Theo số liệu từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), trong ba năm qua, người Việt Nam đã ăn mì ít đi. Số lượng tiêu thụ mì ăn liền tại thị trường Việt Nam giảm 400 triệu gói. Mức giảm này được cho là theo xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói. Trước đó, giai đoạn 2010-2013, nhu cầu đối với mì ăn liền của Việt Nam cũng tăng chậm, từ 4,82 tỷ gói lên 5,2 tỷ gói.
Với sức giảm này, Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Mặc dù trước đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới, với tỷ lệ trung bình mỗi người ăn 55 gói mì/năm. Thứ bậc này chỉ xếp sau Hàn Quốc. Tiếp đến là Indonesia và Thái Lan.
Lý giải nguyên nhân, WINA cho hay, sở dĩ lượng tiêu thụ mì gói tại thị trường Việt Nam giảm mạnh 2 năm qua là do người dùng hoang mang, chưa hiểu rõ về sản phẩm. Trong khi đó, trên thị trường lại có quá nhiều thông tin về sản phẩm này thiếu chính xác, khiến khách hàng bất an và giảm sử dụng.
Tâm lý hoang mang của người dùng, lượng mì tiêu thụ sụt giảm có thể khiến nhiều hãng mỳ ở Việt Nam chẳng hạn như Acecook, Masan, Asia Foods phải lo lắng.
Bởi thực tế, thị trường mì ăn liền Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau như Acecook, Masan Consumer, Asia Foods, Vifon, Việt Hưng hay Micoem... Tuy nhiên, phần lớn thị phần đang thuộc về 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Ông Kagoshima Shigeto – Giám đốc khối Marketing của CTCP Acecook Việt Nam cũng cho rằng do nhiều thông tin tiêu cực về mì ăn liền như mì ăn liền là sản phẩm thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại (axit oxalic, transfat…), và là tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư…
“Thậm chí một số báo, trang tin còn hướng dẫn cách ăn mì an toàn như: Rửa/nấu mì 2-3 lần rồi mới ăn. Với cách chế biến này, mì không còn là thực phẩm. Khi không còn vị gì thì nó không phải là thức ăn được. Khi viết như vậy và người tiêu dùng làm theo, đó là sự cố rất lớn”, ông Kagoshima nói.
Bên cạnh đó, Kagoshima cũng chỉ ra 2 nguyên nhân khác khiến ngành hàng mì ăn liền bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một là, thị trường Việt Nam có sự du nhập thêm của nhiều loại hình thức ăn nhanh của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong 2 năm gần đây.
Hai là, việc cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp diễn ra không lành mạnh làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu, ngành hàng trong mắt người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam 2 năm qua sức tiêu thụ mì của công ty này cũng sụt giảm theo xu hướng chung.
6 tháng đầu năm công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mì, xuất khẩu 100 triệu gói, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, các sản phẩm làm từ gạo như phở và bún tăng 25%, miến tăng 32% và mì ly tăng 45%.
Tuy nhiên, theo "tổng quản" của Acecook, các sản phẩm làm từ gạo, miến và mì ly chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng doanh thu. Năm nay, với sức tiêu thụ khả quan công ty kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói mì với doanh thu 9.000 tỷ đồng.