Mang lại thu nhập tốt cho các tài xế, giá cước rẻ hơn các hãng taxi truyền thống nhưng Uber Việt Nam lại không hội tụ đủ những điều kiện kinh doanh vận tải và được coi là hoạt động kinh doanh trái pháp luật tại Việt Nam.
Mới đây, đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ ứng dụng và kết nổi vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber Việt Nam bị từ chối, trong khi Grab lại được chấp thuận. Sau đó, Bộ Giao Thông- Vận Tải gửi yêu cầu đến thanh tra giao thông TP HCM và Hà Nội tăng cường quản lý xe hợp đồng điện tử theo mô hình Uber, Grab.
Những thông tin liên tục về việc Uber có thể bị quản lý như taxi truyền thống khiến cánh lái xe đứng ngồi không yên. Xe của gia đình, kiếm tiền chủ yếu dựa vào hỗ trợ của doanh nghiệp, chạy không mào, không đồng hồ... là thói quen của những người tham gia mô hình Uber. Giờ đây, khi mọi việc có nguye cơ thay đổi, họ lúng túng không biết sẽ đương đầu ra sao.
Gần 2 năm chạy UberTaxi, anh Hùng, ngụ tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, anh đăng ký trở thành đối tác của Uber vì sẵn có xe ô tô 4 chỗ trong nhà. Trước khi chạy UberTaxi, người đàn ông này đã từng làm đối tác cho một mô hình vận chuyển khách lẻ khác.
"Tôi chuyển sang chạy UberTaxi vì nhận thấy công ty này cân bằng hơn giữa việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tài xế. Mỗi ngày, tôi kiếm được 1,5 - 2 triệu đồng. Sau khi trừ đi 20% doanh thu cho công ty và các khoản chi phí khác, thu nhập ổn định 700.000 - 1 triệu đồng/ ngày.
Khi đăng ký, tôi không biết Uber đang gặp rắc rối về vấn đề pháp lý. Tôi quan tâm nhiều hơn đến thu nhập, nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Hiện tại tôi vẫn ổn định làm việc, và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với công ty", anh Hùng cho hay.
Lái xe này cho biết thêm, cánh tài xế như anh không quan tâm nhiều đến việc Uber có gặp rắc rối về hoạt động ở Việt Nam hay không, bởi anh tin rằng công ty sẽ giải quyết được. Hơn nữa, nếu như trường hợp đó xảy ra, anh cũng không quan ngại đến vấn đề thất nghiệp. Anh Hùng đã chuẩn bị sẵn phương án dự phòng bằng cách đăng ký thêm để trở thành đối tác tại một đơn vị có mô hình tương tự khác.
Giống như anh Hùng, nhiều lái xe Uber khác cũng không nắm rõ các vấn đề pháp lý của mô hình kinh doanh này, nhất là tại địa bàn Hà Nội. Họ tỏ ra bất ngờ với thông tin GrabCar bị từ chối cấp phép hoạt động tại Đà Nẵng, và lo lắng về vấn đề thu nhập trước đề xuất quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống.
"Xe không có logo, không có nhãn hiệu taxi, rất giống xe gia đình nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Khi bị quản lý như taxi truyền thống, lượng khách hàng chắc chắn sẽ giảm bớt so với bây giờ và thu nhập sẽ vơi đi đáng kể. Hơn nữa, ngoài mục đích hành nghề, xe còn phục vụ nhu cầu của gia đình nên khi bị gắn logo rất bất tiện", anh Hùng chia sẻ.
Là một trong những khách hàng thân thiết của Uber, chị Trang, 34 tuổi cho biết lý do chị ưu tiên phương tiện này trong việc di chuyển hàng ngày là vì nó giống hệt xe gia đình.
"Tôi hay đặt UberTaxi vì nó giống xe gia đình nên rất thuận tiện. Nhưng nếu Uber bị quản lý như taxi truyền thống, bị gắn logo và nhãn hiệu, những khách hàng như tôi khi đặt Uber đi tiếp khách hay đi gặp đối tác lại rất bất tiện".