Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây) là một trong những con đường huyết mạch của TP. HCM. Dự án được đưa vào khai thác 2009 với tổng mức đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng . Trục đường có chiều dài gần 24 km, trong đó có 1,49 km chiều dài đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm). Đây là tuyến đường nội đô duy nhất trải dài qua 7 quận, huyện của TP. HCM gồm: 1, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.
Đại lộ bắt đầu từ nút giao với Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đến ngã 3 Cát Lái (TP. Thủ Đức). Trên hình là nút giao giữa đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và quốc lộ 1A nằm ở huyện Bình Chánh (TP. HCM). Trong thời gian tới, trục đại lộ này sẽ được xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài về phía nam. Với tổng mức đầu tư là 13.837 tỷ đồng, tuyến đường sẽ bắt đầu tại nút giao đường Võ Văn Kiệt với QL1A (huyện Bình Chánh) và kết thúc tại điểm giao với đường Vành đai 3 (huyện Bình Chánh) được mở trong tương lai. Việc kéo dài tuyến đường Võ Văn Kiệt sẽ tạo thuận lợi cho nhu cầu chở hàng hóa từ các khu công nghiệp Long An đến Vành đai 3, các cụm cảng, công nghiệp... ở phía Đông Nam TP. HCM.
Sau khi đi hết địa phận huyện Bình Chánh, đại lộ sẽ đi qua quận Bình Tân. Với mục đích kết nối nhanh chóng các quận, huyện ở phía Nam vào trung tâm thành phố, tuyến đại lộ này đã góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế của quận Bình Tân phát triển. Trên hình là bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) nơi đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày, việc xây dựng bến xe dọc theo đại lộ giúp giảm thiểu vấn đề kẹt xe ở khu vực cửa ngõ phía nam và tăng tính kết nối liên vùng cho thành phố.
Tiếp đến, đại lộ đi qua địa phận của Quận 8 và Quận 6. Tại đây đại lộ Võ Văn Kiệt có nhiều cây cầu nối và cầu bộ hành giúp giảm ùn tắc giao thông các khu vực giao lộ, đồng thời thuận lợi cho việc di chuyển của người dân tại các quận lân cận khi muốn đi vào khu vực trung tâm thành phố. Trên hình là cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua ngã ba kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ. Cầu vượt này tạo thuận lợi cho các luồng giao thông khu vực đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận trục đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm và Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức).
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM, đại lộ này 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng biệt. Trong đó, khi đi qua quận 5, nơi đây được xem là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Hoa. Bởi, từ đại lộ có thể di chuyển về các khu phố buôn bán nổi tiếng trong khu vực quận. Trên hình là khu phố thuốc bắc trên đường Lương Nhữ Học (Quận 5), đây được xem là một trong số những khu vực nổi tiếng bán thuốc bắc có tuổi đời lâu tại thành phố.
Đại lộ tiếp tục trải dài qua khu vực Quận 1, đây là khu vực quy tụ những trung tâm hành chính văn phòng lâu đời của thành phố. Với vị trí là trung tâm nên lưu lượng xe đổ về khu vực này mỗi ngày nhiều khiến tuyến đại lộ thường xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Trong năm 2022, bên cạnh đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, thành phố đã triển khai mở rộng tuyến đường song hành đại lộ. Với mức vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng, tuyến đường dài 615m đã giúp cho việc di chuyển của người dân vào Quận 1 thuận tiện hơn, đồng thời tránh tình trạng ùn tắc giao thông cho đại lộ.
Ngoài ra, trên tuyến đại lộ này thành phố cũng đang triển khai thực hiện dự án phát triển giao thông xanh TP. HCM (tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1). Tổng kinh phí cho dự án này là 137 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).
Hạng mục đóng vai trò quan trọng nhất trong dự án đại lộ Đông - Tây là đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm). Công trình có mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng góp phần hoàn thiện dự án đại lộ Đông - Tây với vai trò tạo ra sự kết nối đồng bộ cho hành lang Đông - Tây của thành phố.
Điểm tiếp nối của đại lộ ở phía TP. Thủ Đức là trục đường xuyên tâm Mai Chí Thọ. Dự án đại lộ Đông - Tây tạo ra sự kết nối đồng bộ hạ tầng cũng là yếu tố góp phần thu hút đầu tư biến Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại. Cụ thể, hai bên đại lộ là các dự án khu dân cư cao cấp như Empire City, Sala Sarimi, The Sun Avenue…
Điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ này nằm ở nút giao thông ngã ba Cát Lái (TP. Thủ Đức). Đây là tuyến đường quan trọng của khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố. Sau khi đồng bộ hai đầu Tây Nam và Đông Bắc của thành phố thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ trở thành trục giao thông chiến lược. Bởi trục đường sẽ kết nối TP. HCM với hai vùng kinh tế lớn tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ.