Nhận được lời giới thiệu từ 2 thành viên trong biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1 là Huy Hoàng và Việt Hoàng, BTC chương trình đã quyết định mời chàng sinh viên Lê Duy Bách (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Hà Nội) tới tham gia thử thách với độ khó không tưởng trong tập cuối của màn lộ diện.
Duy Bách từng là cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia 2016 và đã vào tới trận chung kết của chương trình năm đó. Dù không thể giành vòng nguyệt quế nhưng những gì cậu thể hiện trong suốt cuộc thi khiến khán giả vô cùng ấn tượng và yêu mến.
Với những thành tích đáng ngưỡng mộ cùng lời bảo chứng của 2 thí sinh mùa 1: "Huy Hoàng và Việt Hoàng cộng lại mới bằng Duy Bách", khán giả cực kỳ chờ đợi vào "trùm cuối" của Siêu trí tuệ Việt Nam 2020.
Chàng sinh viên Duy Bách xuất hiện đầy bẽn lẽn, rụt rè trên sân khấu Siêu trí tuệ Việt Nam.
Đến với Siêu trí tuệ Việt Nam, Duy Bách sẽ phải vượt qua thử thách mang tên: Số nguyên tố tung hoành. Theo đó, BTC chương trình đưa ra một mật mã là số 4 chữ số, mật mã này sẽ được giấu trong 3 cụm từ khoá liên quan tới các sự kiện, nhân vật, câu chuyện...
3 cụm từ khoá được tạo lập từ 3 bảng chữ cái riêng biệt. Mỗi bảng chữ cái lại có 26 ký tự từ A tới Z và tương ứng với một dãy số nguyên tố liền kề nhau. Duy Bách chỉ được biết số nguyên tố của chữ số A trong 3 bảng và không được cung cấp bất kỳ thông tin nào của 25 ký tự còn lại.
Tuyển thủ phải tìm được chính xác 3 từ khoá của chương trình rồi tìm ra mật khẩu chính xác.
Sau khi nghe đề bài chương trình đưa ra, 4 thành viên trong BGK cũng như khán giả gần như không thể hiểu vấn đề và thắc mắc Duy Bách sẽ phải làm gì với đề bài khó tới mức "vô lý" như thế này. Thử thách đòi hỏi Duy Bách phải có tư duy logic, tính toán nhanh nhạy, có phông nền kiến thức và sự hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau - đây chẳng khác nào một cuốn bách khoa toàn thư.
Trấn Thành thậm chí còn đùa rằng Duy Bách có thể được phép đi về sau khi nghe thử thách khó nhằn phía trước của mình. Nhưng tất nhiên chàng trai với thân hình nhỏ bé này không hề tỏ ra nao núng, đã tham gia thì dù khó tới mấy cũng phải thử sức mình.
"Đối với mình thì đây là một đề thi rất khó, thực sự rất khó. Nó là sự tổng hợp của tất cả mọi thứ, thậm chí là một chút tốc độ. Mình thấy khá là sợ thử thách này, nhưng mà thôi trót rồi thì đâm theo thôi", chia sẻ của Duy Bách trong hậu trường của chương trình.
3 vị BGK chọn 3 số nguyên tố bất kỳ trên bảng - đây sẽ là điểm xuất phát để từ đó Duy Bách tìm ra 3 từ khoá.
3 số nguyên tố gắn với chữ A mà 3 thành viên giám khảo lựa chọn.
Tỏ ra e dè là thế, nhưng ngay khi bước lên ghế khiêu chiến thì phong thái của Duy Bách đã hoàn toàn thay đổi. Cậu tỏ ra vô cùng tập trung theo dõi các số chạy ngang dọc trên màn hình LED và bắt đầu đưa ra hàng loạt phép tính trong tờ giấy nháp để tìm ra số nguyên tố.
Tính toán thành công để có các số nguyên tố rồi gắn với chữ cái tương thích, nhưng một bước quan trọng nữa là Duy Bách phải tìm được 3 từ khoá liên quan tới nhiều lĩnh vực từ lịch sử, xã hội, địa lý, y tế.... rồi từ đây liên kết chúng lại để ra một con số chung.
Duy Bách tập trung giải đề bài của mình.
Sau hơn 30' thực hiện thử thách, Duy Bách đã cho ra 3 từ khoá lần lượt là: Quyền ứng cử của phụ nữ, BCG Vaccine và fluorine. Với 3 từ khoá này, cậu tìm ra được con số mật mã của chương trình chính là năm 1906.
Giải được mật mã chưa phải là tất cả, Duy Bách thậm chí còn nhớ rõ từng sự kiện, diễn biến cụ thể xoay quanh 3 từ khoá và cả những sự kiện khác diễn ra vào năm 1906 này. Kiến thức tổng hợp của chàng sinh viên đến từ Hà Nội thực sự khiến người ta phải "nổi da gà" và quá khâm phục, ngưỡng mộ.
Nhận được điểm số cao tuyệt đối từ BGK, Duy Bách chính là thành viên cuối cùng của biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2.
Đáp án của từ khoá đầu tiên và câu trả lời của Duy Bách: Quyền ứng cử của phụ nữ.
Đáp án của từ khoá thứ 2 và câu trả lời của Bách: BCG Vaccine.
Đáp án của từ khoá thứ 3 và câu trả lời từ Bách: Flourine