9x Kon Tum có khả năng "hô biến" đồ cũ thành hàng độc, kiếm tiền triệu nhờ nghề tay trái

Ngân Hà |

Từ quần áo, vải cũ... cô gái trẻ đến từ Kon Tum đã hô biến thành những sản phẩm hữu ích, không đụng hàng, mang lại nguồn thu ổn định.

Cơ duyên không ngờ đưa cô gái trẻ đến với nghề tay trái

Lê Bảo Ngọc, sinh năm 1995, quê ở Kon Tum là một cô gái trẻ từng theo học ngành Công nghệ Sinh Học, đại học Khoa học Tự nhiên (đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Sau khi tốt nghiệp, cô may mắn tìm được một công việc đúng chuyên ngành ngay ở quê. Tuy nhiên sau 2 năm gắn bó với công việc này, Bảo Ngọc quyết định nghỉ việc để rẽ sang một hướng đi mới.

"Hai năm đầu mình làm việc đúng ngành đúng nghề, tuy nhiên thực sự là thu nhập khá thấp, không đủ để trang trải, mình vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính của bố mẹ nên quyết định nghỉ việc để theo hướng khác.

Sau đó mình đi làm kế toán nội bộ cho một công ty, công việc khá đơn giản, công ty cũng không có việc ngoài giờ nên thường buổi tối và cuối tuần được nghỉ và có nhiều thời gian rảnh rỗi" - Bảo Ngọc chia sẻ.

Vừa có thời gian rảnh rỗi, vừa muốn có thêm một nghề tay trái để tăng thu nhập, Bảo Ngọc bắt đầu mày mò tìm kiếm.

9x Kon Tum có khả năng hô biến đồ cũ thành hàng độc, kiếm tiền triệu nhờ nghề tay trái - Ảnh 1.

Bảo Ngọc có sở thích thêu thùa, may vá

Sẵn có năng khiếu thêu và may vá nên Bảo Ngọc bắt tay vào thêu vài món đồ phụ kiện, quà lưu niệm như mũ nón, áo, tranh... để tặng bạn bè, người thân.

9x Kon Tum không ngờ xuất phát từ sở thích và niềm vui "giết" thời gian lại tình cờ đưa cô đến với nghề tay trái kiếm tiền triệu.

"Từ nhỏ mình đã thích thêu thùa, may vá lắm, ở nhà còn nguyên bộ sưu tập áo quần búp bê tự may siêu thời trang, nên đợt đó tranh thủ thời gian rảnh, mình thêu mấy món tặng bạn bè. Làm xong mình chụp hình đăng lên facebook cho vui thôi nhưng không ngờ mấy món đồ xinh xẻo ấy lại được để ý và hỏi đặt làm.

Đơn hàng đầu tiên của mình là do một bạn học chung lớp Đại học đang định cư bên California (Mỹ) để ý một bức tranh và muốn đặt 50 tranh thêu để tặng khách hàng. Nhưng lúc đó vì chỉ mình làm thủ công hoàn toàn, không đủ khả năng nên mình chỉ nhận làm 13 khung.

Bắt đầu từ đó, mình mới nhận ra là có thể kiếm thu nhập từ chính sở thích này chứ thực ra lúc đầu chỉ muốn làm để "giết" thời gian. Mình bắt đầu nhận thêm đơn thêu áo, mũ, tranh..."

Các sản phẩm do Bảo Ngọc thực hiện.

Một thời gian sau, nhận thấy nhiều người có lượng lớn quần áo cũ, không mặc đến cần phải bỏ đi, Bảo Ngọc đặt ra câu hỏi nên làm thế nào để tối ưu vòng đời của một sản phẩm.

Suy nghĩ ấy đã thôi thúc 9x Kon Tum sáng tạo, tái sinh quần áo cũ thành những sản phẩm thời trang nhờ đôi bàn tay khéo léo của cô. Ngoài các sản phẩm thêu tay, cô nàng bắt đầu thử sức với túi, ví, ba lô, phụ kiện may lại từ các vật liệu cũ.

Thu nhập đáng ngưỡng mộ từ nghề tay trái

Có niềm đam mê lớn đối với các vấn đề về môi trường nên sau khi đọc được một bài viết về các sản phẩm tái chế, Ngọc như tìm thấy đúng con đường mình cần đi. Từ năm 2021, Bảo Ngọc bén duyên với việc sản xuất các món đồ handmade, may bằng vải tái chế từ áo quần, đồ jean cũ và vải vụn.

Cô nhận ra rác thải, những món đồ tưởng như bỏ đi, không sử dụng được nữa cũng là một nguồn tài nguyên, thế nên thay vì ném vào thùng rác, gây ô nhiễm môi trường thì 9x Kon Tum thu gom, mua lại để "hô biến" thành những món đồ hữu ích, xinh xắn.

"Mình đã có ý thức về bảo vệ môi trường từ khi còn học đại học. Lúc đó mỗi lần đi mua quần áo, mình sẽ mang theo túi vải, đi mua nước thì mang sẵn ly gỗ theo để hạn chế rác thải nhựa, bao bì ni lông ra môi trường.

Do đó, công việc sản xuất những món đồ hữu ích từ vải vụn, áo quần cũ cực kỳ thu hút mình. Sau khi có ý định theo sản phẩm tái chế, mình bắt đầu lên mạng để tìm đọc và xem các clip hướng dẫn may ba lô, túi xách, ví vải... để nâng cao tay nghề.

Cứ thế, mỗi ngày khi đi làm về, mình tranh thủ buổi tối và ngày cuối tuần lân la đi xin đồ jean cũ về may. Sau khi đi xin và thu gom quần áo cũ về mình sẽ giặt sạch, phơi khi trước khi may.

Còn đối với vải vụn, có những mẩu vải chỉ vừa được một chiếc ví hoặc không đủ để may, mình cũng không vứt bỏ mà gom lại để may lót ly.

Sản phẩm đầu tiên mình may tái chế lại là balo, đó cũng là món đồ mình thấy khó nhất, sau đó mình làm thêm túi, ví, phụ kiện, miếng lót ly, kẹp cài..."

Những món đồ xinh xắn, không đụng hàng lại ghi dấu ấn cá nhân của chủ sở hữu được khách hàng ưa chuộng tìm mua để sử dụng hoặc tặng bạn bè, người thân

Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu Bảo Ngọc gặp khá nhiều khó khăn, cô phải vừa may vừa xem clip hướng dẫn vì không biết ráp sao cho hợp lý, tất cả đều do cô tự mày mò, học hỏi.

Nhờ sự kiên trì, làm một thời gian cô bắt đầu quen tay, thành thạo, lao động đi kèm sáng tạo để cho ra đời những thành phẩm mang đầy tính nghệ thuật, được nhiều khách hàng yêu thích.

Lợi thế của cô nàng khi có mẹ là thợ may đã gần 30 năm. "Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh", Bảo Ngọc kế thừa được năng khiếu may vá, thêu thùa từ mẹ. Mỗi lúc gặp khó khăn trong việc may đồ, Ngọc cũng được mẹ chỉ dẫn, hỗ trợ thêm.

Sản phẩm túi, ví, phụ kiện handmade từ đồ cũ của Ngọc vừa xinh xắn, lại không đụng hàng như sản phẩm sản xuất hàng loạt, khách hàng còn có thể đặt thêu tên, biểu tượng mang dấu ấn cá nhân nên được nhiều người yêu thích, chọn mua.

9x Kon Tum có khả năng hô biến đồ cũ thành hàng độc, kiếm tiền triệu nhờ nghề tay trái - Ảnh 4.

Lượng khách tìm đến các sản phẩm của Ngọc ngày càng nhiều, cô nàng không chỉ xin áo quần cũ, vải vụn... mà đã chủ động thu gom, đặt mua với số lượng lớn từ các nhà may để về may đồ tái chế.

Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nếu các ngành nghề kinh doanh khác gặp khó khăn, điêu đứng thì Ngọc lại sống "khỏe" nhờ nguồn thu ổn định từ việc bán hàng qua Facebook, các sàn thương mại điện tử.

Nguồn thu nhập hằng tháng đều đặn giúp Ngọc có thể chi tiêu thoải mái mà không cần dùng đến lương, dù cô chỉ làm thêm ngoài giờ.

Hiện tại, Bảo Ngọc đang cố gắng phát triển thêm nhiều sản phẩm mới và cải thiện sản phẩm cũ. Cô nàng xác định vẫn sẽ đi theo hướng sản xuất các đồ dùng hữu ích từ vật liệu tái chế, góp phần bảo vệ môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại