Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới từ ngày 14/9, giảm 0,2 – 0,3 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 3%/năm như trước. Với kỳ hạn 3 tháng, khách hàng sẽ chỉ còn nhận được lãi suất 3,5%, giảm 0,3 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất được hạ xuống còn 4,5%, giảm 0,2 điểm %. Ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này đã đưa lãi suất tiền gửi từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức điều chỉnh 0,3 điểm %.
Ở kỳ hạn 13 tháng - 24 tháng, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 5,5%/năm.
Biểu lãi suất huy động niêm yết tại website Agribank
Cùng với Agribank, Vietcombank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới, giảm khá mạnh từ hôm nay 14/9/2023.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất hiện nay của Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này đã giảm 0,3 điểm % so với trước.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại quầy cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.
Đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng của ngân hàng cũng giảm 0,3 điểm % xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4,5%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Với việc điều chỉnh trên, cả Agribank và Vietcombank đều đã đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn covid-19. Trong khi đó, VietinBank và BIDV vẫn chưa công bố biểu lãi suất huy động mới và đang niêm yết các kỳ hạn này ở mức 5,8%/năm.
Agribank và Vietcombank là hai ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất Việt Nam với các phòng giao dịch phủ khắp các địa phương trên cả nước. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống.
Tính đến cuối quý 2, Agribank có số dư tiền gửi khách hàng đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi đầu năm. Đứng kế sau Agribank là BIDV (gần 1,546 triệu tỷ đồng), Vietcombank (gần 1,327 triệu tỷ đồng), VietinBank (1,310 triệu tỷ đồng).
Theo giới chuyên gia, đà giảm của lãi suất huy động tiếp tục được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra rất chậm. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 4,56%, thấp hơn mức 4,73% vào cuối tháng 6.
Diễn biến này làm tăng thêm áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm. NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay thêm 1,5-2% trong tháng 8 vừa qua. Lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.
Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhóm phân tích cho rằng dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.