AI giúp tìm lại ảnh nạn nhân Thế chiến II

Hoài Vy |

Đối với nhiều người sống sót sau thảm họa Holocaust, hy vọng tìm thấy những bức ảnh còn sót lại của gia đình họ gần như không còn. Nhưng một kỹ sư của Google đã tìm ra cách xác định hình ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà Blanche Fixler sống sót qua thảm họa Holocaust nhờ dì của bà, người đã gửi bà đến trại trẻ mồ côi khi Đức quốc xã xâm chiếm châu Âu trong Thế chiến II. Mẹ, bà và hai anh chị của bà đã bị sát hại cùng với khoảng 450.000 người Do Thái khác trong trại tập trung Belzec ở Ba Lan, còn cha bà bị đưa đến một trại lao động ở Siberia.

AI giúp tìm lại ảnh nạn nhân Thế chiến II - Ảnh 1.

Bà Blanche Fixler, ở giữa hai đứa trẻ nhỏ, có thời gian trong trại tị nạn ở Pháp sau khi Thế chiến II kết thúc

Bà chuyển đến Mỹ sau chiến tranh, và tin rằng tất cả những kỷ vật gia đình bà đã không còn nữa, đặc biệt là sau khi căn hộ của gia đình bà ở Krakow bị Đức Quốc xã lục soát trong thời kỳ chiếm đóng. Bà Fixler, hiện 86 tuổi và sống ở New York, luôn ước mình có những bức ảnh thời thơ ấu.

“Từ con số đến tên tuổi”

Tháng 8/2022, bà nhận được một cú điện thoại khiến bà kinh ngạc: ai đó đã tìm thấy hai bức ảnh khi bà còn là một bé gái ở Pháp. Một trong những bức ảnh được chụp ngay sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó có dì và hai người em họ của bà. “Điều đó có ý nghĩa nhiều hơn bạn có thể hình dung được”, bà Fixler cho biết.

AI giúp tìm lại ảnh nạn nhân Thế chiến II - Ảnh 2.

Một bức ảnh khác của bà Fixler được ông Daniel Patt tìm thấy. Bà Fixler ở dưới cùng bên phải, đang ôm lấy một đứa trẻ khác

Cuộc gọi đến từ ông Daniel Patt, một kỹ sư phần mềm của Google và là người sáng lập trang web mang tên “From Numbers to Names” (Từ con số đến tên tuổi), sử dụng AI để giúp gia đình tìm lại những người thiệt mạng trong Holocaust qua ảnh cũ. “Thật không thể tin được là ông ấy đã tự mình làm điều tốt đẹp này”, bà Fixler nói. Ông Patt đã trao tận tay những bức ảnh cho bà ở New York vào tháng 10.

Trang web của ông Patt có liên kết đến các kho lưu trữ chứa khoảng 500.000 bức ảnh từ các bảo tàng như Yad Vashem- Trung tâm Tưởng niệm Holocaust Thế giới và Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Mỹ. Bất cứ ai cũng có thể tải lên một bức ảnh của nạn nhân hoặc người sống sót Holocaust lên trang web, và bức ảnh sẽ được so sánh với kho lưu trữ.

“Việc tìm kiếm có thể dẫn đến những bức ảnh chưa từng thấy trước đây của một người thân yêu. Đó là cách giúp người đó trở lại, và cảm thấy rằng họ vẫn ở bên chúng ta theo một cách nào đó”, ông Patt nói.

Sau khi ảnh được tải lên, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ tìm thấy 10 bức ảnh phù hợp nhất trong số các ảnh từ kho lưu trữ. “Mọi người có thể quét nhanh 34.000 ảnh trong kho lưu trữ trong khoảng năm giây”, ông Patt nói. Các yêu cầu đặc biệt cũng được thực hiện mỗi ngày một lần để so sánh khuôn mặt với tất cả 500.000 ảnh.

Theo Wikipedia, Holocaust (từ tiếng Hy Lạp holokaustos: holos - toàn bộ và kaustos - thiêu đốt), còn được biết đến với tên gọi Shoah (tiếng Hebrew: HaShoah - thảm họa lớn), là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái, bao gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em.

Một số nhà sử học sử dụng định nghĩa Holocaust còn bao gồm cả năm triệu nạn nhân không phải người Do Thái thiệt mạng vì các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã, qua đó nâng tổng số nạn nhân lên khoảng 11 triệu người. Hoạt động tàn sát diễn ra trên toàn Đức Quốc xã và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ông Patt đã tìm kiếm các bức ảnh của bà Fixler sau khi ông phát hiện ra một bài đăng trên Twitter từ Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Mỹ đề cập đến bà, trong đó có một bức ảnh cũ của bà với người dì. “Tôi quyết định đối chiếu ảnh qua trang web và tìm thấy hai bức ảnh thời Thế chiến thứ hai cho bà Blanche”, ông giải thích.

Vị cứu tinh

Bà Fixler nói rằng nhờ dì của bà, Rosa Berger, mà bà đã sống sót Holocaust. Bà được gửi đến sống với dì khi mới 4 tuổi sau khi người Do Thái ở khu ổ chuột Krakow bắt đầu bị đưa đến các trại tập trung. Gia đình Fixler trú ẩn trong một boong-ke dưới lòng đất.

“Mẹ tôi sợ tôi sẽ khóc và làm lộ mọi người, nên bà đã nhờ một người tốt bụng đưa tôi đến gặp dì của tôi, người đang sống với một cái tên giả”. Bà Fixler sống với dì ở ngoại ô Krakow cho đến khi chủ căn hộ của họ nói với chính quyền Đức rằng bà nghi ngờ bà Rosa Berger đang nuôi một đứa trẻ Do Thái. “Dì tôi có mái tóc vàng rất đẹp và nói tiếng Đức tốt nên họ không làm phiền dì”, bà nói. “Nhưng mọi người luôn hoài nghi về tôi”.

Binh lính Đức Quốc xã đã nhiều lần đến lục soát căn hộ của bà Berger, nhưng bà luôn tìm cách giấu cháu mình. Bà Flixer kể rằng, khi lên 6, dì của bà đã giấu bà bên dưới một chiếc chăn lông vũ và một tấm ván lớn bên trong giường. “Dì tôi sẽ dọn giường thật ngay ngắn, và tôi sẽ nằm đó dưới tấm ván, im lặng như tờ”, bà nói. “Tôi tự nhủ: Nếu mình thở to, hắt hơi hoặc ho, mình sẽ chết”.

Khi dì Rosa của bà nhận định rằng tình hình đã trở nên quá nguy hiểm, bà Fixler được chuyển đến các trại trẻ mồ côi ở Ba Lan, Hungary và Pháp. Một bức ảnh xuất hiện trong quá trình tìm kiếm của ông Patt cho thấy bà Fixler sống trong một trại tị nạn ở Barbizon, Pháp, sau khi Thế chiến II kết thúc. Bà được đoàn tụ với cha mình, và cả hai đã di cư đến Mỹ. Sau đó một thời gian, bà Berger cũng chuyển tới sống ở Mỹ.

“Dì là vị cứu tinh của tôi. Tôi sống sót nhờ dì”, bà Flixer nói. “Tôi rất biết ơn ông Daniel vì đã giúp tìm thêm nhiều bức ảnh về giai đoạn này của cuộc đời tôi”. Ông Patt cho biết ông rất vinh dự được giúp đỡ những người sống sót - và con cháu của họ - tìm ra những mối liên hệ quan trọng trong quá khứ. “Đây thường là những bức ảnh chưa từng thấy”, ông Patt nói. “Mỗi bức ảnh đều mang lại cảm giác gần gũi hơn với những người thân yêu của họ”.

Sinh viên góp sức

Ông Patt gần đây giúp nam diễn viên Josh Gad tìm thấy một bức ảnh cũ của bà ngoại ông là bà Evelyn Greenblatt, một người sống sót sau thảm họa Holocaust đã qua đời năm 2008. Ông tình cờ thấy một bài đăng trên Instagram mà Gad viết vào năm 2018 về ông bà của ông và quyết định tìm thêm manh mối.

Gad, được biết đến với các vai diễn trong phim “Frozen”, “Beauty and the Beast” và loạt phim hài “Avenue 5”, cho biết mẹ ông đã tự nghiên cứu và tìm thấy một bức ảnh khác có thể đã chụp bà Greenblatt hồi còn trẻ. “Đó là một bức ảnh mà mẹ tôi đã tìm thấy, nhưng nó quá mờ đến mức chúng tôi không thể xác định đó có phải là bà tôi hay không”, Gad cho biết.

Từ đó, ông Patt sử dụng trang web của mình và tìm thấy một phiên bản rõ hơn của bức ảnh nam diễn viên đã thắc mắc. “Tôi và gia đình đã rơi nước mắt khi ông Daniel nói với chúng tôi về bức ảnh”, Gad nói. “Nhìn thấy những hình ảnh này giống như quay ngược thời gian vậy. Tôi đã có thể thấy bà mình khi còn trẻ, như thể bức ảnh mới được chụp hôm qua”.

Bức ảnh bà Greenblatt đeo huy hiệu Do Thái do Đức Quốc xã ép buộc cũng khiến trái tim Gad nặng trĩu. “Bức ảnh này của bà được chụp trong khu ổ chuột của người Do Thái, ngay trước khi bà bị gửi đến trại”, ông nói. “Cuộc sống của bà sắp sửa thay đổi mãi mãi, vì bà sẽ phải chịu đựng những điều khủng khiếp như vậy”.

Nam diễn viên cho biết mỗi ngày ông đều biết ơn vì bà mình đã sống sót và có thể tiếp tục một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. “Vì Holocaust, nhiều người trong chúng ta đã bị cướp đi cơ hội nhìn thấy hình ảnh gia đình mình”, ông nói. “Nhờ có ông Daniel và công nghệ mới này, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đóng khung những bức ảnh mà thời kỳ hủy diệt và đau thương này có thể đã cướp đi vĩnh viễn”.

Ông Patt hiện dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình cho “From Numbers to Names”, với sự giúp đỡ từ khoảng một chục tình nguyện viên. Gần đây, ông nhận được một khoản trợ cấp để triển khai một dự án giáo dục cho phép sinh viên thu thập thêm ảnh cho các gia đình.

“Mục tiêu là để sinh viên giúp chúng tôi so sánh tất cả gần 500.000 bức ảnh được lưu trữ trực tuyến với nhau, với hy vọng có thể tìm thêm những cái tên cho các khuôn mặt”, ông Patt nói. Theo ông, càng dành nhiều thời gian cho những bức ảnh, dự án càng có tác động càng lớn đối với chính ông. “Tìm đúng từ để miêu tả những gì đã xảy ra trong thời kỳ Holocaust là điều rất khó khăn”, ông nói. “Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn họ là những con người, thay vì những con số, và chia sẻ những bức ảnh này với mọi người”.

Theo independent.co.uk

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại