Alibaba, 'gã khổng lồ' thương mại điện tử của Trung Quốc vừa công bố một con chip mới nhằm đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ điện toán đám mây.
Đây là một động thái nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ của Alibaba trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nước.
Chip AI mới của Alibaba có tên là Hanguang 800 hiện đang được công ty sử dụng để hỗ trợ các thuật toán tìm kiếm trên nền tảng thương mại của hãng.
Jeff Zhang, Giám đốc Công nghệ của Alibaba đã tiết lộ chip AI đầu tiên công ty tự phát triển có tên Hanguang 800 tại Hội nghị điện toán Apsara vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. Ảnh: CNBC
"Phát triển Hanguang 800 là một bước tiến quan trọng trong việc theo đuổi các công nghệ thế hệ mới của chúng tôi đồng thời, việc tăng cường khả năng tính toán cũng sẽ góp phần cải thiện hiệu quả công việc. Alibaba hiên chưa có kế hoạch bán con chip AI mới này như một sản phẩm thương mại", phát ngôn viên của Alibaba cho biết.
Alibaba là doanh nghiệp mới nhất gia nhập nhóm các nhà sản xuất chip phi truyền thống trong việc tự thiết kế phần cứng nội bộ. Trước đó, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như Alphabet hay Facebook cũng đang có kế hoạch phát triển chip tự sản xuất nhằm cải thiện hiệu suất của các tác vụ AI chuyên dụng tại các trung tâm dữ liệu do công ty điều hành.
Con chip được phát triển bởi DAMO Academy, một viện nghiên cứu mà Alibaba đã ra mắt vào cuối năm 2017 và T-Head, bộ phận bán dẫn của công ty. Theo Alibaba, con chip này có khả năng xử lý các nhiệm vụ điện toán nhanh gấp 12 lần so với các con chip thông thường.
Ảnh: Caixinglobal
Trong ngành điện toán đám mây, Alibaba vượt qua các đối thủ ở Trung Quốc, chiếm 47% thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây trong quý đầu tiên của năm 2019, theo công ty nghiên cứu Canalys.
Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty nội địa thiết kế và sản xuất chip để đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn, nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào các công ty chip nước ngoài như Qualcomm và Intel của Mỹ.
Bắc Kinh nhấn mạnh sản xuất chất bán dẫn là một lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch “Made in China năm 2025”, một sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Trung Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất 40% chất bán dẫn mà nước này sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
Theo Reuters