từ truyền thuyết này mà người Ireland có thể lí giải 3 thanh âm “vi diệu” nhất của đàn hạc: Nỗi buồn, Niềm vui và Sự bình yên. 

Theo đó, trong suốt thời phong kiến, cả dịp vui (nhà vua lên ngôi) hay buồn (vua băng hà), người ta đều tấu lên những khúc ca từ đàn hạc.

Đàn hạc và những giai điệu thăng trầm qua thời gian

Cách đây hơn 1.000 năm là thời kỳ thịnh vượng nhất của đàn hạc ở Ireland và khắp châu Âu. Mỗi vị vua hay quý tộc ở Scotland và Ireland đều có riêng cho mình các nhạc sư chuyên gảy đàn hạc. Với tài năng và sự khổ luyện của mình, các nhạc sư rất được xã hội trọng vọng và nhận lấy nhiều đặc ân to lớn.

Công việc chính của nhạc sư là sáng tác, chơi đàn và ngâm thơ. Họ cũng tự sáng tác các khúc nhạc của mình nhưng không ghi chép lại, vì vậy phần lớn đã thất truyền mãi mãi.

Năm 1531, vua Henry VIII của nước Anh đã đặt quyền cai trị của mình lên Ireland. Tuy vậy, khi tận mắt chứng kiến người dân Ireland vô cùng say mê và trân quý hạc cầm, vua Henry bèn chọn nó làm biểu tượng chính thức của Ireland.

Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 4.

Vua Henry chọn đàn hạc làm biểu tượng chính thức của Ireland.

Ông cũng cho đúc tiền xu có biểu tượng hạc cầm. Thế nhưng nhà vua còn cho vẽ một chiếc vương miện đặt lên trên đàn hạc - ngầm thể hiện sự thống trị của nước Anh lên Ireland.

Và như một bản nhạc có lúc sôi nổi thì cũng có đoạn trầm lắng, sau khi đạt đến độ rực rỡ nhất, đàn hạc bắt đầu lụi tàn. Chỉ sau vài thập kỷ, số lượng nhạc sư suy giảm nghiêm trọng. Vài người còn chơi đàn thì phải rời bỏ cung điện xa hoa, trở thành người hát rong khắp mọi nẻo đường.

Xoay quanh việc này có nhiều lời đồn thổi khác nhau. Không ít người cho rằng đàn hạc đã chiếm một vị trí quá quan trọng trong lòng người dân Ireland, thể hiện bản sắc riêng biệt và nước Anh không thích điều đó.

Vào cuối thời kỳ Trung cổ, đàn hạc chính thức bị cấm, truyền thống độc đáo của người Ireland đứng trước bờ vực diệt vong. Cho đến tận thế kỷ 17, vai trò của hạc cầm vẫn không thể nào khôi phục.

Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 5.

May mắn thay, tiếng hạc cầm vẫn âm ỉ chảy qua một vài nhạc sư Ireland. Năm 1792, khi bóng đen quá khứ đã qua và người ta tha thiết muốn nghe lại tiếng hạc cầm, một nhạc hội đã được tổ chức ở Belfast (thủ đô Bắc Ireland ngày nay) với lời hứa sẽ thưởng hậu hĩnh cho mỗi nhạc sư đến tham dự. Dù vậy, chỉ vỏn vẹn… 11 người chơi đàn hạc xuất hiện.

Trong buổi “đại nhạc hội” năm ấy, nhạc sĩ Edward Bunting đã đứng ra ghi chép lại các khúc ca xưa cũng như nhiều thuật ngữ của môn đàn hạc. Đây là lần đầu tiên những sáng tác truyền thống trên hạc cầm được viết ra giấy, giúp nó khỏi chìm vào sự quên lãng vĩnh hằng.

Đàn hạc ngày nay - biến tấu nhưng vẫn “rất Ireland”

Đàn hạc xưa của người Ireland có dây làm bằng đồng, rất căng. Phần khung là một khối thống nhất làm bằng gỗ liễu. Nhạc sư gảy đàn bằng móng tay, cho ra những âm thanh vô cùng trong trẻo mà lại ngân vang.

Ngày nay, đàn hạc có dây hầu hết làm bằng ruột động vật hoặc chất liệu tổng hợp. Phần khung cũng không phải một khối thống nhất mà ghép nhiều miếng gỗ lại với nhau. Người chơi đàn gảy bằng các đầu ngón tay chứ không phải bằng móng tay như trước. Âm thanh của nó cũng có khác đi so với ngày xưa, nhưng dù sao vẫn rất thanh nhã và đầy mê hoặc.

Âm nhạc làm ta mê đắm nhưng đến nỗi coi nhạc cụ là... báu vật quốc gia thì chỉ có người Ireland - Ảnh 6.

Cùng với cỏ ba lá, đàn hạc là biểu trưng nổi bật nhất của xứ Ireland. Nếu có dịp đến thăm hòn đảo xinh đẹp này, bạn sẽ thấy từ con dấu của chính phủ, huy hiệu của Cộng hòa Ireland cho đến những đồng xu đều có hình ảnh hạc cầm.

Các thương hiệu đầy tự hào của người Ireland cũng rất thường lấy đàn hạc làm biểu trưng, ví dụ như công ty bia “quốc dân” Guinness hay hãng máy bay giá rẻ Ryan Air.

Và nếu thấy ai đó cầm hộ chiếu có hình đàn hạc thì rất có thể chàng hay nàng chính là người Ireland “chính hiệu” đó.

Giờ thì bạn hãy cùng lắng nghe giai điệu ngọt ngào từ cây đàn hạc nhé!

"Giấc mơ của Carolan" - viết bởi chính nhạc sĩ đàn hạc Turlough O'Carolan vào thế kỷ 17

Nguồn: Irish Genealogy Toolkit, Irish Culture & Customs

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại