Ai sẽ bồi thường thiệt hại tiền tỷ ở Carina Plaza sau vụ cháy?

L.T |

Trong điều kiện người dân tại các đô thị lớn rất ít mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ, khả năng được bồi thường với nhóm tài sản này trong các vụ hoả hoạn tương tự như tại Carina Plaza là rất hiếm.

Sáng sớm 23/3, vụ cháy xuất phát từ tầng hầm chung cư Carina Plaza đã trở thành một trong những sự cố về hoả hoạn tồi tệ nhất, khi cướp đi sinh mạng 13 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngoài thiệt hại không thể đo đếm về con người, vụ cháy cũng gây thiệt hại kinh tế ước tính hàng chục tỷ đồng với cư dân và đơn vị quản lý điều hành của chung cư cao cấp này.

Câu hỏi được đặt ra là: Trong những trường hợp cháy như vậy, ai sẽ là người bổi thường thiệt hại về tài sản cho các nạn nhân?

Theo một chuyên gia về bảo hiểm hiện giữ chức vụ quản lý rủi ro tại một tập đoàn bảo hiểm lớn ở Việt Nam, bảo hiểm cháy chung cư hiện không phải là sản phẩm phổ biến tại Việt Nam. Vị này cho hay, không phải vì thiếu tiền mà người Việt không mấy mặn mà với bảo hiểm cháy nổ chung cư nói riêng và các loại hình bảo hiểm tự nguyện nói chung. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là vì ý thức của người dân về việc này còn thấp.

"Bảo hiểm đối với tài sản, tính mạng của người dân trong chung cư thường được mua với chủ hợp đồng là chủ hộ, và các nhà bán bảo hiểm chỉ ký với số lượng tham gia lớn. Ví như một chung cư có 1.000 căn hộ, số lượng hợp đồng có thể ký phải đạt 200-300 thì mới có thoả thuận được, do biên lợi nhuận của loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam là rất thấp.

Ngược lại, nhóm bảo hiểm doanh nghiệp, nhà máy phổ biến hơn, một phần vì quy định của pháp luật chặt chẽ hơn, phần khác vì liên quan đến kinh doanh nên ý thức của chủ doanh nghiệp cao hơn".

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành bảo hiểm, vị này cho hay tại Việt Nam, phần lớn các chung cư có mua bảo hiểm đều chỉ ở mức bảo hiểm cho phần khung nhà. Đối với các chủ đầu tư, phần lớn sẽ có bảo hiểm ở giai đoạn tiền xây dựng, nhưng khi xây dựng xong, các bên thường thanh lý hợp đồng bảo hiểm ngay trong giai đoạn bàn giao nhà cho khách hàng.

"Với các hợp đồng kiểu này, khi xảy cháy, công ty bảo hiểm sẽ chỉ chi trả để bồi thường phần thiệt hại bất động sản cho chủ đầu tư, còn các động sản (phần tài sản đi theo khung nhà) sẽ không nằm trong hợp đồng bảo hiểm này".

Trong trường hợp mua bảo hiểm sau giai đoạn xây dựng, chủ đầu tư hoặc ban quản trị có thể mua bảo hiểm cho ba loại tài sản:

+ khu vực chung (của chủ đầu tư, thu phí dịch vụ cư dân): các tầng hầm, khu vực cầu thang, sảnh chính. Đây là tài sản chung của cư dân và chủ đầu tư/ban quản trị

+ Các tầng thương mại của tòa nhà: tài sản riêng của chủ đầu tư/ban quản trị

+ Khung nhà: Tài sản riêng của chủ đầu tư

Tuỳ thuộc vào điều kiện của hợp đồng, các đối tượng liên quan sẽ được bồi thường theo tỷ lệ thiệt hại thực tế. Với Trong trường hợp xảy cháy như ở chung cư Carina, nếu lỗi thuộc về bảo vệ toà nhà, các bên cần xem xét lại hợp đồng với công ty bảo vệ.

"Hợp đồng này cần phải xét đến bên thuê là chủ đầu tư hay ban quản lý toà nhà. Nếu là ban quản lý toà nhà, lại cần xem xét việc đơn vị này do chủ đầu tư lập hay cư dân lập, từ đó mới truy ra được người chịu trách nhiệm bồi thường".

Với trường hợp đây là tai nạn cháy nổ do các nguyên nhân khách quan, theo vị này, cần phải xem xét chủ đầu tư/ban quản trị có hợp đồng với các điều khoản tương ứng về bồi thường hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại