Mối quan hệ của nước Mỹ đối với quyền sở hữu súng là duy nhất và văn hóa sử dụng súng của nước này là một ngoại lệ toàn cầu.
Khi con số tử vong liên quan đến súng tiếp tục tăng lên hàng ngày, đây là một cái nhìn tổng quan về văn hóa sử dụng súng ở Mỹ so với phần còn lại của thế giới.
So sánh quyền sở hữu súng trên toàn cầu
Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng vũ khí cá nhân (vũ khí thuộc sở hữu cá nhân) đông hơn số dân.
Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không quốc gia nào có nhiều vũ khí cá nhân hơn số dân như ở Mỹ.
So sánh cho thấy sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sở hữu súng tại Mỹ và Quần đảo Falkland- nơi có kho vũ khí cá nhân tính theo đầu người lớn thứ hai thế giới. Ảnh: CNN.
Quần đảo Falkland - một vùng lãnh thổ của Anh ở Tây Nam Đại Tây Dương, do Argentina tuyên bố chủ quyền và là đối tượng của cuộc chiến năm 1982 - là nơi có kho vũ khí cá nhân tính theo đầu người lớn thứ hai thế giới. Nhưng với ước tính 62 khẩu súng trên 100 người, tỷ lệ sở hữu súng của nước này cũng chỉ bằng gần một nửa so với Mỹ. Yemen - quốc gia đang hứng chịu cuộc xung đột kéo dài 7 năm - có tỷ lệ cá nhân sở hữu súng cao thứ ba với 53 khẩu trên 100 người.
Trong khi để thống kê chính xác số lượng vũ khí cá nhân là rất khó do nhiều yếu tố, bao gồm vũ khí chưa đăng ký, buôn bán bất hợp pháp và xung đột toàn cầu, các nhà nghiên cứu của SAS ước tính rằng, người Mỹ sở hữu 393 triệu trong số 857 triệu vũ khí cá nhân hiện có, chiếm khoảng 46% số súng dân dụng trên thế giới.
Theo một cuộc khảo sát của Gallup vào tháng 10/2020, khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ sống trong một hộ gia đình có súng và khoảng 1/3 sở hữu một khẩu súng.
Theo Giáo sư Zachary Elkins tại Đại học Texas ở Austin, một số quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao do trữ lượng bất hợp pháp từ các cuộc xung đột trong quá khứ hoặc hạn chế lỏng lẻo về quyền sở hữu, nhưng Mỹ là một trong ba quốc gia trên thế giới, quyền sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp.
Tuy nhiên, so sánh tỷ lệ sở hữu súng ở hai quốc gia còn lại là Guatemala và Mexico, tỷ lệ chỉ gần bằng 1/10 của Mỹ.
Tuy nhiên, Giáo sư Elkins cho rằng, những tranh cãi về súng ở những quốc gia này ít bị chính trị hóa hơn. Trái ngược với Mỹ, hiến pháp của Guatemala và Mexico tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh, các nhà lập pháp có thể dễ xoay chuyển hơn nếu muốn hạn chế súng, đặc biệt là do lo ngại về tội phạm có tổ chức. Ở Mexico, chỉ có một kho súng duy nhất trên toàn quốc và do quân đội kiểm soát.
Ở Mỹ, việc chế tạo súng đang gia tăng khiến nhiều người Mỹ mua súng hơn.
Theo Cục quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ Mỹ (ATF), năm 2018, các nhà sản xuất súng đã sản xuất 9 triệu khẩu súng tiêu thụ trong nước - nhiều hơn gấp đôi so với số lượng sản xuất trong năm 2008. Gần đây hơn, tháng 1/2021 đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2013 về yêu cầu kiểm tra lý lịch liên bang cần thiết để mua súng - tăng gần 60% so với tháng 1/2020.
Và vào tháng 3/2021, FBI đã báo cáo gần 4,7 triệu lượt kiểm tra nhân thân - nhiều nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi từ hơn 20 năm trước. Hai triệu trong số đó dành cho việc mua súng mới, khiến đây là tháng cao thứ hai trong kỷ lục về doanh số bán súng, theo Liên đoàn Thể thao Bắn súng Quốc gia.
Từ năm 2019, tỷ lệ người chết liên quan đến súng ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada. Ảnh: CNN.
Mỹ có tỷ lệ người chết vì súng cao nhất trong các nước phát triển
Năm 2019, số người chết vì bạo lực súng đạn ở Mỹ là khoảng 4/100.000 người. Con số này cao gấp 18 lần tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tiếp cận với súng góp phần làm tăng tỷ lệ các vụ giết người liên quan đến súng.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, sẽ có ít tội phạm hơn nếu nhiều người sở hữu súng hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ở những nơi mọi người dễ dàng tiếp cận với súng, các ca tử vong liên quan đến súng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, bao gồm cả do tự sát, tội phạm và thương tích không chủ ý.
Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác khi tính trên đầu người. Theo dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá Y tế (IHME) từ năm 2019, tỷ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada, quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ 7 trên thế giới; cao hơn 22 lần so với Liên minh châu Âu và 23 lần so với Australia.
Theo số liệu của IHME, tỷ lệ người chết liên quan đến súng ở Washington DC - cao nhất so với bất kỳ bang hoặc hạt nào của Mỹ - gần bằng với Brazil, quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về các vụ giết người liên quan đến súng.
Trên toàn cầu, các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe phải hứng chịu tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất, trong đó El Salvador, Venezuela, Guatemala, Colombia và Honduras đứng đầu bảng.
Các hoạt động của các băng đảng ma túy và sự hiện diện của súng đạn từ các cuộc xung đột trước đây là những nguyên nhân chủ yếu, theo nghiên cứu về Tỷ lệ tử vong do súng đạn toàn cầu năm 2018.
Nhưng bạo lực liên quan đến súng ở Mỹ Latinh và Caribe cũng trở nên trầm trọng hơn do vũ khí đến từ Mỹ. Theo báo cáo của chính phủ Mexico vào tháng 2/2021, khoảng 200.000 khẩu súng từ Mỹ đã "vượt biên" vào Mexico.
Vào năm 2019, khoảng 68% súng bị lực lượng thực thi pháp luật ở Mexico thu giữ và gửi đến ATF để nhận dạng đã được truy xuất có nguồn gốc từ Mỹ. Và khoảng một nửa số súng mà ATF đã kiểm tra sau khi chúng bị thu giữ ở Belize, El Salvador, Honduras và Panama được sản xuất hoặc nhập khẩu chính thức từ Mỹ.
Mỹ là nơi sinh sống của 4% dân số thế giới nhưng chiếm tới 44% số vụ tự sát bằng súng vào năm 2019. Ảnh: CNN.
Mỹ là nơi sinh sống của 4% dân số thế giới nhưng chiếm tới 44% số vụ tự sát bằng súng vào năm 2019. Nước này ghi nhận số vụ tự tử liên quan đến súng nhiều nhất trên thế giới hàng năm từ 1990 đến 2019.
Một nghịch lý là trong khi an toàn cá nhân trở thành lý do quan trọng nhất khiến nhiều người Mỹ muốn sở hữu một khẩu súng, thì có tới 63% các trường hợp thương vong liên quan đến súng ở Mỹ là do tự gây ra.
Vào năm 2019, hơn 23.000 người Mỹ đã chết vì những vết thương tự gây ra do súng. Con số này chiếm 44% số vụ tự tử bằng súng trên toàn cầu và cao hơn tổng số vụ tự sát ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Cứ 100.000 người thì có 6 vụ tự sát bằng súng đạn, tỷ lệ tự tử ở Mỹ trung bình cao gấp 7 lần so với các quốc gia phát triển khác. Trên toàn cầu, tỷ lệ ở Mỹ chỉ thấp hơn ở Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với tỷ lệ sở hữu súng tương đối cao (22 khẩu trên 100 người).
Nhiều nghiên cứu đã báo cáo mối liên quan giữa việc sở hữu súng và các vụ tự tử liên quan đến súng.
Một trong những nghiên cứu của Đại học Stanford, phát hiện ra rằng, những người đàn ông sở hữu súng ngắn có nguy cơ tử vong vì vết thương do súng tự gây ra cao gấp 8 lần so với những người đàn ông không sở hữu súng. Phụ nữ sở hữu súng ngắn có nguy cơ tử vong do tự sát bằng súng cao gấp 35 lần so với những người không sở hữu. Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020, dựa trên số liệu khảo sát từ 26 triệu cư dân California trong khoảng thời gian hơn 11 năm.
Đứng đầu về các vụ xả súng hàng loạt
Một nửa các quốc gia phát triển trên thế giới đã có ít nhất một vụ xả súng công khai từ năm 1998 đến năm 2019. Nhưng không quốc gia nào khác chứng kiến nhiều hơn 8 vụ trong 22 năm, trong khi Mỹ có hơn 100 vụ, với gần 2.000 người thiệt mạng hoặc bị thương.
Các vụ xả súng hàng loạt diễn ra thường xuyên là một hiện tượng dường như chỉ diễn ra tại Mỹ. Theo ông Jason R. Silva, trợ lý Giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra các vụ xả súng hàng loạt mỗi năm trong 20 năm qua.
Để so sánh giữa các quốc gia, ông Silva sử dụng một định nghĩa về một vụ xả súng hàng loạt như sau: Một sự kiện khiến 4 người trở lên thiệt mạng, không bao gồm kẻ xả súng và loại trừ hoạt động tội phạm vì lợi nhuận, giết gia đình và bạo lực do nhà nước bảo trợ. Từ định nghĩa trên, ở Mỹ đã có 68 người thiệt mạng và 91 người bị thương trong 8 vụ xả súng công khai ở Mỹ chỉ trong năm 2019.
Tuy nhiên, với một định nghĩa rộng hơn về các vụ xả súng hàng loạt, con số cho thấy thậm chí còn cao hơn. Cơ quan thống kê Bạo lực Súng, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC định nghĩa, một vụ xả súng hàng loạt là một sự cố khiến ít nhất 4 người chết hoặc bị thương, không bao gồm kẻ xả súng và không phân biệt nạn nhân là ai.
Như vậy, với định nghĩa này, có tới 417 vụ xả súng hàng loạt trong năm 2019 và 641 vụ đã được ghi nhận trong năm nay.
Các chính sách về súng của chính quyền cũng đóng một vai trò nào đó. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Y học Anh cho thấy rằng, các bang của Mỹ có luật sử dụng súng dễ dàng hơn và sở hữu súng nhiều hơn có tỷ lệ xả súng hàng loạt cao hơn.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gia hạn các lời kêu gọi cải cách chính sách về súng đạn sau các vụ xả súng hàng loạt ở Colorado, Nam Carolina và Texas trong năm nay. Vào tháng Ba, Hạ viện đã thông qua luật yêu cầu người bán phải kiểm tra lý lịch liên bang của khách hàng trước khi bán súng và để đảm bảo rằng người mua được kiểm tra đầy đủ trước khi sở hữu súng.
Tuy nhiên, các dự luật hiện đang bị mắc kẹt tại Thượng viện, nơi bất chấp một số nỗ lực của đảng Dân chủ, không có dấu hiệu nào cho thấy đảng này có số phiếu để vượt qua 60 phiếu.
Trong nhiều thập kỷ, các rào cản chính trị đã làm đình trệ những nỗ lực như vậy ở Mỹ. Theo khảo sát của April Pew, sự chia rẽ đảng phái này cũng được phản ánh trong dân chúng, với 80% đảng viên Cộng hòa và 19% đảng viên Dân chủ cho rằng, Luật súng ở nước này là đúng hoặc cần nới lỏng hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington đã trình bày lập luận này trước Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ vào năm 2018, cho rằng, chính phủ Mỹ "thất bại" trong việc ngăn chặn và giảm bạo lực liên quan đến súng đạn.
Các cơ quan của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh những lo ngại này khi "lên án" các quy định cho phép cá nhân sở hữu súng ở ít nhất 25 bang, sử dụng vũ lực chết người trong bất kỳ tình huống nào mà họ tin rằng họ phải đối mặt với một mối đe dọa sắp xảy ra mà không cần thực hiện bất kỳ hành động cảnh báo nào trước đó...
Một báo cáo năm 2019 của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết, luật này có thể khuyến khích mọi người ứng phó với các tình huống bằng cách nổ súng, thay vì sử dụng nó như một biện pháp cuối cùng.
10 năm sau khi có những thay đổi về Luật sử dụng súng, số người chết vì súng ở Australia đã giảm hơn 50%. Ảnh: CNN.
Tỷ lệ tử vong liên quan đến súng giảm khi siết lại luật
Trong khi đó, ở các quốc gia đưa ra luật giảm thiểu tử vong liên quan đến súng đã đạt được những thay đổi đáng kể.
Sau một thập kỷ bạo lực súng đạn, đỉnh điểm là vụ thảm sát ở Port Arthur năm 1996, đã khiến chính phủ Australia phải hành động.
Chưa đầy hai tuần sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất ở Australia, chính phủ liên bang đã thực hiện một chương trình mới, cấm súng trường bắn nhanh và súng ngắn, đồng thời thống nhất việc cấp phép và đăng ký chủ sở hữu súng trên toàn quốc. Trong 10 năm sau đó, số người chết vì súng ở Australia đã giảm hơn 50%.
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy, chương trình mua lại súng năm 1997 của chính phủ đã làm giảm tỷ lệ tự sát bằng súng trung bình là 74% trong 5 năm sau đó.
Các quốc gia khác cũng đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn sau khi thay đổi luật về sở hữu súng đạn của họ. Ở Nam Phi, số ca tử vong liên quan đến súng gần như giảm một nửa trong khoảng thời gian 10 năm sau khi luật mới về súng được ban hành, Đạo luật Kiểm soát Vũ khí năm 2000, có hiệu lực vào tháng 7/2004. Các luật mới khiến việc mua súng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ở New Zealand, luật về súng đã nhanh chóng được sửa đổi sau vụ xả súng ở nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm 2019. Chỉ 24 giờ sau vụ tấn công khiến 51 người thiệt mạng, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố sẽ thay đổi luật. Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu gần như nhất trí sửa đổi luật về sở hữu súng đạn của nước này chưa đầy một tháng sau đó, cấm tư nhân sử hữu tất cả các loại vũ khí quân dụng bán tự động.
Nước Anh thắt chặt luật súng và cấm hầu hết các tư nhân sở hữu súng ngắn sau một vụ xả súng hàng loạt vào năm 1996, một động thái khiến số người chết vì súng giảm gần 1/4 trong hơn một thập kỷ.
Vào tháng 8/2021, một người được cấp phép sử dụng súng đã giết chết 5 người ở Plymouth, Anh, đã đánh dấu vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Sau vụ việc, cảnh sát cho biết, giấy phép sử dụng súng của tay súng đã được trả lại cho anh ta chỉ vài tháng sau khi bị thu hồi.
Chính phủ Anh sau đó đã yêu cầu cảnh sát xem xét lại các hoạt động cấp phép của họ và nói rằng, sẽ đưa ra hướng dẫn mới để cải thiện các thủ tục lý lịch, bao gồm cả việc kiểm tra thái độ cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội.
Như vậy, có thể thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã giải quyết bạo lực súng đạn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của Pew, bất chấp hàng nghìn người thiệt mạng ở Mỹ, chỉ có khoảng một nửa số người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ việc xiết chặt các quy định về sở hữu súng và như thế, những cải cách chính trị vẫn còn bế tắc.
Chu kỳ bạo lực chết chóc dường như vẫn tiếp diễn.
CNN đã đưa ra những số liệu trên như thế nào?
Đối với tỷ lệ sở hữu súng, CNN dựa vào Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS), một dự án của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Sau đại học ở Geneva, Thụy Sĩ. Nó ước tính kho vũ khí dân sự bằng cách sử dụng kết hợp số liệu đăng ký và bán súng, khảo sát công khai, ước tính của chuyên gia và so sánh xuyên quốc gia. Tỷ lệ sở hữu súng trên 100 người không giống với tỷ lệ số người sở hữu súng, vì một số có thể sở hữu nhiều súng và những người khác có thể không sở hữu.
Đối với tổng số và tỷ lệ tử vong do súng đạn, CNN đã sử dụng cơ sở dữ liệu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Viện Đo lường và đánh giá Y tế (IHME) tại Đại học Washington biên soạn. Những cái chết liên quan đến súng bao gồm bạo lực thể xác (giết người), tự làm hại bản thân (tự sát) và thương tích không chủ ý. Mặc dù tỷ lệ được ưu tiên hơn khi so sánh giữa các quốc gia, trong trường hợp các vụ tự tử, CNN đã minh họa tổng số để làm nổi bật khoảng cách giữa Mỹ và các quốc gia khác.
Khi so sánh số liệu thống kê của Mỹ với các nước phát triển khác, CNN đã sử dụng một định nghĩa của Liên hợp quốc trong báo cáo Triển vọng và tình hình Kinh tế thế giới của Liên hợp quốc - định nghĩa "phản ánh các điều kiện kinh tế cơ bản của quốc gia" và không hoàn toàn phù hợp với phân loại của Bộ phận Thống kê Liên hợp quốc được gọi là M49.
Để ước tính con số về các vụ xả súng hàng loạt, bao gồm các vụ nổ súng, số người chết và bị thương ở Mỹ, CNN dựa vào dữ liệu từ Cơ quan lưu trữ về bạo lực súng. Để có thể so sánh quốc tế cho câu chuyện này, CNN cũng sử dụng dữ liệu do ông Jason R. Silva, trợ lý Giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, biên soạn. Định nghĩa của ông Silva hẹp hơn so với CNN và GVA vì nó loại trừ các vụ việc liên quan đến hoạt động tội phạm vì lợi nhuận, tội giết gia đình và bạo lực do nhà nước bảo trợ.