Chảo Thị Yến (SN 1990, thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, Lào Cai) là người dân tộc Dao Tuyển. Cô sinh ra và lớn lên tại một vùng quê với những định kiến về người phụ nữ. Không chấp nhận số phận, Yến đã lựa chọn đi con đường riêng của mình và thành công giành được học bổng toàn phần đi du học thạc sĩ tại trường Đại học Gottingen (Đức). Cô gái 9X trở thành một hình mẫu lý tưởng mà nhiều bạn trẻ hướng đến và học hỏi.
Bén duyên với con chữ nhờ những chiếc kẹo
Chảo Yến từng chia sẻ, năm 4 tuổi cô theo mẹ và các anh chị xuống điểm trường tiểu học chỉ vì muốn ăn kẹo. Điều duy nhất cô nghĩ đến là "xuống trường học lấy kẹo xong mình sẽ mang về nhờ bố cất".
Thấy Yến háo hức, mọi người đã thuyết phục bố mẹ cho cô đi học như các anh chị khác dù lúc đấy em mới 4 tuổi. Nhưng chỉ sau mấy ngày sau, cô phát hiện ra sự thật đi học rất vất vả nên đã tìm cách trốn về nhà.
Dẫu vậy, niềm đam mê với những chiếc kẹo một lần nữa kéo Chảo Thị Yến đến trường. Đến năm 14 tuổi, cô gái trẻ hoàn thành xong chương trình học cấp cơ sở. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Yến đã phải dừng lại 3 năm mới có thể thuyết phục cha mẹ cho đi học cấp 3.
Tuy nhiên, vào thời điểm Yến tốt nghiệp cấp 2, khu vực cô sinh sống xảy ra tình trạng mất mùa trầm trọng, cơm trắng đối với những gia đình làm nông gần như là chuyện xa xỉ.
Từ trước tới nay, truyền thống nơi cô sinh ra luôn có định kiến: "Con gái học nhiều là bất hiếu, phải chăm chỉ ở nhà làm lụng, kiếm ăn" nên bố mẹ đã quyết định không cho cô học lên cao hơn và ở nhà phụ giúp việc chăn nuôi, cày cuốc. Dẫu vậy, trong mỗi buổi chăn trâu, Yến đều thả trâu gần trường học để nhìn lén thầy cô giảng bài.
Cô gái người Dao Tuyển nhận học bổng thạc sĩ tại Đức
Ban đầu, Chảo Thị Yến chỉ đơn thuần là một người yêu thích việc học, yêu thích chữ viết và những con. Nhưng về sau, cô dần ý thức được việc bản thân phải học để thay đổi cuộc sống.
Học hết cấp 3, Yến đậu vào trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam.
Cô tiết lộ bản thân chọn ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường vì mong muốn "trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn cho cây không bị chặt phá bừa bãi".
Hết kỳ học đầu tiên, Chảo Thị Yến nộp đơn vào hệ Tiến tiến của trường đại học với số điểm vừa đủ. Từ một sinh viên có điểm trong tầm "nguy hiểm", Yến đã vươn lên thành học sinh xuất sắc của lớp. Từ năm thứ 3 đại học, kỳ nào Yến cũng giành học bổng cho học sinh xuất sắc. Điểm khóa luận tốt nghiệp của cô cao thứ 2 toàn khóa.
Vào năm cuối đại học, nhìn thấy được năng lực vượt trội của Yến, giảng viên đã giới thiệu cho cô một chương trình du học tại Mỹ nhưng cô lại bỏ lỡ cơ hội vì giấy tờ bị lỗi. Cô tốt nghiệp năm 2014 với tấm bằng loại giỏi. Trong thời gian đó, Chảo Thị Yến vừa đi làm vừa kiên trì xin học bổng du học.
Cuối cùng may mắn đã mỉm cười với cô. Yến nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (Đức) trong vòng hai năm trị giá 47.000 euro (gần 1,2 tỉ đồng).
Thay đổi cuộc đời của chính mình và những người xung quanh
Thời gian đầu mới về nước, Chảo Thị Yến đã là một chuyên gia làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về tài nguyên rừng. Nhưng không lâu sau đó, cô quyết định rẽ hướng sang làm homestay và phát triển kênh Tiktok, mang đến những câu chuyện thú vị về cộng đồng người Dao Tuyển.
Công việc hiện tại giúp Chảo Thị Yến có thể chăm lo cho cuộc sống của bố mẹ. Cô còn là tác giả của cuốn tự truyện "Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus". Cô được nhiều bạn trẻ biết đến qua tác phẩm đầu tay và được nhiều người gọi với danh xưng "nhân vật truyền cảm hứng".
Trước tên gọi ấy, Yến cho biết, áp lực là điều không thể tránh khỏi nhưng nếu được lựa chọn lại cô vẫn chia sẻ câu chuyện của chính mình để tạo nên động lực sống cho các bạn trẻ thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Thành công của cô gái Dao Tuyển đã mang lại tác động không hề nhỏ đến nơi cô sinh sống. Hơn ai hết, người hạnh phúc nhất trong gia đình là bố mẹ của Chảo Thị Yến. Ông Chảo Kim Sơn, bố Chảo Thị Yến không giấu được sự tự hào. Trước đây, gia đình cô bị bàn tán vì cho con gái đi học. Nhưng hiện tại, mọi người bắt đầu cho con em mình đi học, ai cũng mong học được như Yến, gái trai không phân biệt nữa.
Tổng hợp