Danh hiệu quốc gia có chuỗi năm tăng trưởng kinh tế không gián đoạn dài nhất thế giới là điều nằm trong tầm tay Australia. Nhưng theo hãng tin Bloomberg, tình trạng tê liệt chính sách có thể đe dọa đến triển vọng kinh tế của nước này.
Theo hãng tin Bloomberg, với 25 năm chưa suy thoái lần nào, Australia chỉ còn thiếu hai năm tăng trưởng nữa là soán ngôi nền kinh tế có chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của Hà Lan.
Chính phủ Australia, Ngân hàng Trung ương nước này (RBA) và các dự báo kinh tế đều tin rằng đây không phải là việc khó. Chí ít, kinh tế Australia vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 2,5% trong năm 2016, trong đó 1,5 điểm phần trăm đến từ tăng trưởng dân số và 1 điểm phần trăm đến từ hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Australia hiện là quốc gia có mức tăng trưởng dân số vào hàng cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào người nhập cư đang gây sức ép đối với cơ sở hạ tầng của nước này.
Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động khai mỏ chủ yếu chảy vào túi những người sở hữu cổ phần trong ngành này, mà không mang lại nhiều lợi ích cho phần đông dân số Australia sống ở các thành phố lớn.
Ngoài ra, tiền lương ở Australia hầu như không tăng, nợ của các hộ gia đình ở nước này vào hàng cao nhất thế giới, và đà tăng trưởng năng suất lao động nhờ các cải cách kinh tế từ thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 giờ đã không còn.
Từ đầu những năm 2000 đến nay, Australia không hề có một cải cách kinh tế lớn nào. Bất kỳ nỗ lực cải cách kinh tế nào của nước này kể từ đó cũng bị đảo ngược hoặc cản trở bởi thách thức chính trị. Ảnh hưởng của thực trạng này đã bắt đầu hiện rõ.
Giữa lúc nền kinh tế Australia cần tới những đầu tàu tăng trưởng mới ngoài ngành khai mỏ, thì sự suy giảm của nước này trong các xếp hạng toàn cầu về sáng tạo và giáo dục là một tín hiệu cho thấy mức sống có thể giảm xuống.
Trong xếp hạng Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) mới nhất, Australia tụt hạng xuống vị trí 23 từ số 19, đứng sau Pháp, Iceland và Trung Quốc.
Tỷ lệ trẻ em Australia học một ngoại ngữ đã giảm còn 10% từ mức 40% vào thập niên 1960. Sinh viên Australia đang tụt hậu về toán và khoa học so với các nước như Slovenia, Việt Nam và Hàn Quốc - theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế (PISA).
“Khi lợi ích của ngành khai mỏ đối với nền kinh tế không còn, thì thực sự là cũng chẳng còn gì thay thế để thúc đẩy các hoạt động kinh tế”, chuyên gia kinh tế Jeremy Lawson thuộc Aberdeen Standard Investments nhận xét.
“Nhiệm vụ thực sự to lớn đối với Chính phủ Australia trong 5-10 năm tới là giải quyết những vấn đề về hạ tầng mà nước này đang đối mặt. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng là khá thấp”.
Giữa lúc các nền kinh tế phát triển lớn của thế giới bắt đầu khởi sắc, thì Australia lại tụt xuống tầm trung về tăng trưởng trong nhóm này.
Tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay của nước này thấp hơn mức 2,2% của Mỹ và 2,3% của khu vực Eurozone, đồng thời thấp hơn mức tăng của kinh tế Canada và Đức, nhưng cao hơn mức tăng trưởng của kinh tế Anh, Italy và Nhật Bản, và ngang với mức tăng của Pháp.
Một thập kỷ đấu đá chính trị căng thẳng ở Australia đã khiến nước này thay đổi Thủ tướng 5 lần kể từ năm 2007 và không thể tập trung vào việc thảo luận chính sách.
Ngoài ra, những nỗ lực cải cách đều vấp phải sự phản đối của các chính trị gia dân túy. Nhiều chính trị gia dạng này đã xoáy vào sự bất mãn của cử tri Australia đối với các chính trị gia dòng chính nhằm củng cố vị thế của họ trong Thượng viện.
Thực trạng chính trị này đang đe dọa triển vọng kinh tế của Australia. Lỗ hổng chính sách năng lượng đã khiến giá điện ở nước này tăng lên mức vào hàng cao nhất thế giới, dù Australia sở hữu một trong những trữ lượng than và khí đốt lớn nhất hành tinh.
Việc xây dựng mạng băng thông rộng toàn quốc Australia đã trở thành một quả bóng chính trị bị đá qua đá lại, liên tục bị tăng chi phí và trì hoãn.
Tốc độ Internet ở nước này thậm chí còn thấp hơn cả ở một số nước thuộc Liên Xô cũ. Tỷ lệ sở hữu nhà trong dân số trẻ ở Australia đang ở mức thấp kỷ lục, do các chính phủ vốn liên tục thay đổi nên không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề đầu cơ trên thị trường nhà ở.
Giới quan sát đánh giá rằng Australia đang có rất nhiều việc phải làm: cải tổ thuế để khuyến khích các doanh nghiệp; cải cách chính sách cạnh tranh để tăng năng suất; đầu tư nhiều hơn vào con người; đẩy mạnh giáo dục các môn khoa học và toán; phát triển mạnh ngành dịch vụ…
“Nền tảng tài nguyên mà chúng ta cần xây dựng lúc này là cái đầu của mình”, Thống đốc RBS Philip Lowe phát biểu hồi tháng 9 ở Perth, thủ phủ ngành khai mỏ Australia. “Tăng trưởng trong tương lai phải đến từ việc chúng ta làm mọi thứ tốt hơn và thông minh hơn, trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ”.
Nợ các hộ gia đình ở Australia hiện đã lên tới 194% thu nhập, so với mức 104% ở Mỹ, đặt ra nguy cơ người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng để trả nợ, trong khi chi tiêu hộ gia đình chiếm tới hơn một nửa GDP của Australia.
Cho dù, tình hình hiện nay vẫn còn khả quan hơn nhiều so với lần suy thoái gần đây nhất của Australia hồi đầu thập niên 1990. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này vượt 11%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay của Australia chỉ vào khoảng một nửa, trong khi lạm phát nằm dưới 2%.
Một số điểm sáng của nền kinh tế Australia bao gồm các ngành giáo dục và du lịch. Năm ngoái, nước này đón 1,2 triệu lượt du khách Trung Quốc và con số này được dự báo sẽ còn tăng thêm. Giáo dục hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Australia.
Ngoài ra, ngân sách của nước này đã quay trở lại tình trạng thặng dư sau khoảng một thập kỷ liên tục thâm hụt.