Aleppo, Mosul "sạch bóng" IS có đồng nghĩa với hòa bình cho Iraq, Syria?

Thi Anh |

Hai thành phố, hai trận chiến nhưng có chung 1 câu hỏi: Liệu Aleppo và Mosul có phải là bước ngoặt cho cuộc chiến đẫm máu tại Syria và Iraq?

Aleppo và hàng loạt biến số

Về mặt quân sự, kết thúc chiến sự Aleppo có thể là một bước ngoặt. Điều này sẽ cho phép chính quyền Assad tiến tới đóng cửa hành lang nối thành phố với Latakia và Idlib, có nghĩa là phiến quân cực đoan không còn có thể kiểm soát một phần lãnh thổ quan trọng ở Tây Bắc Syria.

Nhưng dù Assad có chiếm lại được vùng Tây Bắc thì sự bất bình cay đắng đã thôi thúc phiến quân nổi dậy sẽ không dễ dàng tan biến chỉ trong một đêm. Chính phủ Syria sẽ phải bình định khu vực với một chiến dịch chống nổi dậy quyết liệt trong nhiều năm sau đó.

Aleppo, Mosul sạch bóng IS có đồng nghĩa với hòa bình cho Iraq, Syria? - Ảnh 1.

Aleppo bị không kích.

Một biến số nữa là tân Tổng thống Mỹ. Nếu bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, có thể bà sẽ tiến hành kế hoạch thiết lập vùng cấm bay lên một số khu vực ở miền Bắc Syria để làm nơi trú ẩn cho dân tị nạn và gây áp lực buộc Chính phủ Syria tham gia đàm phán hòa bình.

Kế hoạch này nghe có vẻ hấp dẫn nhưng cần phải nhớ một điều, thiếu đi lực lượng tuần tra trên bộ thì vùng cấm bay chắc chắn sẽ trở thành nơi ẩn náu cho các nhóm phiến quân cực đoan, trở thành mối đe dọa khủng bố cho phương Tây. Dư luận Mỹ thì không thích thú với việc triển khai quân đội lâu dài tại đó.

Ngoài ra, không thể không tính tới Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang coi cuộc chiến chống IS là cơ hội để thiết lập một vùng đệm, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra trong lòng Syria, tiến tới hình thành khu vực phi quân sự, tạo điều kiện cho nước này đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng dân quân người Kurd YPG.

Điều này sẽ mang tới rắc rối cho Mỹ, không chỉ vì sự bất mãn của người Kurd mà còn cả tham vọng bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mosul và nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc

Cách Aleppo 350 dặm về phía Đông, quân đội Iraq với sự hậu thuẫn từ không lực và lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tập trung cho cuộc tổng tiến công vào Mosul, nơi bị IS chiếm đóng từ tháng 6/2014. Có thể họ sẽ giành được Mosul bởi chẳng có lý gì IS lại đầu tư nguồn lực để cầm cự trong một trận đánh tiêu hao khi mà họ có thể đổi lấy thời gian, bảo toàn lực lượng để phản kích sau đó.

Aleppo, Mosul sạch bóng IS có đồng nghĩa với hòa bình cho Iraq, Syria? - Ảnh 2.

Binh lính Iraq làm dấu "victory".

Nếu Mosul, cứ điểm lớn nhất của IS ở Iraq sụp đổ, thì đây sẽ là thành công lớn nhất của liên minh quân sự khi lực lượng phiến quân cực đoan này bị đẩy lùi về phía sông Euphrates và Tigris, quay trở lại Syria.

Nhưng cũng như Aleppo, trận địa Mosul sụp đổ không có nghĩa là xung đột kết thúc bởi chưa ai tính tới tình hình chính trị của giai đoạn bình định.

Dù Baghdad đã cấm phiến quân Shiite tham gia tấn công vào thành phố vì lo sợ xảy ra thanh trừng sắc tộc, nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ tuân thủ yêu cầu này sau khi binh lính quét sạch IS.

Đây không phải là vấn đề của mình Mosul, mà là của toàn bộ khu vực rộng lớn ở miền Tây Iraq. Tại đó, phần lớn người Sunni đều sợ rằng khi IS đi, chính quyền mà người Shiite chiếm ưu thế tại Baghdad sẽ tiếp diễn các hành vi đàn áp khiến bất mãn nổi lên và tiếp đó lại là xung đột.

Bên cạnh đó, vấn đề người Kurd ở Iraq cũng phải bàn. Dù IS đã trở thành kẻ thù chung của người Kurd và lực lượng quân đội Iraq (chủ yếu là người Shiite), nhưng hai bên vẫn bất đồng và nhiều lần đối đầu căng thẳng. 

Trong khi đó, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện quanh Mosul theo lệnh ông Erdogan, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq. Có vẻ như ông Erdogan muốn thiết lập vùng đệm ở Iraq (tương tự như ở Syria) để chiến đấu với lực lượng ly khai người Kurd (PKK).

Đâu là điểm dừng?

Những viễn cảnh mà cây viết Emile Simpson của Foreign Policy vẽ ra ở trên cho thấy mức độ phức tạp của cuộc xung đột ở chảo lửa Trung Đông. Rõ ràng, hòa bình không dễ dàng tới với Iraq, Syria, dù những trận địa lớn như Aleppo và Mosul sụp đổ. 

Ta cũng có thể thấy điều này qua những thất bại trong nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là một nhân tố rất tích cực trên con đường tìm kiếm hòa bình cho Syria thông qua đàm phán nhưng nỗ lực của ông chưa bao giờ thành công.  

Aleppo, Mosul sạch bóng IS có đồng nghĩa với hòa bình cho Iraq, Syria? - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thực ra, điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Bản chất của cuộc xung đột tại Syria và Iraq mang tính mạng lưới với nhiều thành phần tham gia. Tính chất biến ảo của nó không phù hợp với mô hình hòa đàm hai chiều thông thường.

Các cuộc xung đột phức tạp thì không thể dễ dàng kết thúc chỉ nhờ một động thái ngoại giao bởi đó không phải là mâu thuẫn giữa hai bên mà là một mối quan hệ chồng chéo, đa cực giữa các thành phần khác nhau.

Để kết thúc những cuộc xung đột như vậy thì cần phải suy xét xem từng mối quan hệ song phương riêng rẽ trong mạng lưới ấy có thể tiến triển và được xử lý như thế nào. Trước mắt cần chú ý tới các nhóm người Kurd cùng mối quan hệ của họ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Iraq.

Khi IS bị đẩy lùi, mối băn khoăn cơ bản là số phận của người Kurd ở Syria và Iraq. Nếu vấn đề này không được giải quyết, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến một làn sóng xung đột mới giữa người Kurd ở Syria với Ankara, và người Kurd ở Iraq với Baghdad. 

Ngược lại, nếu đạt được thỏa thuận thì khu vực do người Kurd kiểm soát có thể bắt đầu ổn định, ít nhất là một phần của cuộc xung đột.

Theo ông Simpson, hòa bình, nếu được thiết lập, sẽ đến dần dần "từ dưới lên" (từ trận địa nơi xung đột đang xảy ra) chứ không phải qua nỗ lực đầy tham vọng "từ trên xuống" (áp đặt những thỏa thuận hòa bình).

Mặc dù những thắng lợi tại Mosul, Aleppo có thể đánh dấu bước ngoặt về mặt quân sự, chuyển cuộc xung đột này thành giai đoạn khác nhưng về mặt chính trị thì tình thế vẫn rất ngổn ngang. Nếu không có tiến triển nơi thực địa thì đừng mong cuộc xung đột này đi đến hồi kết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại