Từ gỗ sang đay, lại quay về gỗ
Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho hay, Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguyên liệu đầu vào là cây đay, vì vậy thiết bị dây chuyền máy móc cũng được đầu tư trên cơ sở này.
Tuy nhiên, với thực tế vùng đay nhiên liệu tại địa phương èo uột, câu chuyện lo đầu vào cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam là không dễ.
Trước đó, khi buộc phải nhận lại Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cũng đã triển khai nhiều công việc, với mục tiêu đưa Nhà máy vào hoạt động như yêu cầu của Chính phủ.
Và trên thực tế, Nhà máy đã được đưa vào vận hành, nhưng trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là khâu sản xuất, chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là chặt mảnh không đạt chất lượng theo yêu cầu.
Bên cạnh một tổ khảo sát được thành lập với các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam, chuyên gia của nhà thầu Andritz đã được mời sang nghiên cứu sự cố để khắc phục. Đồng thời, Viện Công nghệ giấy và xenluylo cũng tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng.
Đáng buồn là, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định, không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.
“Vinapaco và Viện Công nghệ giấy và xenluylo - những đơn vị có kinh nghiệm nhất Việt Nam về sản xuất giấy - đã dày công nghiên cứu với mong muốn đưa nhà máy vào vận hành.
Họ cũng đã nghiên cứu để thay đổi nguyên liệu đầu vào, nhưng đành bó tay. Nếu muốn sản xuất bột từ gỗ và dăm mảnh trên cơ sở máy móc, công nghệ được đầu tư để sản xuất từ cây đay thì không thể làm được.
Trường hợp vẫn muốn làm bột giấy từ đầu vào là gỗ, dăm mảnh thì phải đổi sang máy móc khác”, ông Bảo nhận xét.
Đáng nói là, theo đánh giá của Bộ Công thương khi xem xét vấn đề thanh lý, thì thiết bị của Nhà máy là mới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng lại được nhà thầu cải tiến từ dây chuyền sử dụng nguyên liệu từ gỗ, lần đầu tiên được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới chưa có dây chuyền nào hoạt động.
“Bán bia kèm lạc” cũng không dễ dàng
Ông Bảo cho hay, nếu chỉ mua Nhà máy Bột giấy Phương Nam với mục tiêu đưa vào sản xuất để không lãng phí vốn đầu tư ban đầu thì không dễ dàng.
Trước hết, mức giá mua đay mà Vinapaco thực hiện hồi năm 2014 là 850 đồng/kg, thay vì mức 180 đồng/kg như khi lập dự án.
Nhưng giống đay này cũng có năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 30-35 tấn/ha. Với định mức tiêu thụ khoảng 6 tấn đay tươi/tấn bột, lượng đay thu mua được trong 2 năm 2012-2013 chỉ đủ cho Nhà máy chạy trong… 14 ngày!
Theo Vinapaco, trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Nghĩa là Nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho hay, để thanh lý Nhà máy Bột giấy Phương Nam, câu chuyện “bán bia kèm lạc” khi cổ phần hoá cả Vinapaco đã được tính tới. Hiện Vinapaco có 28 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 2 đơn vị sự nghiệp khoa học, 6 đơn vị hạch toán báo sổ, 2 công ty con và 16 công ty liên kết.
Năng lực sản xuất của Vinapaco đạt xấp xỉ 200.000 tấn bột giấy và 300.000 tấn giấy/năm. Quá trình sản xuất - kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy.
Theo Quyết định số 8829/QĐ-BCT của Bộ Công thương, vốn điều lệ sau cổ phần hoá của Vinapaco dự kiến là 2.395 tỷ đồng và doanh nghiệp này sẽ bán 51% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược. Phương thức được lựa chọn là thỏa thuận trực tiếp với giá bán không thấp hơn 10.300 đồng/cổ phần.
Theo các chuyên gia, trong các tài sản mà Vinapaco hiện sở hữu và quản lý có Công ty Giấy Bãi Bằng với vùng nguyên liệu diện tích khoảng 100.000 ha tại các tỉnh phía Bắc. “Những doanh nghiệp có đầu tư nhà máy bột giấy rất quan tâm tới vùng nguyên liệu lớn này bởi giúp chủ động và ổn định đầu vào”, ông Bảo nói.
Với thực tế trên, trong số những nhà đầu tư tiềm năng có thể mua cổ phần của Vinapaco, Geleximco - nhà đầu tư Dự án Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang) - đã được nhắc tới. Trong một cuộc làm việc mới đây với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho biết, đã rót 10.000 tỷ đồng đầu tư 2 nhà máy giấy.
Dự án đã được Chính phủ quy hoạch 165.000 ha rừng tại Tuyên Quang, trong khi chỉ cần 30.000 ha rừng là đủ nguyên liệu cho nhà máy.
“Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng nhà máy mới biết, không có “ngàn héc- ta” nào cả, chỉ có 500 ha rừng nhưng cũng bị dân chiếm gần hết.
Khi dân ồ ạt chặt cây mang bán, doanh nghiệp đã báo chính quyền huyện, xã, nhưng đều nhận được sự thờ ơ”, đại gia Vũ Văn Tiền nói và cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Công ty phải tập trung cán bộ lên để mua cây, đảm bảo cho nhà máy vận hành, bởi nếu không có nguyên liệu thì nhà máy sẽ đóng cửa.