Ai sẽ là người mua chiếc iPhone 8 có giá cao kỷ lục?

L.T |

Chính thói quen chạy theo công nghệ của nhóm khách hàng đã khiến phiên bản mới của chiếc điện thoại thông minh trở nên không thể rẻ hơn. Và họ sẽ là người mở màn cho trào lưu mua điện thoại không cần nhìn giá trong tương lai.

iPhone 8 sắp ra mắt vào ngày 12/9 tới, với mức giá dự báo sẽ cao kỷ lục trong lịch sử của siêu phẩm điện thoại này, khoảng 1.000 - 1.200 USD, gấp đôi so với giá một chiếc iPhone 7 hiện nay (chỉ 649 USD). Mức giá mới của iPhone khiến một chiếc điện thoại di động của Apple ngang ngửa với một sản phẩm máy tính xách tay Macbook Air, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Điều khiến những tín đồ công nghệ cảm thấy sốc hơn là Apple không phải nhà cung cấp di động đơn lẻ quyết định tăng giá bán các sản phẩm mới nhất của hãng. Trước đó, Samsung đã tự động tăng mạnh giá của chiếc Note 8, đạt đỉnh ở 930 USD cho phiên bản 64GB.

Như vậy, mức giá trung bình cho một chiếc điện thoại thông minh của Apple đã lên quá cao, nếu so sánh với chi phí mà khách hàng phải bỏ ra để mua một sản phẩm gốc từ năm 2007 - chiếc iPhone huyền thoại khi ấy có giá dưới 500 USD.

Vào năm 2007, Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft, đã từng lắc đầu trước mức giá không tưởng của iPhone và nhận định rằng dòng điện thoại này sẽ khó có thể chiếm được thị phần đáng kể nếu bán với giá cắt cổ như vậy. Trước tình thế này, CEO của Apple lúc đó là Steve Jobs đã bắt tay với nhiều nhà mạng nhằm thực hiện chiến lược trợ cấp điện thoại. Cả AT & T, Verizon, T-Mobile và Sprint đều tham gia vào mạng lưới này.

Theo đó, khách hàng phải ký vào thỏa thuận sử dụng dịch vụ di động với 1 nhà mạng tối thiểu trong vòng 24 tháng để được trợ cấp một nửa chi phí mua điện thoại. Chiến dịch này còn được biết đến với cái tên "iPhone giá 199 USD".

Tuy nhiên, Verizon và T-Mobile đã rời khỏi cuộc chơi này hai năm trước khi cùng tuyên bố khách hàng sẽ phải trả đầy đủ chi phí mua iPhone theo đúng kế hoạch trả góp cam kết với nhà mạng, thay vì được trợ giá 50%. Nguyên nhân là cả Verizon và T-Mobile đều nhận thấy rất nhiều người Mỹ đã đưa điện thoại thông minh vào danh sách sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, không khác gì thực phẩm, nước uống hay nhà cửa.

Với các nhà mạng, nhóm khách hàng mê chạy theo sự đổi mới công nghệ đến mức coi những phiên bản điện thoại mới là sản phẩm thiết yếu cũng là nhóm chấp nhận nhanh nhất chính sách thay đổi giá bán của nhà sản xuất.

1.000 USD đổi lấy chiếc điện thoại có camera tốt nhất, bộ vi xử lý nhanh nhất, các tính năng mới như nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại, và cả Apple Pay hay S Pen - Apple có một số lượng người dùng đủ lớn chấp nhận điều này. Và đó sẽ là những người mở màn cho trào lưu mua điện thoại không cần nhìn giá, đẩy mức chi tiêu trung bình cho một sản phẩm công nghệ di động lên mốc cao nhất trong lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại