‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung

Phùng Tiên |

‏Sau khi thông xe hai tuyến Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận đang có 148 km cao tốc đi qua. Đây là tỉnh có nhiều km cao tốc nhất miền Trung và đứng thứ hai cả nước (sau Quảng Ninh).

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 1.

Bình Thuận là một tỉnh nằm ở cực nam duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên vào khoảng 7.992 km2, dân số hơn 1,2 triệu người (2019). Đây là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên. Năm 2023, với 100,8 km đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và 47,5 km của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dự án cao tốc Bắc Nam) được thông xe, Bình Thuận hiện là tỉnh có nhiều km cao tốc nhất miền Trung và đứng thứ hai cả nước (sau Quảng Ninh). Hai tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho tỉnh.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 2.

Ngày 29/4, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, vốn đầu tư gần 12.600 tỷ đồng được khánh thành. Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, điểm cuối kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn phân kỳ hiện nay 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền 25 m. Vận tốc thiết kế đạt tốc độ tối đa 120 km/h.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, dài 100,8 km, được thông xe vào ngày 19/5. Điểm đầu cao tốc nằm tại km134 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, điểm cuối tại km235 qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam và trùng với điểm đầu của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Vào giai đoạn hoàn chỉnh sau đó, tuyến đường sẽ có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Dự án có 31 cầu trên tuyến chính, 20 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1A.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 4.

Hai cao tốc góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, nút giao Ma Lâm và Đại Ninh còn kết nối với QL28 và QL28B, tạo điều kiện thuận lợi để di chuyển lên Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 5.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn đầu tư cho những tuyến đường huyết mạch cho ngành du lịch. Trong ảnh là đường Võ Nguyên Giáp dài 16 km nối TP Phan Thiết với phường Mũi Né, tiếp cận với các điểm du lịch nổi tiếng như Làng chài, Đồi cát bay, Bảo tàng nước mắm… Năm 2016, 4 km đoạn từ cầu Hùng Vương đến vòng xoay đại lộ Võ Nguyên Giáp được mở rộng từ 6 m lên 25 m, mức đầu tư gần 286 tỷ đồng. Dự án đã giúp phương tiện lưu thông dễ dàng đến các cụm resort ở Hàm Tiến - Mũi Né và sân bay Phan Thiết trong tương lai.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 6.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện là đòn bẩy để tỉnh Bình Thuận phát triển 3 trụ cột kinh tế “Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”. Đặc biệt, là tỉnh có đường bờ biển dài gần 200 km, Bình Thuận xác định thế mạnh về kinh tế biển với các ngành trọng tâm như du lịch, đánh bắt thuỷ hải sản, logistics… Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 33,64% trong GRDP 6 tháng đầu năm 2023, tăng 13,64% so với cùng kỳ.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 7.

Các tuyến cao tốc đi vào hoạt động cũng đã góp phần vẽ lại bản đồ du lịch tỉnh Bình Thuận. Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giúp rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ TP. HCM đi Phan Thiết và hiện chỉ còn hơn 2 tiếng. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, tỉnh đã đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan lưu trú, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng bình quân cả tỉnh Bình Thuận đạt từ 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 8.

Ngoài ra, với ngư trường rộng 52.000 km2, là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 240.000 tấn hải sản các loại, hạ tầng giao thông biển của tỉnh Bình Thuận cũng được chú trọng đầu tư, hình thành các cảng như: cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý và cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Trong ảnh là cảng cá Phan Thiết, một trong những chợ đầu mối hải sản lớn nhất thành phố.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 9.

Về nông nghiệp, việc hình thành mạng lưới cao tốc tương đối hoàn chỉnh, kết nối liên vùng còn là tiền đề để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, thanh long Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là cây trồng đặc sản đứng đầu trong 11 loại trái cây trong chiến lược phát triển rau hoa, quả Việt Nam. Loại trái cây này chủ yếu tham gia xuất khẩu (chiếm 85% sản lượng), còn lại được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 10.

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn sở hữu nhiều bất động sản biển. Vì vậy, việc các cao tốc đi vào hoạt động giúp bất động sản tại đây định hình được giá trị. Trong khi giá đất nền tại nhiều tỉnh phía Nam và ven biển miền Trung có xu hướng giảm, thì Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý trước đó (theo Batdongsan.com.vn).

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 11.

Ngoài ra, các khu vực ở huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam được doanh nghiệp quan tâm nhờ có được các điểm nối với cao tốc. Trong ảnh là hải đăng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) có tuổi đời lên đến 125 năm, tổng chiều cao so với mặt nước biển là 65 m. Nằm trên một trong những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam là Vũng Tàu - Phan Thiết, quanh khu vực này đang hình thành các bất động sản nghỉ dưỡng lớn như Thanh Long Bay, Novaworld…

‏Diện mạo tỉnh có đường cao tốc dài nhất miền Trung - Ảnh 12.

Ngoài những thành công về hạ tầng, du lịch, bất động sản, tỉnh Bình Thuận còn tập trung nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị trung tâm của tỉnh. Trong đó, TP Phan Thiết sẽ được mở rộng đến xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình) và phấn đấu trở thành đô thị loại I đến năm 2030. Việc định hướng quy hoạch, mở rộng được hướng đến mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, là nơi đáng sống và hấp dẫn du khách.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại