Afghanistan trước thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi Taliban siết chặt biên giới với Pakistan

CTV Mai Trang |

Kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban đã siết chặt biên giới với Pakistan khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ y tế.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại tổ chức Hamza Foundation ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: The Guardian

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại tổ chức Hamza Foundation ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: The Guardian

Hệ thống y tế thiếu thốn của Afghanistan

Fareed Ullah đã vượt biên giới Afghanistan tới Pakistan 10 lần để đưa Taha, con trai 3 tuổi, đi chữa bệnh. Taha mắc bệnh thalassemia thể nặng, một chứng rối loạn máu di truyền. Trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, Fareed chưa từng gặp sự cố nào, nhưng khi anh cố gắng tới Pakistan bằng cách đi qua biên giới tại Torkham vào cuối tháng 9, anh đã bị Taliban ngăn cản.

Bác sĩ và người nhà của các bệnh nhân cho biết, các quy định ở biên giới đã thay đổi kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát, điều này khiến các bệnh nhân Afghanistan gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ y tế ở Pakistan. “Vẫn chưa có nhiều hệ thống dịch vụ y tế ở Afghanistan”, Ijaz Ali Khan, người sáng lập Hamza Foundation - tổ chức từ thiện chuyên cung cấp phương pháp điều trị bệnh thalassemia và các bệnh rối loạn máu khác ở Peshawar, cho biết.

Hệ thống y tế của Afghanistan, vốn đã thiếu bác sĩ có chuyên môn cao và cơ sở vật chất được trang bị tốt, đã bị tổn thương nghiêm trọng. Các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm viện trợ đã dẫn đến tình trạng khan hiếm vật tư và thiết bị y tế. Một số bác sĩ đã rời đi trong những ngày đầu Taliban cầm quyền, những người khác bị mất việc làm do các bệnh viện không còn khả năng trả lương cho họ. Vào cuối tháng 9, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hệ thống y tế của Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ.

Do thiếu nguồn cung máu và số lượng trung tâm điều trị bệnh thalassemia và bệnh máu khó đông ở Afghanistan còn ít, những người mắc các chứng rối loạn này thường đến Pakistan để điều trị.

Ijaz Ali Khan cho biết, việc chuyển những bệnh nhân này đến Pakistan trước đây không phải là một vấn đề khó. Tổ chức Hamza Foundation sẽ gửi một lá thư giới thiệu bệnh nhân đến Pakistan điều trị. Do đây là một tổ chức uy tín trong khu vực, các quan chức biên giới của cả hai bên sẽ để bệnh nhân đi qua một cách dễ dàng.

“Các quan chức sẽ cho phép tất cả các bệnh nhân đi qua biên giới để tới Pakistan. Nhưng bây giờ họ sẽ không cho phép”, Tiến sĩ Tariq Khan, giám đốc y tế tại Hamza Foundation, cho biết.

Taliban siết chặt biên giới

Khi Abdul Latif Hashmi cố gắng vượt qua biên giới Chaman-Spin Boldak cùng với người mẹ 50 tuổi, anh đã bị chặn lại và bị các tay súng Taliban tra hỏi. Taliban không tin rằng Hashmi đang đưa mẹ đến bệnh viện ở Pakistan. “Họ nói rằng chúng tôi đến Pakistan để đi sang nước ngoài chứ không phải đi chữa bệnh”, Hashmi nói.

Hashmi cho biết, tại khu vực anh sống ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan, có rất ít bác sĩ chuyên khoa có thể điều trị cho mẹ anh, đó là lý do anh quyết định đưa bà đến Pakistan để điều trị ung thư tại một bệnh viện ở Karachi. Kể từ tháng 11/2020, anh đã cùng mẹ vượt qua biên giới Chaman-Spin Boldak 2-3 tháng một lần mà không gặp vấn đề gì. Trong khi đó, lần này, Hashmi và mẹ đã đợi ở biên giới 6 ngày trước khi trả tiền cho một người buôn lậu ở đó để giúp họ vượt qua biên giới.

Trước đây, Pakistan cho phép các bệnh nhân từ Afghanistan đến chăm sóc y tế, nhưng nước này cũng đã thắt chặt các quy định ở biên giới kể từ khi Taliban cầm quyền, khiến việc di chuyển trở nên phức tạp hơn nhiều.

Tại Torkham, một hệ quả khác từ việc Taliban lên cầm quyền là sự trì hoãn đối với các gia đình đang chờ đợi để nhận thi thể của những người thân mất ở nước ngoài. Một tài xế xe cấp cứu tư nhân cho biết, trước đây anh có thể trực tiếp đưa thi thể qua biên giới nhưng giờ phải đợi Taliban cho phép để chuyển thi thể sang một chiếc xe đang chờ ở phía bên kia.

Fareed Ullah ước tính có 150 bệnh nhân gặp các vấn đề y tế khẩn cấp bao gồm ung thư, tim mạch và bệnh thalassemia cũng đang chờ đợi ở khu vực biên giới để được sang Pakistan điều trị.

Fareed cuối cùng đã có thể vượt qua biên giới với sự giúp đỡ của một bác sĩ người Pakistan. Các bác sĩ tại Hamza Foundation cho biết, hầu hết bệnh nhân thalassemia thể nặng cần được truyền máu sau mỗi 20-30 ngày. Con trai của Fareed cần phải truyền máu từ khi mới 8 tháng tuổi.

Sau chuyến hành trình dài của mình, Fareed phải quyết định xem có nên ở lại Pakistan trong vài tuần tới hay mạo hiểm trở về Afghanistan giữa các đợt điều trị của con trai.

Tổ chức Hamza Foundation đã kêu gọi Taliban và chính phủ Pakistan giúp đỡ những bệnh nhân trong hoàn cảnh này. “Dựa trên vấn đề nhân đạo, Taliban nên cho phép bệnh nhân đi qua biên giới để tới Pakistan chữa bệnh. Nếu bệnh nhân không được truyền máu trong một tháng, họ sẽ chết. Mạng sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào máu. Họ giống như những con cá. Nếu bạn lấy con cá khỏi mặt nước, điều gì sẽ xảy ra?”, người đứng đầu Hamza Foundation nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại