Hạnh phúc do can đảm mà ra
Thời gian trở lại đây, chị thành cái tên khá "hot" vì những tác phẩm, quan điểm "chém ngược" gây chú ý. Chị có thể chia sẻ quan điểm sáng tác của mình?
Những tác phẩm đầu tiên tôi viết thì chỉ để giải tỏa cảm xúc cá nhân thôi. Gần đây, tôi mới viết nhiều hơn những chia sẻ về quan điểm sống, bình luận về các vấn đề xã hội.
Nhưng dù có viết gì đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ đi ngược lại giá trị nhân văn, giá trị tinh thần trong tác phẩm. Điều tôi muốn là truyền tải tư duy tích cực, cảm hứng sống.
Mặc dù là một tác giả văn học nhưng những tác phẩm văn học không phải là đam mê lớn nhất của tôi vì nó đem lại nhiều nỗi buồn, cái mình khát khao cả đời là được làm sách về giáo dục, được truyền tải thông điệp đến với tất cả mọi người, khơi gợi ý chí, đánh thức đam mê và mong mọi người dám thoát ra khỏi lối sống mòn để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi quan tâm nhiều đến giáo dục, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế chứ không phải là sự lãng mạn ru ngủ trong những tác phẩm ngôn tình.
Tác giả cuốn "Đừng sợ mẹ đây" dành trọn tình yêu cho con trai nhỏ
Chị cho rằng, phụ nữ đừng vì thiếu đàn ông mà không sống nổi. Vậy cuộc sống của chị thế nào?
Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình cần phải có một người chồng để có thể hạnh phúc như bao người. Nhưng đến khi có chồng rồi thì mới hiểu sâu sắc được rằng, mình đã sai.
Hạnh phúc không được tạo ra nhờ một cuộc hôn nhân hay tình yêu, mà hạnh phúc phải là do chính mình gây dựng mới bền chặt.
Không thể kiếm tìm hạnh phúc ở bất kì nơi nào, trong bàn tay bất kì kẻ nào mà phải do chính mình tạo ra.
Để hạnh phúc, tôi nghĩ rằng cần rất nhiều can đảm. Thật đấy, cần can đảm để có thể buông bỏ quá khứ, tha thứ cho cuộc đời, tha thứ cho con người.
Can đảm để sống tử tế, là người tốt, can đảm để sống là chính mình, không lo sợ người đời phán xét, can đảm để theo đuổi ước mơ mà không sợ bị thất bại. Hạnh phúc mà tôi có được từ trước giờ đều là do can đảm mà ra.
Gần đây, dư luận xôn xao về những scandal liên quan đến người thứ ba bắt dầu từ các scandal tình ái showbiz. Theo chị, có phải người thứ ba rất đáng chỉ trích, vùi dập?
Tôi nghĩ trên đời này không có cái gì thực sự đúng và thực sự sai mà là do góc nhìn mà thôi. Người thứ ba cũng có dăm bảy đường.
Tình yêu giống như một tấm chăn chỉ dành cho hai người, nếu thêm một người thứ ba chắc chắn sẽ có kẻ chịu rét. Người thứ ba là kẻ ở bên ngoài tình yêu đó chứ không phải là người đến trước hay đến sau.
Trong Kinh Thánh có kể một câu chuyện rằng khi chúa Jesus giảng đạo, có một nhóm người bắt một người đàn bà ngoại tình đến yêu cầu chúa Jesus trị tội.
Theo luật ở nơi đó, bất cứ ai phạm tội ngoại tình đều bị dân làng ném đá đến chết.
Chúa Jesus mới bảo, trong số các người ở đây, ai chưa từng phạm một tội lỗi gì, hãy nhặt một hòn đá lên và ném vào người đàn bà này. Rồi, tất cả mọi người đều bỏ về.
Nếu như trong chúng ta hoàn toàn trong sạch, chưa từng phạm tội lỗi gì thì cứ ném đá đến chết những người thứ ba đi.
Còn nếu như chúng ta, tôi và bạn cũng là những con người tầm thường với những tội lỗi đã phạm phải thì hãy nhìn bằng cái nhìn bao dung hơn, đừng phán xét đúng sai nếu không hiểu rõ được vấn đề như người trong cuộc.
Cuộc đời sẽ "tát" cho tỉnh mộng
Đã có so sánh thế này: Hồ Ngọc Hà được tiếng thông minh nhưng không "cao tay" bằng sự "thật thà" của Ngọc Trinh khi cô này chủ động thừa nhận mình là người thứ ba và nhận được nhiều sự cảm thông.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đàn bà con gái, nhất là các cô gái trẻ học theo cách của Ngọc Trinh hoặc coi đó là "thần tượng"?
Tôi không phán xét Ngọc Trinh hay Hồ Ngọc Hà, chỉ biết rằng cả hai người phụ nữ này đều đẹp, nổi tiếng và đang sở hữu nhiều tài sản vật chất mà mọi người ao ước.
Dư luận cảm thông hay ném đá không phải vì dư luận phán xét được đúng sai mà dư luận chỉ làm theo cảm tính, cũng có khi chỉ là do truyền thông giật dây.
Họ bị ném đá hay cảm thông cũng chưa chắc là vì câu chuyện thực sự mà là vì cách xử lý khủng hoảng của ê-kíp truyền thông thôi.
Ngọc Trinh tuyên bố rằng, cô ấy là thần tượng của thanh niên quê cô ấy, chắc cũng không ngoa. Có lẽ, cuộc đời cô ấy là một trang cổ tích khi một cô bé chân lấm tay bùn ở thôn quê đã gặp được "hoàng tử" và đổi đời.
Nhưng mà cổ tích không thể nào kéo dài mãi mãi. Không một loại phấn son hay bảo hiểm nào có thể níu giữ tuổi xuân mãi còn son sắc.
Chắc ai cũng từng đọc câu chuyện Tấm Cám rồi, Tấm đẹp đến nỗi khiến nhà vua mê mẩn, rước ngay về cung thế mà đến khi Tấm chết (mất tích), nhà vua cũng ở luôn với Cám, Cám chỉ mặc quần áo của Tấm mà đã thay thế được vai trò hoàng hậu của Tấm rồi.
Cổ tích ở ngoài đời cũng vậy thôi, những hào nhoáng bên ngoài, nhan sắc, tuổi trẻ đều có thể bị thay thế. Đến vì điều gì thì sẽ đi vì điều đó.
Người ta đến với bạn vì tiền bạc hay nhan sắc thì khi tiền bạc bạn không còn, nhan sắc bạn tàn phai (hoặc chưa tàn phai nhưng họ đã tìm được người có nhan sắc hơn) thì họ sẽ rời bỏ bạn mà thôi.
Cổ tích thì đẹp nhưng nó chỉ dừng ở đoạn cô gái được vào cung chứ sau đấy không có cảnh cô gái đã trở thành một người đàn bà có những nếp nhăn hay những ngấn mỡ thừa, mọi thứ cũ kĩ và nhàm chán.
Mà dù sao đi chăng nữa, sống dựa vào vua thì cũng chỉ là hoàng hậu thôi, hoàng hậu có thể bị thay thế, mà dù không bị thay thế thì còn có quý phi, chiêu nghi, phi tần và các cung nữ. Chỉ có dựa vào mình thì mới có thể là nữ hoàng được.
Cổ tích có đẹp thế nào cũng chẳng vĩnh cửu được bằng hai từ mãi mãi đâu. Mãi mãi dài lắm, cuộc đời dài lắm! Mà cuộc đời thì phũ phàng, hay tát vào mặt con người cho con người tỉnh mộng lắm.
Ngọc Trinh được nhiều người thần tượng dù không mấy ai biết thế mạnh của cô trong lĩnh vực giải trí là gì.
Theo chị, có hay không cái gọi là "văn hóa người thứ ba". Tức là cách thức đối diện, ứng xử, giải quyết vấn đề vốn được cho là bị động, phát sinh này?
Tôi nghĩ là có nhưng là vào cái thời có chế độ đa thê, đàn ông năm thê bảy thiếp ấy. Còn vào thời bây giờ, mỗi người phụ nữ đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Người đàn ông dù có là thiên thần thì cũng không xứng đáng để được chia sẻ.
Tùy mỗi người mà có cách giải quyết riêng, không có công thức chung.
Chúng ta là những người ở thời hiện đại, đừng sống như thời phong kiến bằng thứ "văn hóa người thứ ba" vớ vẩn đó để tự chuốc lấy những đau đớn cho mình.
Vả lại, tôi cũng nghĩ, nếu người đàn ông đã có thể tìm người thứ ba thì cũng có thể tìm đến người thứ tư, thứ năm, thứ vài chục khác.
Nếu muốn tự thêm mình vào con số đó thì cứ việc, mỗi người sống trên đời có một mục đích khác nhau mà,nhưng đừng ân hận.
Còn những người phụ nữ đối diện với việc chồng mình ngoại tình như thế nào cũng còn tùy thuộc xem họ muốn gì, tình yêu của chồng, vỏ ngoài của một gia đình yên ấm hay là tài sản?
Thường thì phụ nữ ngoại tình luôn bị "xử" nặng hơn đàn ông. Chị có nghĩ rằng một lúc nào đó sự công bằng cần lập lại?
Tôi không biết thế nào là công bằng, là khi người đàn ông phải bị xử nặng như phụ nữ hay phụ nữ cũng phải được tha thứ như đàn ông? Làm gì có chuyện công bằng. Nếu có công bằng thì đó là khi không có ngoại tình.
Thực ra, chuyện người thứ ba được nhìn nhận như chuyện bình thường từ rất lâu rồi, nhưng vấn đề đáng buồn nhất là chính phụ nữ lại là người chấp nhận những điều đó.
Họ có những suy nghĩ như: đàn ông lăng nhăng là bình thường; đàn ông thành đạt mà không có bồ nhí thì mới là lạ.
Đau lòng hơn cả là khi đối diện với vấn đề ngoại tình, đàn bà thường khuyên nhau "nếu làm ầm lên thì sẽ mất tất cả". Nhấn mạnh là "tất cả". Họ coi người đàn ông là tất cả nên chỉ có thể tha thứ, nhẫn nhục chịu đựng.
Điều này xảy ra là tất nhiên khi người đàn bà sống phụ thuộc vào ông cả về cuộc sống lẫn tài chính. Người đàn ông biết vợ không dám bỏ mình nên càng tiếp tục phạm sai lầm.
Phụ nữ khổ là do tự mình lựa chọn nỗi khổ khi áp đặt định kiến nên thôi. Đàn ông ngoại tình chính là vì họ có thể, là vì họ luôn được đàn bà tha thứ .
Cảm ơn tác giả Hàn Băng Vũ về cuộc trò chuyện!