Vân Đồn là một huyện đảo nằm ở phía đông và đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 2.171 km2, trong đó diện tích đất tự nhiên là 551 km2, diện tích vùng biển là 1.620 km2. Huyện có 600 đảo, trong đó 2 đảo lớn nhất là đảo Cái Bầu và đảo Trà Bản. Từ thời Lý, Vân Đồn đã là một thương cảng có nhiều thuyền buôn châu Á, châu Âu đến trao đổi hàng hoá. Trong ảnh là trung tâm thị trấn Cái Rồng.
Trước đây, huyện đảo được kết nối với đất liền qua cầu Vân Đồn trên tỉnh lộ 334. Vài năm gần đây, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (2019) và tuyến Vân Đồn - Móng Cái (2022) được đưa vào sử dụng đã làm giao thông trên đảo thuận tiện hơn.
2 cây cầu Cẩm Hải, Cẩm Tiên được xây dựng khiến việc đi từ Vân Đồn đến Hạ Long hay Móng Cái đều trở nên nhanh chóng. Không những thế, thời gian đi từ Vân Đồn đến Hà Nội cũng chỉ còn hơn 2 giờ.
Sân bay có công suất 2,5 triệu khách và 10.000 tấn hàng hoá mỗi năm. Đường băng sân bay dài 3,6 km, rộng 45 m, đủ tiêu chuẩn đón những máy bay tiên tiến nhất thế giới. Hiện sân bay Vân Đồn có đường bay thẳng đến nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM, Cần Thơ và nhiều nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản…
Việc đi lại giữa các đảo ở Vân Đồn chủ yếu dựa vào đường thuỷ. Vì thế, huyện Vân Đồn có nhiều bến cảng như Vạn Hoa, Cái Rồng, Quan Lạn. Từ năm nay, bến cảng cao cấp Ao Tiên được đưa vào sử dụng. Cảng có tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch đến các đảo trong huyện Vân Đồn và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long.
Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, trong đó có 2 cầu dài 150 m có thể tiếp nhận tàu 300 khách và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000 m2. Công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm và sẽ mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn 2025-2030.
Năm 2022, công nghiệp và xây dựng đóng góp 52,4% vào giá trị sản xuất của huyện. Hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng, casino, sân golf, giải trí, nhà ở thương mại … với tổng số vốn lên tới 16.000 tỷ đồng đang được triển khai như: Tổ hợp khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh - Vân Đồn, Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Monbay Vân Đồn … Trong ảnh là một góc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của tập đoàn CEO.
Du lịch, dịch vụ đóng góp 25,7% trong cơ cấu kinh tế. Lượng khách du lịch đạt 1,2 triệu người, gấp 26 lần dân số của huyện. Huyện đảo có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Dài, bãi Ngọc Vừng, bãi Minh Châu, bãi Sơn Hào. Vài năm gần đây, vẻ đẹp hoang sơ của đảo Quan Lạn nổi lên như một điểm nhấn thu hút du khách.
Bên cạnh lượng khách chủ yếu đến tắm biển vào mùa hè. Vân Đồn còn có lượng khách du lịch ổn định quanh năm nhờ các công trình tâm linh. Nổi tiếng nhất là chùa Cái Bầu có diện tích lên đến 20 ha, được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ thời Trần.
Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó chủ yếu đến từ 98.000 tấn thuỷ sản nuôi trồng.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 31,4%. Thu ngân sách 1.155 tỷ đồng. Theo quy hoạch xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020, Vân Đồn sẽ thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế.
Bản đồ huyện Vân Đồn.