Ai cũng tưởng những bộ phận này vô dụng, nhưng hóa đây là vai trò của chúng

Oct |

Cơ thể người là cỗ máy hết sức kỳ lạ. Mọi bộ phận đều có vai trò riêng của nó, dù là hiện tại hay quá khứ.

Cơ thể con người là một cỗ máy hết sức tuyệt vời. Từng bộ phận sinh ra là để kết hợp với nhau, giúp chúng ta hoạt động thật nhịp nhàng qua từng thời điểm.

Nhưng tạo hóa đôi khi cũng giống như một trò đùa, khi để lại cho chúng ta một số bộ phận chẳng rõ lý do tồn tại của chúng là gì.

1. Ruột thừa

Ruột thừa có lẽ là một trong những bộ phận gây tranh cãi nhiều nhất. Đó là một đoạn ruột nhỏ bị bịt kín, nối với manh tràng (đoạn đầu của ruột già).

Ai cũng tưởng những bộ phận này vô dụng, nhưng hóa đây là vai trò của chúng - Ảnh 1.

Lý do đoạn ruột này được gọi là "thừa" là vì nó chẳng có vai trò gì, trong khi các đoạn ruột bình thường khác là để luân chuyển thức ăn. Thậm chí, nó còn dễ bị viêm nhiễm nguy hiểm, dẫn đến tử vong. Đó là lý do người ta thường tiện tay cắt luôn ruột thừa khi phải phẫu thuật, chẳng cần biết nó có viêm hay không.

Tuy vậy, một số nghiên cứu gần đây lại cho rằng ruột thừa đóng vai trò nhất định trong quá trình tiến hóa của con người. Theo đó, đoạn ruột này chịu trách nhiệm nuôi dưỡng một số lợi khuẩn, giống như một đội quân dự phòng nhằm chống lại dị khuẩn từ bên ngoài.

2. Cái lỗ kỳ lạ trên tai

Ai cũng tưởng những bộ phận này vô dụng, nhưng hóa đây là vai trò của chúng - Ảnh 2.

Thử soi gương xem bạn có cái lỗ này trên tai không? Nếu có thì bạn rất đặc biệt đấy, vì chỉ 2% dân số thế giới có nó thôi.

Cái lỗ này được gọi là rò luân nhĩ (preauricular sinus), do Van Heusinger ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1864. Theo Heusinger, đây thực chất là một dị tật bẩm sinh, thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, tạo một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong để bám vào màng sụn.

Mục đích tồn tại của cái lỗ này chưa có câu trả lời cụ thể. Ở thời điểm hiện tại, nó chẳng có công dụng gì, lại dễ gây viêm nhiễm nếu bị bít tắc. Tuy nhiên, một số nhà khoa học - trong đó có Neil Shubin - nhà cổ sinh vật học tiến hóa người Mỹ - thì cho rằng đây có thể là dấu hiệu còn sót lại của mang cá, cho thấy rằng con người thực sự đã tiến hóa từ một loài thuỷ sinh.

3. Hiện tượng tay nhăn nheo khi ngâm nước 

Ai cũng tưởng những bộ phận này vô dụng, nhưng hóa đây là vai trò của chúng - Ảnh 3.

Hồi nhỏ mỗi lần vầy nước lâu, bạn hẳn sẽ nhận thấy ngón tay của mình sun lại, nhăn nheo hẳn. Lúc lớn lên, hiện tượng này... vẫn thế, chỉ khác là chúng ta thường không ngâm nước lâu đến mức để nó xảy ra.

Nhưng mục đích của hiện tượng này là gì? Tưởng như vô dụng, nhưng hóa ra lại có tác dụng không tưởng.

Các nhà khoa học đã thực hiện một số thí nghiệm và nhận ra rằng, việc để ngón tay nhăn nheo sẽ giúp con người dễ dàng cầm nắm vật dụng dưới nước hơn. Điều này chứng tỏ đây là một cơ chế tiến hóa, dành riêng cho những người phải làm việc lâu trong nước (như thợ lặn chẳng hạn).

4. Một loạt ADN "rác"

Bạn biết không, trong cơ thể người có đến... vài tỉ ADN, nhưng phần lớn trong số đó dường như chẳng có tác dụng gì. Chúng được gọi là các ADN rác.

Chúng không tạo ra protein, thậm chí còn khá nhạy cảm, dễ khiến cơ thể chịu tổn thương. Vậy mục đích tồn tại của chúng là gì?

Theo một nghiên cứu gần đây, hóa ra chúng có một vai trò cực kỳ quan trọng, đó là cố định các đoạn gene của chúng ta. Các nhiễm sắc thể được giữ bên trong nhân tế bào một cách chuẩn xác, tất cả là nhờ số ADN rác này.

5. Và phần màu hồng quái đản trong mắt

Ai cũng tưởng những bộ phận này vô dụng, nhưng hóa đây là vai trò của chúng - Ảnh 4.

Thử vạch mắt và soi vào gương xem, bạn sẽ thấy một cái màng màu đỏ hết sức kỳ lạ ở góc trong mắt.

Khoa học đặt tên cho bộ phận này là plica semilunaris, còn tên thường gọi là mí mắt thứ 3. Bên trong mí mắt này có chứa những tế bào giúp con người chảy nước mắt, thế nên chức năng của nó thường được xem là để bảo vệ mắt, duy trì độ ẩm cho nhãn cầu.

Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì tuyến lệ còn làm việc này tốt hơn nhiều. Thậm chí trên thực tế, lớp mí mắt này gần như không thực sự có tác dụng. Vậy chính xác lý do tồn tại của nó là gì?

Một số giả thuyết cho rằng đây là sản phẩm còn sót lại của quá trình tiến hóa, và là bằng chứng cho thấy con người từng có một mí mắt thứ 3 giống như các loài chim, thằn lằn và một số loài thú hiện nay.

Cụ thể hơn, các loài vật này có một lớp mí mắt đóng vai trò như một cánh cửa kéo ngang. Quá trình đóng mở cánh cửa này được gọi là "nictitating membrane", giúp các loài vật tạo thành một lớp màng chắn bảo vệ mắt khỏi ánh Mặt trời (như kính râm), hoặc trở thành "kính bơi" khi chúng xuống nước. Chưa hết, mí mắt thứ 3 cũng là một công cụ làm sạch mắt vô cùng hữu hiệu.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại