90% sản lượng mỏ vàng đứng thứ 2 trên thế giới này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc: Thu tỷ USD nhưng giá đang giảm mạnh

Như Quỳnh |

Mặt hàng này đã chính thức mang về hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.

Ảnh minh họa

Một loại nông sản tỷ đô của Việt Nam có đến hơn 90% sản lượng được xuất sang Trung Quốc chính là mặt hàng sắn. Hiện cả nước có khoảng 530.000 ha sắn, sản lượng hơn 10 triệu tấn một năm và giữ vị trí nhà xuất khẩu đứng thứ 2 của thế giới.

Cây sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn và thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo. Bên cạnh đó lá sắn được sử dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 đã thu về hơn 90,7 triệu USD với hơn 230 nghìn tấn, tăng mạnh 30,8% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với tháng 10. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm xuất khẩu sắn đạt hơn 2,3 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,04 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà nhập khẩu lớn nhất với hơn 2,15 triệu tấn, trị giá hơn 958 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vẫn tăng nhẹ 3%, đạt bình quân 445 USD/tấn.

Đứng thứ 2 là Đài Loan với hơn 43 nghìn tấn, trị giá hơn 23 triệu USD, sản lượng tương đương cùng kỳ năm trước và trị giá tăng 5% so với cùng kỳ. Giá bình quân 537 USD/tấn, tăng 5%.

Hàn Quốc là nhà nhập khẩu sắn lớn thứ 3 của nước ta với hơn 38 nghìn tấn, trị giá hơn 12 triệu USD, giảm mạnh 64% về lượng và giảm 69% về trị giá. Giá bình quân đạt 320 USD/tấn, tương ứng thấp hơn 13% so với năm trước.

Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn ; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã liên tục giảm nhập khẩu sắn bởi giá ngô thấp, các nhà máy chế biến sắn tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát. Nhu cầu thấp cũng khiến cho giá sắn Việt Nam liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp hội sắn Việt Nam (VCA), thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. Các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024-2025 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn.

Các chuyên gia cũng cảnh báo ngành cần cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt khi Trung Quốc đánh giá tinh bột sắn Thái Lan ổn định hơn về cả số lượng lẫn chất lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại