Ai đã tẩy xóa các bức thư của hoàng hậu Marie Antoinette?

Hoàng Nam |

Sử dụng công nghệ tia X, các nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời đầy bất ngờ.

Vào cuối năm 1791 và đầu năm 1792, trước cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp, hoàng hậu Marie Antoinette đã trao đổi thư từ bí mật với người bạn tâm giao, và có thể là người tình của mình, bá tước Thụy Điển Axel von Fersen. Gần 50 bức thư từ cuộc trao đổi đó được lưu lại tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Pháp. 

Nhưng một số đoạn trong số 15 bức thư không thể đọc được, do bị những nét xoáy mực đen ghi đè lên. Giờ đây, sử dụng công nghệ tia X, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ những dòng chữ bên dưới những phần bị che đi này. Họ cũng đã phát hiện ra danh tính của người đã tìm cách tẩy xóa: chính là von Fersen.

Ai đã tẩy xóa các bức thư của hoàng hậu Marie Antoinette? - Ảnh 1.
Ai đã tẩy xóa các bức thư của hoàng hậu Marie Antoinette? - Ảnh 2.

Công nghệ tia X đã tiết lộ nội dung những đoạn chữ bị ghi đè lên trong các bức thư trao đổi giữa Marie Antoinette và bá tước Axel von Fersen, bao gồm đoạn này trong một bức thư tháng 1/1792 do hoàng hậu Pháp viết.

Catriona Seth, giáo sư văn học Pháp tại Đại học Oxford, người không liên quan đến nghiên cứu mới, cho biết, việc chính von Fersen làm ra các vết tẩy xóa là một phát hiện quan trọng. Các nhà sử học vốn nghĩ rằng những bức thư đã bị tẩy xóa vào nửa sau của thế kỷ 19 - rất có thể bởi cháu trai của von Fersen - để bảo vệ danh tiếng của người viết. Giờ đây, Seth nói, các học giả cần phải suy nghĩ lại về các vết tẩy xóa và lý do đằng sau nó.

Von Fersen và Marie Antoinette bắt đầu làm bạn sau lần gặp nhau tại Cung điện Versailles vào năm 1774, và mối quan hệ thân thiết của họ trong những năm sau đó đã kéo theo những đồn đoán tiếp tục cho đến ngày nay. Von Fersen cũng là một đồng minh chính trị, giúp tổ chức kế hoạch đưa hoàng gia Pháp trốn thoát đến Varennes, vào tháng 6/1791.

Sau khi kế hoạch đó thất bại, Marie Antoinette và chồng của bà, Vua Louis XVI, bị canh giữ chặt chẽ, nhưng hoàng hậu vẫn cố gắng gửi thư đến và nhận thư từ von Fersen vào cuối năm 1791 và đầu năm 1792. Bá tước von Fersen đã lưu giữ, và về sau sao chép lại, những bức thư bí mật này. Sau khi nữ hoàng bị chặt đầu vào tháng 10/1793, gia đình của ông đã giữ lại rất nhiều bức trong số đó. Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Pháp đã mua bộ sưu tập này vào năm 1982.

Nhưng trước khi bộ sưu tập thư đến tay các cơ quan lưu trữ, 15 bức thư giữa von Fersen và Marie Antoinette đã bị một nhà kiểm duyệt bí ẩn ghi đè mực lên hàng chục đoạn. Vào những năm 1990, các nhà sử học đã cố gắng đọc những chữ bên dưới những nét xoáy, nhưng gần như không thể. Năm 2014, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã đưa Anne Michelin, một nhà phân tích tài liệu, đến để thử lại.

Michelin, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp, đã dành 1 năm thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau để đọc văn bản bên dưới vết mực đè. 

Cuối cùng, Michelin xác định, kỹ thuật khả thi nhất là quang phổ huỳnh quang tia X, một phương pháp không phá hủy, sử dụng bức xạ tia X để phân tích thành phần nguyên tố của một mẫu - trong trường hợp này là mực của bản gốc và mực ghi đè. Đến năm 2018, Michelin mới có thiết bị cần thiết, sau đó, phải mất thêm một năm làm việc chăm chỉ trước khi tìm ra những đoạn chữ bị mất đầu tiên.

Để tìm ra những chữ này, trước tiên, Michelin và các đồng nghiệp của cô đã sử dụng tia X để cô lập và lập bản đồ các nguyên tố khác nhau trong mực, bao gồm đồng, sắt và kẽm. Sau đó, họ sử dụng một nguyên tố để phân biệt mực được sử dụng trong văn bản gốc và mực được sử dụng để ghi đè. 

Ví dụ: nếu mực trong văn bản gốc chứa đồng và phần ghi đè không chứa đồng, thì sẽ rất dễ xác định nét chữ gốc bị che đi - như trường hợp của một đoạn văn bản gốc trong đó Marie Antoinette viết “không thể thiếu ngài”.

Nhưng phần lớn các đoạn chữ và đoạn ghi đè trong thư không đơn giản như vậy. Các loại mực thường quá giống nhau, chỉ cô lập một nguyên tố duy nhất là không đủ để xác định toàn bộ các đoạn chữ bị che. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã phải tìm ra “công thức” mực của các đoạn khác nhau, cụ thể là phân tích tỷ lệ khác nhau của các nguyên tố giữa hai lớp mực. (Đối với 7 lá thư, các loại mực giống nhau đến mức thậm chí phương pháp này cũng không tìm ra được văn bản gốc.)

Thành phần hóa học của mực cũng thường thay đổi giữa các lá thư, thậm chí trong một lá thư. Đôi khi các nhà nghiên cứu phải sử dụng các công thức tỷ lệ khác nhau từ đoạn văn này sang đoạn văn tiếp theo hoặc từ từ này sang từ tiếp theo, Michelin nói. Sau nhiều giờ trong phòng thí nghiệm, họ đã đọc được tổng cộng 45 đoạn văn bị ghi đè trong 8 lá thư, nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Science Advances.

Uwe Bergmann, nhà vật lý tại Đại học Wisconsin, Madison, người đã giúp phát triển kỹ thuật huỳnh quang tia X được sử dụng để đọc các palimpest lịch sử - hay các bản thảo trong đó văn bản mới được viết đè lên văn bản cũ, nói: “Đây là một nghiên cứu tuyệt vời. Tôi thực sự đánh giá cao những nỗ lực mà họ đã bỏ ra.”

Khi von Fersen thực hiện sao chép các lá thư, về sau ông đã chuyển sang sử dụng các loại mực mới hơn. Nhưng loại mực mà ông sử dụng để sao chép các bức thư giống với loại mực được sử dụng để ghi đè các bức thư trước đó, cho thấy chính von Fersen là người đã ghi đè để che đi một số dòng chữ. 

“Tôi ngạc nhiên trước phát hiện này,” Michelin nói. (Động cơ của von Fersen không rõ ràng, nhưng các tác giả nghiên cứu suy đoán, có thể ông đã che văn bản để bảo vệ danh dự của hoàng hậu.)

Những đoạn mới đọc được phần lớn là các đoạn thể hiện tình cảm, những cụm từ như "làm trái tim tôi hạnh phúc" và "người mà tôi yêu." Trong khi đó, các bình luận về chính trị và các sự kiện thế giới không bị ghi đè. Nhưng ngay cả những cụm từ có vẻ thân mật này cũng không phải là điều gì mới về mối quan hệ giữa Marie Antoinette và von Fersen, Seth nói.

Các học giả đã biết Marie Antoinette có "một tình cảm rất sâu đậm với von Fersen." Tuy nhiên, Seth nói thêm, những nội dung khôi phục được cung cấp "cái nhìn sâu sắc trực tiếp về suy nghĩ và cảm xúc của Marie Antoinette."

Các nhà nghiên cứu cho biết trong tương lai, các kỹ thuật ày có thể được sử dụng kết hợp với các thuật toán máy học để làm hiển thị các văn bản cũ, giúp tìm hiểu nhiều tài liệu quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại