Ai vẫn đang mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga?

Công Thuận |

Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga trong năm nay.

Ai vẫn đang mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga? - Ảnh 1.

Một công nhân Nga tại cơ sở của tập đoàn năng lượng Gazprom. Ảnh: TASS

Theo mạng tin zerohedge.com ngày 8/7, trong khi doanh thu của Moskva từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã giảm đáng kể kể từ mức cao nhất vào tháng 3/2022, nhiều quốc gia vẫn đang nhập khẩu nhiên liệu trị giá hàng triệu USD mỗi ngày từ Nga.

Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch xuất khẩu sang EU của Nga đã giảm hơn 90% so với mức đỉnh, nhưng đến năm 2023, khối này vẫn nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên trị giá hơn 18 tỷ USD.

Nhà nghiên cứu Niccolo Conte thuộc Visual Capitalist đã sử dụng dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) để lập biểu đồ về các quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu từ Nga cho đến nay trong năm 2023.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục là khách hàng mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga, với lượng nhập khẩu đạt 30 tỷ USD tính từ đầu năm nay đến ngày 16/6/2023.

Với gần 80% nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc là dầu thô, doanh thu trung bình hàng ngày của Nga từ nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc đã giảm từ 210 triệu USD vào năm 2022 xuống còn 178 triệu USD, phần lớn là do giá dầu thô của Nga giảm.

Thứ hai là các quốc gia EU nói chung, mặc dù không còn nhập khẩu than từ Nga kể từ tháng 8/2022, nhưng các nước châu Âu vẫn nhập khẩu hơn 18 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch với tỷ lệ dầu thô và khí tự nhiên tương ứng là 60/40.

Sau Trung Quốc và EU, Ấn Độ là nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn tiếp theo của Nga, vốn đã tăng lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu hơn 10 lần kể từ trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, cũng phần lớn là do giá dầu của Nga giảm.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiếp theo đã nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trị giá hơn 10 tỷ USD của Nga trong năm nay tính đến thời điểm hiện tại, trong khi nhiều quốc gia khác (UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Brazil, Malaysia,...) đã nhập khẩu nhiên liệu trị giá dưới 3 tỷ USD từ Nga.

Mặc dù dầu thô là mặt hàng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chính của Nga, nhưng dầu thô Urals của quốc gia này được giao dịch ở mức thấp hơn 20 USD/thùng so với dầu thô Brent trong giai đoạn trên. Trong khi mức giảm giá này tiếp tục hạ xuống còn khoảng 16 USD sau khi Nga tuyên bố cắt giảm xuất khẩu dầu thêm 500.000 thùng/ngày, giá dầu thô Urals vẫn chỉ thấp hơn một chút so với mức giá trần 60 USD/thùng do các quốc gia G7 và EU áp đặt.

Cùng với Nga, Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 8, khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman bình luận về tình đoàn kết của nước này với Nga, nói rằng họ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để hỗ trợ thị trường dầu mỏ.

Trong khi việc cắt giảm của các quốc gia OPEC và OPEC+ là một nỗ lực nhằm đẩy giá dầu thô lên, thì việc tăng sản lượng từ Mỹ đã chống lại điều này. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng năm 2023 của Mỹ là 12,6 triệu thùng/ngày, vượt qua mức cao năm 2019 là 12,3 triệu thùng/ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại