Hình ảnh bé sơ sinh con của bà mẹ ung thư vú sau khi được bác sĩ thực hiện ca sinh mổ
Chấp nhận hi sinh vì con
Bác sĩ Trung cho biết mới đây nhất là câu chuyện của cặp vợ chồng tới khám. Người vợ sinh năm 1993 còn rất trẻ. Khi họ đến khám thai lúc này thai nhi đã được 34 tuần. Bác sĩ giật mình khi người chồng hỏi bác sĩ: “Bây giờ muốn sinh con liệu đã nuôi được chưa?”
Với câu hỏi ấy bác sĩ hơi bất ngờ vì đứa trẻ sơ sinh 34 tuần nuôi vẫn nuôi được nhưng tất nhiên việc chăm sóc trẻ sinh non tháng vô cùng khó khăn.
Khi bác sĩ hỏi ra thì người chồng mới tâm sự đứa bé là con đầu tiên của họ sau 2 năm kết hôn. Niềm vui có con chưa được bao lâu thì đến lúc mang thai 9 tuần, vợ phát hiện có khối u vú. Bác sĩ nghi ngờ ác tính nên giới thiệu sinh thiết. Kết quả sinh thiết ung thư vú. Lúc ấy người vợ có hai lựa chọn một là tiếp tục thai kỳ như vậy thì việc điều trị ung thư vú sẽ bị trì hoãn có thể nguy hiểm cho người mẹ. Hai là đình chỉ thai nghén.
Khi đó hai vợ chồng chới với, hoang mang không biết lựa chọn như thế nào. Khi bình tĩnh lại, người vợ đã chọn giữ lại thai và sống cùng ung thư đồng nghĩa trì hoãn thời gian điều trị. Dù lúc đó nhiều người đều khuyên rằng “Tụi con còn trẻ…”.
Đến khi thai nhi được 34 tuần, khối u vú từ 2cm đã to lên rất nhiều nên họ muốn sinh con để trị ung thư vú. Bác sĩ đã tư vấn cho vợ chồng trẻ và họ lại chọn thêm 3 tuần nữa để thai nhi ổn định hơn. Đến lúc thai được 37 tuần bác sĩ mới bắt đầu mổ sinh cho người vợ. Lúc này khối u ung thư vú đã to hơn nhưng họ chấp nhận đánh đổi để con mình sinh ra khỏe mạnh.
TS Trung kể ca mổ của em bé này cũng giống như bao ca mổ sinh khác. Bà mẹ được gây tê và nhờ bác sĩ "chụp hình con em lúc sinh" – ước vọng này được thực hiện ngay tại phòng mồ.
Với ca bệnh như này, bác sĩ Trung cho biết khó khăn không phải ở cuộc phẫu thuật mà là những gì diễn ra trước và sau cuộc mổ.
Khi bác sĩ đưa bé ra, cả kíp mổ đều xúc động với tiếng khóc thút thít của người mẹ. “Tiếng khóc của người mẹ này dường như khác hẳn tiếng khóc của những người mẹ khác khi nghe tiếng khóc đầu đời của con mình... Đó không chỉ là sự vui sướng tột cùng của giây phút làm mẹ. Đó là tiếng thổn thức của một trái tim hy sinh đầy nghị lực, dù người mẹ biết rằng mỗi phút giây chậm trễ trong việc điều trị K vú đồng nghĩa với khả năng điều trị khỏi bệnh của họ giảm đi” – TS Trung kể lại.
Sau ca mổ, bà mẹ quay sang chiến đấu với bệnh ung thư vú.
Ung thư khi mang thai có nguy hiểm?
TS Trung cho biết anh gặp rất nhiều trường hợp bà bầu gánh thêm bệnh ung thư. N.T.H – 34 tuổi, ở TP.HCM là bệnh nhân có con lần thứ 2 gần ngày sinh thì phát hiện ung thư gan đa ổ to.
Ca mổ sinh của chị cũng rất đặc biệt các bác sĩ chuyên khoa u gan túc trực bên giường mổ trong lúc ekip phẫu thuật mổ sinh vì lo sợ u gan có vỡ bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ Trưởng khoa U gan dù không phải trong giờ trực của mình cũng vào bệnh viện sẵn sàng “chiến đấu”. Ekip phẫu thuật phải khéo léo đưa em bé ra khỏi bụng một cách nhẹ nhàng nhất và đặc biệt là không được ấn vùng bụng để đẩy em bé ra vì khối U gan có thể vỡ.
Một thai phụ có thai con đầu lòng hơn 5 tháng thì phát hiện vùng mặt giữa sưng to. Thai phụ đã được điều trị kháng sinh liều cao tại một bệnh viện lớn không giảm rồi chuyển qua bệnh viện tuyến cuối cùng. Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng bà mẹ mắc một dạng của ung thư.
Đa số những người phụ nữ mang thai bị ung thư họ đều hy sinh, chấp nhận không can thiệp gì chờ đến khi thai nhi chào đời. Khi đó, có thể ung thư đã di căn và gây nguy hiểm tính mạng nhưng họ đều có chung quyết tâm hy sinh bản thân để đứa con chào đời tốt nhất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại phụ khoa, BV Ung bướu TP.HCM cho biết ông cũng gặp rất nhiều ca ung thư khi mang thai. Tuy nhiên, nếu ung thư khi mang thai tinh thần tốt thì hoàn toàn có thể kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư làm chậm hơn quá trình di căn giống như người không mang thai mắc ung thư. Nhưng đa số người mang thai bị ung thư thì tinh thần lo lắng, hoang mang khiến miễn dịch suy giảm dẫn tới quá trình mang thai ảnh hưởng và ung thư cũng tiến triển nhanh hơn.
Với các tiến bộ của y học, đã có các biện pháp điều trị ung thư trong thai kỳ phù hợp nên bệnh nhân không cần quá căng thẳng, lo lắng. Nếu mắc ung thư trong thai kỳ bà mẹ cần chuẩn bị tâm lý và nên tư vấn cả bác sĩ chuyên khoa sản và ung bướu để có được chiến lược điều trị hiệu quả.