Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong và theo xác nhận của cơ quan chức năng, dự án vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy đến hiện nay mới chỉ xuất hiện trên giấy tờ của chính công ty này, còn các địa phương mà công ty quảng cáo đều khẳng định, không hề có dự án nào được triển khai.
Vùng nguyên liệu: Chỉ là mua lại cây trồng của người dân
Để chứng minh cho việc vùng nguyên liệu trồng cây mắc ca tại Thanh Hóa có như cam kết với các nhà đầu tư, Cty cổ phần Macca Nutrition đã đưa PV Tiền Phong tham quan vùng nguyên liệu.
Tại cuộc tham quan vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc vùng nguyên liệu của Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam dẫn PV Tiền Phong đến 3 khu vực và tự giới thiệu là vùng nguyên liệu của công ty.
Theo đó, khu vực thứ nhất khoảng 90 ha đất trồng cây mắc ca, trong đó có 7 ha cây mắc ca 5-6 năm tuổi tại Hang Treo (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), còn lại là cây mắc ca vừa trồng.
Vườn cây mắc ca này nằm trên diện tích đất rừng sản xuất, trực thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Chui qua những lùm cỏ mọc ngang ngực người lớn, vườn cây mắc ra trong thời kỳ bói quả...
Theo ông Long, số cây mắc ca này được công ty mua lại của người dân địa phương. Trước đây, người dân trồng cây mắc ca nhưng không hiệu quả, bỏ mặc luôn trong diện tích rừng sản xuất. Năm 2019, ông Long tìm đến thương lượng, mua lại cây mắc ca của người dân và phải mất rất nhiều công sức để phát quang cỏ mọc xung quanh cây mắc ca.
“Khi mua lại, đa số cây mắc ca bị người dân bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chúng tôi chăm sóc, năm nay bắt đầu cho quả. Dù liên tục thuê nhân công nhưng cỏ dại mọc rất nhanh, phủ kín và vượt cả cây mắc ca. Khi được công ty chúng tôi mua lại gốc cây mắc ca để chăm sóc, người dân bán ngay”, ông Long cho biết.
Khu vực thứ 2 là mảnh đất rộng 3 ha đất, trong đó có 800m2 thổ cư làm nhà ở, làm vườn ươm, nhà điều hành, xưởng chế biến tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa). Tại khu vực này, ông Long đang cho xây dựng nhà sàn, xung quanh trồng mới cây mắc ca. Những cây mắc ca giống vừa trồng gặp thời tiết nắng nóng, lá rụng gần hết.
Khu vực thứ 3 là khu trồng mắc ca tại Thung Lụt (Thạch Thành) với diện tích tự giới thiệu 31 ha đã được công ty mua lại của người dân. Để vào được khu vực trồng cây mắc ca của Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam, chúng tôi phải men theo đường mòn lầy lội. Trời mưa, nhiều đoạn sụt lún.
Diện tích cây mắc ca nằm sát chân núi. Nhìn từ xa, vườn trồng mắc ca như những vườn cỏ hoang um tùm. Chúng tôi phải vạch kỹ đám cỏ um tùm mới tìm thấy cây mắc ca.
Nếu không có sự chỉ dẫn của ông Long, chúng tôi không thể nhận ra cây mắc ca xen lẫn trong rừng cỏ rậm. Mỗi cây mắc ca năm thứ 2 cao chừng 50cm, lọt thỏm giữa cỏ dại. Một số nơi khác, bán kính 50cm quanh cây mắc ca được dọn sạch cỏ.
Khi được hỏi về thủ tục pháp lý của vùng nguyên liệu, tại buổi làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Lê An Trung - Chủ tịch HĐQT Cty Macca Nutrition chỉ cung cấp hợp đồng mua bán vườn cây mắc ca 1 ha tại Lạng Sơn.
Với diện tích mắc ca tại Thanh Hóa, ông Trung cung cấp duy nhất biên bản được Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành xác nhận, diện tích canh tác và tài sản trên đất sử dụng, quản lý 90,3 ha của Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam. Biên bản xác nhận này do ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành ký xác nhận.
Ngay cả khi được hỏi về các giấy tờ khác liên quan đến kế hoạch, dự án phát triển các vùng nguyên liệu ở Lạng Sơn, Thanh Hoá cũng như một số vùng khác mà công ty quảng cáo, huy động vốn của nhà đầu tư từ năm 2019 đến nay đều được ông Trung giải thích, giới thiệu miệng với phóng viên mà không đưa thêm ra được các bằng chứng về quyền sử dụng đất, việc nộp thuế cũng như những văn bản hợp tác, phát triển chính thức với địa phương.
Không sở hữu quyền sử dụng đất nào
Để làm rõ quyền sở hữu các vườn mắc ca được Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam giới thiệu ở trên, Tiền Phong trực tiếp đến gặp người dân và cơ quan chức năng.
Theo Sơ đồ vị trí ranh giới rừng và đất rừng giao khoán, khu vườn mắc ca tại Hang Treo (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) mà Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam giới thiệu thuộc khu vực nhận khoán của gia đình ông Đinh Văn Long.
Ông Đinh Văn Long cho biết, toàn bộ diện tích đất trồng mắc ca ở trên do gia đình ông ký hợp đồng nhận khoán với Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Ông Long khẳng định, gia đình đang trồng trọt, quản lý diện tích đất nhận khoán này, không chuyển nhượng cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác.
Riêng với vườn mắc ca, gia đình ông Long đang làm hợp đồng thỏa thuận liên kết với Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam. Tuy nhiên, việc thoả thuận liên kết này chỉ là tiêu thụ sản phẩm hạt mắc ca mà ông đã trồng.
Tại khu vực vườn mắc ca thứ 2 rộng 3 ha tại thị trấn Kim Tân, được ông Nguyễn Ngọc Long- Giám đốc vùng nguyên liệu Cty Macca Nutrition giới thiệu thuộc khu vực nhận khoán đất rừng sản xuất của ông Trần Đức Tụ. Lãnh đạo BQL RPH Thạch Thành cho biết, gia đình ông Trần Đức Tụ đang ký hợp đồng nhận khoán với BQL.
Khu vực vườn mắc ca thứ 3 mà đại diện công ty giới thiệu thuộc diện tích nhận khoán của bà Ma Thị Liễm, trú tại tổ dân phố 11, Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, bà Liễm là một trong số các cổ đông sáng lập công ty. Tuy nhiên, hợp đồng nhận khoán diện tích đất này chỉ đứng tên cá nhân bà Liễm, hoàn toàn không liên quan đến Cty Macca Nutrition Việt Nam.
Dù không phải là chủ chính thức sở hữu quyền sử dụng đất tại các vùng trồng ở Thanh Hoá nhưng trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, ông Lê An Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam cho biết, công ty đã thu gom, thoả thuận và mua lại đất rừng sản xuất của người dân với diện tích khoảng 200 ha, trực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Việc thu gom này được thực hiện từ năm 2019 đến nay.
Trong các thông tin giới thiệu với nhà đầu tư và tại các cuộc làm việc, giới thiệu cơ hội đầu tư để huy động tiền góp vốn vào dự án, các lãnh đạo Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đều khẳng định công ty có vùng nguyên liệu và có đầy đủ xác nhận từ Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành liên quan đến việc chuyển nhượng và phát triển dự án của công ty tại đây.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành khẳng định: Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam không nhận đất giao khoán với ban quản lý rừng phòng hộ. BQL RPH Thạch Thành cũng không có quyền giao đất cho công ty này. Chỉ có UBND tỉnh Thanh Hóa mới được quyền giao đất cho Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam.
“Mọi giao dịch về quyền quản lý đất, nhận khoán, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành trực tiếp giao dịch với các cá nhân, hộ nhận giao khoán, hoàn toàn không liên quan đến Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam.
Giấy xác nhận do tôi ký là xác nhận việc công ty mua lại các tài sản trên đất, gồm có cây mắc ca, hoàn toàn không liên quan đến quyền sử dụng đất hay nhận đất giao khoán”, ông Hồ khẳng định.
Ông Hồ cũng cho biết thêm, công ty chỉ có thoả thuận liên kết, mua lại tài sản trên đất (trong đó có cây mắc ca) với một số hộ dân nhận khoán của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, gồm ông Đinh Văn Long 90 ha tại khu vực Hang Treo (huyện Hà Trung, Thanh Hóa); ông Trần Đức Tụ 3 ha tại thị trấn Kim Tân. Việc ông ký xác nhận cho Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam chỉ là xác nhận những phần liên quan đến tài sản trên đất mà người dân đã trồng, xây dựng, không liên quan đến việc phát triển dự án hay tham gia của ban quản lý vào dự án của công ty này.
Đại diện UBND huyện Thạch Thành cũng khẳng định, tại địa bàn huyện Thạch Thành, Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam không sở hữu quyền sử dụng với bất cứ diện tích đất nào. Toàn bộ diện tích đất trồng cây mắc ca của công ty trực thuộc sự quản lý của BQL RPH Thạch Thành.
"Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam không nhận đất giao khoán với ban quản lý rừng phòng hộ.
Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam chỉ có thoả thuận liên kết, mua lại tài sản trên đất (trong đó có cây mắc ca) với một số hộ dân nhận khoán của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, gồm ông Đinh Văn Long 90 ha tại khu vực Hang Treo (huyện Hà Trung, Thanh Hóa); ông Trần Đức Tụ 3 ha tại thị trấn Kim Tân".
Ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành