Agribank "chạy" trước thềm cổ phần hóa

Ngọc Bích |

Nếu như trước đây phải giữa năm sau Agribank mới công bố báo cáo tài chính của năm trước thì giờ đây, kết quả hoạt động do Agribank cập nhật còn nhanh hơn cả những ngân hàng đã lên sàn.

Bất ngờ “tung” ra những con số ấn tượng

Trái với hình ảnh kín tiếng những năm trước đây, Agribank năm 2019 lại mang đến một hình ảnh rất khác khi tích cực công bố kết quả hoạt động kinh doanh theo từng quý, thậm chí là từng tháng. Nếu như trước đây phải giữa năm sau Agribank mới công bố báo cáo tài chính của năm trước thì giờ đây, kết quả hoạt động do Agribank cập nhật còn nhanh hơn cả những ngân hàng đã lên sàn.

Và cũng khá bất ngờ, thay vì sự “lẹt đẹt” của những năm trước, giờ đây những thông tin mà Agribank công bố đều rất ấn tượng. Theo thông tin mới nhất của nhà băng này, đến cuối tháng 11/2019, lợi nhuận trước thuế đạt 11.700 tỷ đồng – đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục mà Agribank đạt được từ trước đến nay. Theo đó, ngân hàng đã vượt xa kế hoạch cả năm (11.000 tỷ đồng).

Đến 30/11/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Doanh thu phí dịch vụ tiếp tục có kết quả tốt, lũy kế 11 tháng đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Trước đó, 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của Agribank đạt 9.700 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank và đã vượt khá xa so với Techcombank (hơn 8.800 tỷ). Điều này gây nhiều bất ngờ bởi nhiều năm trước đó, Agribank thường vắng bóng trong top 5 những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất. Sự bứt phá này cũng khiến nhiều người kỳ vọng á quân lợi nhuận cả năm 2019 sẽ là Agribank.

Bên cạnh những lần công bố lãi "khủng", công cuộc tái cơ cấu của Agribank cũng có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là kết quả xử lý nợ xấu – "cục máu đông" khiến hoạt động của ngân hàng trì trệ một thời gian dài.

Theo Agribank, đến nay, ngân hàng đã mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Trước đó, hồi đầu năm, ngân hàng còn có tới 7.750 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC. Với việc "dứt duyên" với VAMC, Agribank sẽ không còn phải trích 20% vào dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm như trước, đồng thời có điều kiện chủ động xử lý nợ.

Tất nhiên, sau khi mua lại nợ xấu tại VAMC, Agribank vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi riêng nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng đang thuộc top đầu ngành. Cuối tháng 6/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là hơn 17.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,63%.

Chạy nước rút để cổ phần hóa

Sự bứt phá trở lại của Agribank đến trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị cổ phần hóa và năm 2019 chính là năm bản lề để thực hiện kế hoạch này. 

Theo nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Agribank, ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ các bước để cố gắng chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng TMCP, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu IPO vào cuối năm 2019 và chậm nhất đầu năm 2020.

Trên thực tế, mục tiêu cổ phần hóa của Agribank đã được đề ra từ nhiều năm. Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg năm 2016, Agribank nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bước xác định giá trị đất đai mà Agribank đang sở hữu. Hồi tháng 8, lãnh đạo ngân hàng cho biết Agribank có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với bộ tài chính, NHNN, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng vẫn đầy ngổn ngang.

Khó khăn nữa là vốn điều lệ của ngân hàng ở mức rất thấp, không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng chỉ ở mức 30.496 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 ngân hàng "Big 4" trong khi tổng tài sản đã vượt 1,4 triệu tỷ. 

Phó Thống đốc NHNN cũng từng cho biết, Agribank đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Do thuộc sở hữu 100% của Nhà nước, cách tăng vốn điều lệ duy nhất của Agribank chỉ trông chờ vào ngân sách. Agribank cũng đã có đề án trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cấp bổ sung 20.200 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay số này vẫn chưa được phê duyệt.

Sự kiện Agribank cổ phần hóa rất được thị trường chờ đợi. Bởi dù tụt lại nhiều năm, nhiều người vẫn xem Agribank là "anh cả" ngành ngân hàng. Agribank là ngân hàng có mạng lưới và độ phủ rộng lớn nhất bao gồm khoảng 774 chi nhánh và 1.293 phòng giao dịch trên cả nước. 

Ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 là VietinBank cũng mới chỉ có 157 chi nhánh và hơn 1.000 phòng giao dịch. "Sứ mệnh" cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp mang lại cho ngân hàng một vị trí hết sức quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Dù khối nợ xấu tại nhà băng này còn lớn (cuối tháng 6 là hơn 17.000 tỷ), nhưng đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở khoảng 1,6%, đạt yêu cầu của NHNN.

Bước qua giai đoạn khó khăn, Agribank đang trở lại với một diện mạo khác, để khẳng định vị thế của mình. Dù vậy, sự bứt phá trở lại của Agribank cũng dấy lên không ít nghi ngờ. Theo các chuyên gia, bên cạnh những công bố kết quả kinh doanh ấn tượng vừa qua, khi cổ phần hóa, Agribank sẽ cần làm nhiều hơn để nâng cao năng lực quản trị của mình, cũng như tăng tính minh bạch trong hoạt động hơn nữa để đuổi kịp các ngân hàng cổ phần. 

Bên cạnh đó, trong làn sóng ngân hàng số, dịch vụ của Agribank phải được cải thiện hơn trước để không chỉ còn là một "ngân hàng nông thôn", bị tụt lại phía sau trong trời đại bùng nổ công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại