Tối 2/10, cây xăng Bạch Nhiên (quận Bình Tân) dựng rào chắn, bố trí một luồng cho người dân vào đổ xăng.
Tương tự, bằng các vật dụng sẵn có, cây xăng Vân Trúc trên đường Tây Lân (quận Bình Tân) cũng phân đúng một luồng cho xe máy vào đổ xăng.
Cây xăng nằm dưới chân cầu vượt Hương Lộ 2 (Quốc lộ 1A) tự "phong toả" khi chưa đến 21h.
Tương tự, cây xăng này nằm trên đường Vĩnh Lộc cũng đóng cửa khi chưa đến 21h và không treo bảng "hết xăng, còn dầu".
Cây xăng Vĩnh Lộc (ấp 4 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) phân hai luồng cho xe máy vào đổ xăng tối 2/10.
Việc các cây xăng quá tải, phải lập rào chắn cộng với việc vất vả khi phải chờ đợi rồi mua với số lượng hạn chế đã gợi lên nỗi ám ảnh của người dân TPHCM về thời điểm thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.
"Thời điểm giãn cách xã hội, thành phố đâu đâu cũng thấy rào chắn, người người xếp hàng dài chờ lấy mẫu, có tiền cũng khó mua thực phẩm, phải đi lòng vòng mới tìm được đường vào một khu dân cư. Bây giờ, người dân phải chạy lòng vòng tìm cây xăng, xếp hàng dài chờ đổ vài chục phút, tới khi mua thì mua với số lượng giới hạn, không còn chuyện đổ đầy bình. Mấy cái rào chắn này ám ảnh tôi thật sự", ông Lê Văn Quốc, tài xế chở VLXD ngán ngẩm.
Dây phong toả chằng chịt tại cây xăng số 10 nằm ở mũi tàu Lạc Long Quân- Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) hôm 10/10.
Một cây xăng khác trên đường Lý Thường Kiệt cũng thiết lập "hàng rào phong toả" ngăn cách dòng xe với người mua xăng dự trữ. Đương nhiên, khách hàng mua xăng dự trữ tại cây xăng này cũng được bán số lượng bằng với khách đổ trực tiếp.
"Xe ôm chúng tôi chạy cả ngày, xăng bán số lượng hạn chế thì bọn tôi đâu dám nhận cuốc khi còn 1/3 bình. Anh em xe ôm chịu khó đổ xoay vòng, xếp hàng thêm lần 2, lần 3, đầy bình thì mới dám nhận cuốc", anh Thanh Tiến, một tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ.
"Bây giờ, hầu như các cây xăng đều dựng rào, giăng dây như thế này để phân luồng khách đổ xăng", anh Lê Tấn Sinh, nhân viên giao hàng cho hay.
"Trời ơi, đổ có mấy chục ngàn xăng mà khổ quá", người đàn ông này than thở sau khi chờ đổ xăng hơn 30 phút rồi chật vật chui qua dây phong toả để tiếp tục di chuyển.
Người dân TPHCM đã gần một tháng qua quay cuồng với chuyện đổ xăng.
Một cây xăng trên đường Cộng Hoà (quận Tân Bình) quá tải, giăng dây phong toả không nhận thêm khách.
Có thể thấy, phía bên ngoài, nhiều người đứng đội nắng với hy vọng được mua xăng. Tuy nhiên, việc không nhận khách của chủ cây xăng là do phải nhập hàng (xe bồn bên phải nằm đợi) sau khi bán hết cho số khách bên trong.
Người bên trong "khu phong toả" của cây xăng này cũng chẳng sung sướng gì hơn, ai nấy cũng đều mệt mỏi.
Tối 1/11, cây xăng trong KCN Vĩnh Lộc đóng rào, tắt đèn.
Cảnh cãi nhau của nhân viên xe buýt và nhân viên cây xăng Tiên Tiến (đường Chế Lan Viên, quận Tân Bình) vì chuyện xếp hàng quá lâu.
Một cây xăng khác nằm trên đường Tây Thạnh, bên trong KCN Tân Bình cũng trong tình trạng dựng rào, phân hai luồng xe máy.
Nhân viên bán xăng tại cây xăng này chia làm hai tốp. Một tốp thối tiền thừa nếu đưa quá 50.000 đồng, tốp hai người khác làm nhiệm vụ đổ xăng. Sở dĩ như thế vì cây xăng này mặc định chỉ đổ 50.000 đồng, không bán nhiều hơn.
Ngày 1/11, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn hiện còn nhiều khó khăn. Đến 12h ngày 1/11, trên địa bàn thành phố có 108 cửa hàng thiếu xăng, có 4/550 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, trong bối cảnh trung bình một ngày thành phố tiêu thụ 6.880m3 xăng dầu.
Theo ông Vũ, vấn đề khó khăn chủ yếu xoay quanh một số nguyên nhân: Nguồn cung thiếu hụt; cơ chế điều hành chưa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trong cung ứng, điều hành xăng dầu (chủ yếu do mức chiết khấu thấp).
Khi các bộ ngành, cơ quan chức năng chưa thống nhất quyền lợi cho các bên cung ứng xăng dầu thì viễn cảnh các cây xăng bán nhỏ giọt vẫn kéo dài và cuộc sống của người dân tiếp tục bị đảo lộn.