Ai sẽ mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên với giá hơn 305.000 đồng/cp?

Huy Lê |

Những đại gia đã từng “mua hụt” và cổ đông hiện hữu của Khách sạn Kim Liên liệu có tái diễn cuộc cạnh tranh giống 2 năm trước?

Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên vào ngày 27/4 tới đây.

Theo đó, GPBank sẽ bán đấu giá là 1,87 triệu cổ phần, tương đương với 27% vốn điều lệ của Du lịch Kim Liên. Với mức giá khởi điểm 305.053 đồng/cp, tổng số tiền ngân hàng dự kiến thu về từ đợt đấu giá này hơn 570 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với mức giá thuộc dạng cao như này thì câu hỏi được đặt ra là Kim Liên có gì hấp dẫn để các nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền để sở hữu khách sạn này?

Về tay ông Nguyễn Đức Thụy, Kim Liên có hấp dẫn hơn?

Hồi năm 2015, SCIC đã tổ chức đấu giá hơn 3,6 triệu cổ phần Khách sạn Kim Liên (tương ứng 52,4% VĐL) với giá khởi điểm 30.600 đồng/cp. Phiên đấu giá có sự tham gia của 36 nhà đầu tư, số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 36 lần chào bán.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh, thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 2007 thành lập Xuân Thành Group và 2015 được cơ cấu lại, đổi tên thành Tập đoàn Thaigroup.

Sau khi về tay bầu Thụy, lợi nhuận của Khách sạn Kim Liên có vẻ tốt dần lên sau khoản thua lỗ bất ngờ năm 2015.Tuy nhiên, vượt qua nhiều tên tuổi lớn như REE, Hanoitourist, PTI, GP Invest… Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy hay còn được biết đến với tên gọi khác là "bầu Thụy" đã gây bất ngờ khi chi hơn 1.000 tỷ đồng để ôm trọn lô cổ phần. Giá đấu thành công là 274.200 đồng/cp.

Dễ dàng nhận thấy doanh thu của Khách sạn Kim Liên tương đối ổn định trong những năm qua với mức khoảng 120-150 tỷ mỗi năm.

Tuy nhiên những biến động về chi phí và hoạt động khác đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty diễn biến khá bất thường. Đỉnh điểm vào năm 2015 khi công ty bất ngờ chịu khoản lỗ 25,6 tỷ đồng do chi phí liên quan đến thuế, phí và lệ phí bất ngờ tăng vọt.

Cũng do khoản thua lỗ bất ngờ này mà cổ đông Kim Liên cũng không còn nhận được cổ tức dự kiến 2015 tối thiểu 15%, cổ tức 2016, 2017 và cả 2018 sẽ là con số 0. Giai đoạn 2012-2014, cổ đông vẫn nhận cổ tức đều đặn 16-22%.

Ai sẽ mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên với giá hơn 305.000 đồng/cp? - Ảnh 2.

Về tay Thaigroup kể từ 2016, lợi nhuận của Kim Liên bắt đầu khởi sắc trở lại với mức lãi 7,5 tỷ và 8,9 tỷ tương ứng trong năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, thua lỗ năm 2015 vẫn còn tác động dẫn đến lỗ lũy kế của công ty vẫn còn 17,3 tỷ đồng vào cuối 2017.

Sang năm 2018, Kim Liên đưa ra kế hoạch khả quan với tổng doanh thu tăng 5% lên 150,5 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế theo đó đặt ra 16,68 tỷ đồng, cao hơn thực hiện năm 2017 đến 89%.

Tuy lợi nhuận đã có những chuyển biến tốt sau khi về tay Thaigroup nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của công ty có vẻ không được khả quan.

Từng có mức biên lợi nhuận gộp trên 30% nhưng hiệu quả kinh doanh của Kim Liên đang suy giảm sau khi đổi chủ. Biên lợi nhuân gộp giảm từ 27% năm 2015 xuống chỉ còn 14,5% vào năm 2017 đang cho thấy sự bất ổn nhất định trong hoạt động kinh doanh chính của công ty.

Ai sẵn lòng mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên?

Kim Liên được biết đến là doanh nghiệp “đất vàng” khi quản lý và sử dụng lô đất với diện tích lên tới 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Đây được coi là một trong những mảnh đất vàng lớn còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội và là sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư.

Ai sẽ mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên với giá hơn 305.000 đồng/cp? - Ảnh 3.

Mảnh đất vàng của Khách sạn Kim Liên.

Mảnh đất vàng trên không phải là đất thuộc sở hữu của khách sạn Kim Liên mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cho Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên thuê 3,5 ha đất với hạn thuê 50 năm kể từ 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.

Tuy nhiên, với việc đấu giá gần 27% vốn điều lệ từ mức giá 305.000 đồng/cp cho doanh nghiệp đất vàng này thì sẽ có những đại gia nào muốn tham gia cạnh tranh lô cổ phần này?

Để xem xét những ứng viên có thể tham gia vào cuộc đấu giá lần này thì nên quay lại cuộc đấu giá của SCIC vào 2 năm trước. Khi đó, không chỉ có ThaiGroup sẵn sàng bạo chi mà nhiều đại gia khác cũng trả giá không hề kém cạnh.

Ai sẽ mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên với giá hơn 305.000 đồng/cp? - Ảnh 4.

Có thể thấy phiên đấu giá 2015 có ít nhất 4 nhà đầu tư khác ngoài Thaigroup đặt giá trên 100.000 đồng/cp, thậm chí lên đến 170.000 đồng/cp, gấp 5,5 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, tất cả đều ra về tay trắng trước mức giá khủng 274.200 đồng/cp của Thaigroup.

Phiên đấu giá năm 2015 có đến 12/36 nhà đầu tư tham gia là các doanh nghiệp có tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng như REE, ThaiGroup, PTI, Hanoitourist, Cường Thịnh Thi, Xây dựng miền Trung, Xây lắp điện 1, Văn Phú Invest, GP Invest…Đây đều là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh nhưng đã không trúng thầu; do vậy khả năng quay trở lại của các công ty này là không thể bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, khác với lần trước, phiên đấu giá này có giá hơn 305.000 đồng/cp và chỉ bán gần 27% vốn Kim Liên (SCIC bán 52,4%). Đây có thể là bước cản lớn về giá và tỷ lệ sở hữu cho các doanh nghiệp này quay trở lại cuộc đấu giá của GPBank.

Xét thêm ở một yếu tố khác là cổ đông hiện hữu muốn gia tăng sở hữu. Theo danh sách cổ đông chốt tại ngày 16/3/2018 thì Khách sạn Kim Liên có 4 cổ đông lớn chiếm đến 92,63% vốn điều lệ; trong đó đơn vị đấu giá là GPBank đang nắm 1,87 triệu cp, tỷ lệ 26,89%.

Ai sẽ mua “đất vàng” Khách sạn Kim Liên với giá hơn 305.000 đồng/cp? - Ảnh 5.

GP Invest là cổ đông lớn chỉ chiếm 6,62% vốn nhưng lại là đơn vị có liên quan đến GPBank; ngoài ra, đơn vị này cũng từng tham gia vào cuộc đấu giá của SCIC năm 2015. Do đó, khả năng GP Invest tiếp tục tham gia đấu giá là có thể.

Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) hiện nắm 6,69% Kim Liên. Tuy nhiên đầu tháng 2/2018 vừa qua thì VNPT đã bán lại PTF cho Ngân hàng SeaBank. Vào cuối quý II/2016, PTF có vốn điều lệ 500 tỷ và tổng tài sản chỉ đạt 384 tỷ đồng. Do đó, khả năng tài chính của PTF là khá khó để tham gia đợt đấu giá này; ngoại trừ trường hợp SeaBank muốn tham gia.

ThaiGroup của bầu Thụy, cổ đông lớn nhất chiếm 52,43% vẫn là cái tên sáng nhất. Nếu có thể mua được số cổ phần cần thiết từ GPBank để nắm trên 65% vốn Kim Liên thì ThaiGroup sẽ có nhiều quyền chi phối và có thể quyết định được nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động của Kim Liên.

Sau khi mua 52,4% vốn từ SCIC hồi 2015, Thaigroup định hướng phát triển khách sạn Kim Liên trở thành khu phức hợp cao cấp, điểm nhấn ở khu vực phía nam Hà Nội, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cộng thêm việc đã từng chi 274.200 đồng/cp từ 2 năm trước thì khả năng tăng thêm ngân sách vào Kim Liên để có thể nắm quyền chi phối trên 65% của Thaigroup là hoàn toàn có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại