Ám ảnh nguy cơ xảy ra trận động đất “trăm năm có một”: Nhật Bản có động thái chưa từng có trong lịch sử, tinh thần người dân căng như dây đàn

Tất Đạt |

Sau khi các trận động đất làm rung chuyển một số vùng phía tây Nhật Bản vào ngày 8/8 vừa qua, các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương của Nhật Bản đã gấp rút vào cuộc.

Cảnh báo khẩn cấp

Theo CNN, các nhà khí tượng học nước này đã tập hợp và ban hành khuyến cáo tạm thời về sóng thần. Một ủy ban đặc biệt đưa ra cảnh báo rằng một "trận động đất lớn" khác có thể xảy ra trong tuần tới. Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan này ban hành loại khuyến cáo toàn quốc như vậy. Để phòng ngừa, các chuyến tàu cao tốc đã giảm tốc độ, phần nào đó khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn và thủ tướng Nhật Bản đã hủy các chuyến công du nước ngoài.

Tuy nhiên sau đó, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ hầu hết các khuyến cáo và báo cáo không có thiệt hại lớn nào do trận động đất mạnh 7,1 độ richter gây ra. Dù vậy, phần lớn đất nước này vẫn trong tình trạng báo động cao, chuẩn bị cho một trường hợp khẩn cấp tiềm ẩn trong giai đoạn cao điểm du lịch trong kỳ nghỉ hè. Điều này cho thấy sự tập trung cao độ của Nhật Bản đối với công tác chuẩn bị ứng phó động đất.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu một khuyến cáo như vậy có cần thiết hay không, hay thậm chí là có chính xác hay không - và liệu nó có nguy cơ lấy đi nguồn lực từ những vùng có rủi ro thấp hơn hay không.

Những trận động đất dữ dội không còn là điều xa lạ với người dân Nhật Bản. Quốc gia này nằm trên Vành đai Lửa, một khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa thường xuyên ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

"Nhật Bản nằm trên ranh giới của bốn mảng kiến tạo, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới", Shoichi Yoshioka, giáo sư tại Đại học Kobe của Nhật Bản, cho biết.

"Khoảng 10% các trận động đất có độ mạnh cấp 6 trở lên trên thế giới xảy ra ở Nhật Bản hoặc xung quanh Nhật Bản, vì vậy rủi ro cao hơn nhiều so với những nơi như Châu Âu hoặc miền đông Mỹ, nơi động đất hiếm khi xảy ra", Yoshioka cho biết.

Trận động đất tồi tệ nhất gần đây tại Nhật Bản là trận động đất Tohoku mạnh 9,1 độ vào năm 2011. Cơn chấn động gây ra một trận sóng thần lớn và thảm họa hạt nhân, làm khoảng 20.000 người thiệt mạng.

Sau thảm kịch đó, các nhà địa chấn học dự đoán rằng sẽ có một trận động đất khác xuất hiện tại Rãnh Nankai và cường độ có thể vượt quá 9 độ. Mặc dù giới khoa học còn đang tranh cãi, nhưng mối đe dọa về trận động đất này đã lờ mờ xuất hiện.

Chính phủ Nhật Bản trong nhiều năm qua đã cảnh báo về trận động đất tại Rãnh Nankai nhiều đến mức điều này đã trở thành kiến thức phổ thông đối với người Nhật Bản. Tuy nhiên, việc này cũng gây tranh cãi bởi với một số nhà khoa học cho rằng việc chỉ tập trung vào tỷ lệ nhỏ về một trận động đất giả định ở một khu vực cụ thể của Nhật Bản là không hiệu quả. Chưa kể, các khu vực khác của Nhật Bản cũng phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự nhưng ít được chú ý hơn nhiều.

Thảm họa từ mảng kiến tạo dịch chuyển

Được biết, Rãnh Nankai là một đới hút chìm dài 700 km. Tại đây, hai mảng kiến tạo chuyển động theo hướng va hút nhau và xảy ra hiện tượng hút chìm. Hầu hết các trận động đất và sóng thần trên thế giới đều do chuyển động của các mảng kiến tạo gây ra. Những trận mạnh nhất thường xảy ra ở các đới hút chìm.

Mảng kiến tạo dưới Biển Philippines đang từ từ trượt xuống dưới mảng lục địa có lãnh thổ Nhật Bản. Theo báo cáo năm 2013 của Ủy ban Nghiên cứu Động đất, tốc độ dịch chuyển là vài cm mỗi năm.

Cũng theo báo cáo này, tại Rãnh Nankai, cứ 100 đến 200 năm lại ghi nhận những trận động đất nghiêm trọng. Những trận động đất gần đây nhất như vậy xảy ra vào năm 1944 và 1946, cả hai đều mạnh 8,1 độ. Sức tàn phá của chúng đã khiến ít nhất 2.500 người tử vong và hàng nghìn người khác bị thương, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà tại Nhật Bản.

Bằng cách tính toán khoảng thời gian giữa mỗi trận động đất lớn, chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo rằng có 70% đến 80% khả năng Nhật Bản sẽ bị tấn công bởi một trận động đất khác từ Rãnh Nankai trong vòng 30 năm, dự kiến có sẽ mạnh từ 8 đến 9 độ.

Tuy nhiên, dự báo này – và những dự đoán không chính xác khác trong dài hạn - đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ một số người.

Yoshioka, giảng viên Đại học Kobe, cho biết con số 70%-80% có thể coi là quá cao và dữ liệu này được tổng kết từ một lý thuyết quá cụ thể. Do đó, dự đoán sẽ có sai số cao. Tuy nhiên, ông không nghi ngờ gì rằng "một trận động đất lớn sẽ xảy ra ở khu vực này" trong tương lai.

"Tôi nói với các sinh viên của tôi rằng trận động đất Rãnh Nankai chắc chắn sẽ xảy ra, dù là thế hệ của các bạn hay thế hệ con cháu các bạn", ông nói.

Robert Geller, một nhà địa chấn học và giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, tỏ ra hoài nghi hơn khi gọi trận động đất Rãnh Nankai là "một dự đoán bịa đặt" và là "một kịch bản hoàn toàn mang tính giả thuyết".

Ông cũng lập luận rằng động đất không xảy ra theo chu kỳ mà có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào và thời gian nào - nghĩa là việc tính toán thời điểm trận động đất tiếp theo sẽ xảy ra dựa trên thời điểm xảy ra của những trận động đất trước đó là không có ý nghĩa gì.

Người dân vẫn sẵn sàng

Dù các cảnh báo đưa ra kéo dài, nhưng người dân không có dấu hiệu hạ bớt tinh thần đề phòng với động đất.

Yota Sugai, một sinh viên đại học 22 tuổi, cho biết việc nhìn thấy cảnh báo trên truyền hình "khiến tôi cảm thấy cấp bách và sợ hãi, giống như một lời cảnh tỉnh". Sau trận động đất ngày 8/8, anh đã đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm khẩn cấp như thực phẩm và nước, theo dõi các bản đồ trực tuyến về các khu vực nguy hiểm và cân nhắc đến việc đến thăm người thân ở các vùng ven biển để giúp họ lập kế hoạch sơ tán.

⁠“Trận động đất gần đây vào ngày đầu năm mới đã nhắc nhở tôi rằng chúng ta không bao giờ biết khi nào động đất sẽ xảy ra. Nó khiến tôi nhận ra sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên”, anh nói, ám chỉ đến trận động đất mạnh 7,5 độ tấn công Bán đảo Noto vào ngày 1/1 năm nay khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Sinh viên Mashiro Ogawa, 21 tuổi, đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự, chuẩn bị một "bộ dụng cụ khẩn cấp" ở nhà và kêu gọi cha mẹ cô làm như vậy. Cô cho biết sẽ tránh xa bãi biển và thay đổi đồ đạc trong nhà, chẳng hạn như di chuyển các kệ ra xa giường và hạ thấp độ cao của chúng.

⁠“Trước đây, tôi không cảm thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng giờ thì tôi cảm thấy đay là một hành động rất thực tế”, cô cho biết.

Một phần lý do khiến mọi người coi trọng vấn đề đề phòng thảm họa là vì có quá nhiều trận động đất rung chuyển Nhật Bản trong thời gian gần đây. Thảm họa năm 2011 đã để lại những vết sẹo lớn trong tâm lý của người dân trên cả nước, và chúng lại trầm trọng hơn sau mỗi vài năm.

“Mỗi lần như vậy, chúng ta lại chứng kiến cảnh mất mát thương tâm, các tòa nhà bị đè bẹp và sóng thần gây ra sự tàn phá, để lại ấn tượng sợ hãi lâu dài”, giảng viên Yoshioka từ Đại học Kobe cho biết. “Nỗi sợ hãi động đất là điều nhiều người dân có chung cảm nhận. Tôi nghĩ rằng điều này góp phần đáng kể vào lý do tại sao Nhật Bản lại chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy”.

Tham khảo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại