Ai sẽ thay thế sau khi Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế?

ÁI VÂN |

Chiều 18.10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. Nhiều vấn đề “nóng” trước kỳ họp được báo giới quan tâm, đặt câu hỏi.

Lý do miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế

Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến nội dung nhân sự, lý do Quốc hội đưa ra miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa được kết thúc; đồng thời, nhân sự thay thế đối với Bộ trưởng Y tế chưa được đề cập? Vậy nội dung này cụ thể như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển sang làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đây cũng là một công việc rất quan trọng.

Liên quan tới việc ai thay Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc thẩm quyền, dựa trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn.

Vừa rồi Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định phân công đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Chấn chỉnh việc vắng mặt của nhiều đại biểu quốc hội trong kỳ họp

Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về việc nhiều Đại biểu Quốc hội vắng họp trong các kỳ họp trước. Việc này Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến. Vậy, kỳ họp này có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Trả lời về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đại biểu Quốc hội có Đại biểu chuyên trách (chiếm 30%) và không chuyên trách (chiếm 70%).

Kỳ họp này vào cuối năm, mà cuối năm các địa phương rất nhiều việc để chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng Nhân dân và chỉ đạo các đại hội cơ sở, nên rất chia sẻ đối với các đồng chí là lãnh đạo của các địa phương.

Chính vì thế, việc các Đại biểu Quốc hội vắng là không tránh được nhưng chúng tôi đã có văn bản được Chủ tịch Quốc hội ký nhắc nhở các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội trên cơ sở căn cứ chương trình kỳ họp, nhất là các buổi biểu quyết Luật, Nghị quyết để các Đại biểu có mặt, để thể hiện ý chí tập trung của Quốc hội.

Cơ quan nào báo cáo, cơ quan đó phải chịu

Tại họp báo, các phóng viên cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan tới việc Bộ Tư pháp ký báo cáo về tổng kết luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật thẩm tra và gửi tới đại biểu Quốc hội, nhưng phần số liệu môi trường lại sử dụng số liệu từ năm 2005 được dư luận quan tâm thời gian qua.

Vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho hay, theo quy định của Luật Thủ đô thì cứ 3 năm một lần, Chính phủ báo cáo tới Quốc hội việc thi hành Luật Thủ đô và đây là lần thứ 2 Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Báo cáo này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 36 vào tháng 7.2019.

Hiện nay, báo cáo của Chính phủ mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà là báo cáo từ tháng 7 trình tại kỳ họp 36.

“Về việc sử dụng số liệu cũ cách đây 14 năm, theo quan điểm của tôi, cơ quan nào báo cáo thì cơ quan đó chịu trách nhiệm về số liệu và thông tin trong báo cáo. Thông qua báo cáo đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí sẽ giám sát tính trung thực của báo cáo” - ông Giang nói.

Tiếp tục trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi các cơ quan Chính phủ gửi báo cáo sang thì các cơ quan Quốc hội sẽ kiểm tra các thông tin, nếu không đảm bảo thì trả lại.

“Đó là điều đương nhiên và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về các báo cáo” - ông Phúc nói đồng thời cho biết, hiện nay báo cáo chính thức vẫn chưa được chuyển tới Quốc hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại